- Trong thời gian 10 tháng cuối năm 2012, đơn vị thu phí tuyến đường TP.HCM- Trung Lương cho biết sẽ phải đem về 300 tỷ.
Hàng loạt tài xế và chủ doanh nghiệp vận tải khi được hỏi đã ngao ngán với mức phí mới công bố của cao tốc TP.HCM- Trung Lương.
“Sốc” vì phí cao tốc
Như VietNamNet đã thông tin, đường cao tốc TP.HCM- Trung Lương sau 2 năm khai thác đã phát sinh hàng loạt hư hỏng. Nhiều ổ gà và rãnh đường xuất hiện dẫn đến tình trạng có thời điểm ô tô không thể đạt vận tốc tối đa như cho phép.
Ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long cho biết: “Hiện đơn vị thi công đã bảo hành sửa chữa khoảng 70% sự cố trên toàn tuyến, còn 30% khối lượng công việc dự kiến hoàn thành dứt điểm trong tháng 4 năm nay”.
Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương đến tháng 4 năm nay mới hoàn tất sửa chữa xong. |
Anh Đinh Mạnh Nam, Giám đốc công ty TNHH Minh Loan, đơn vị chuyên vận chuyển hàng hoá bằng container nói: “Hiện nay, phí thu ở các tuyến đường khác đối với container 40 feet là 80.000 đồng. Cao tốc TP.HCM- Trung Lương thu phí 320.000đồng/1xe/1lượt. Dù rút ngắn thời gian di chuyển, nhưng thực tế thời gian đó không đủ để doanh nghiệp xoay vòng thêm 1 chuyến khác trong ngày, mặt khác đâu phải dễ để tăng hợp đồng vận chuyển. Như vậy rõ ràng tính hiệu quả về thời gian không được các doanh nghiệp như chúng tôi mặn mà. Đi cao tốc còn khiến vỏ xe hao mòn hơn QL1”.
Một tài xế xe tải chuyên chở hàng tuyến TP.HCM- Tiền Giang cho biết: “Hầu hết xe tải và container đều chỉ chở hàng 1 chiều, khi đi chở hàng và khi về xe rỗng. Như vậy, tính cả đi và về 1 chuyến xe phải mua đường mất 640.000 đồng là quá cao so với mặt bằng cước vận chuyển hiện nay thì công ty chỉ có từ lỗ đến… bị thương”.
“Trước đây tôi thường đi cao tốc TP.HCM- Trung Lương nhưng từ ngày bắt đầu thu phí, tôi sẽ đi Quốc lộ 1A. Dù mất thời gian hơn nhưng hiện nay công ty tôi không đồng ý trả phí đi cao tốc” - tài xế này chia sẻ.
Thu phí QL1A có hợp lý?
Trả lời báo giới về trường hợp xe tải và container sẽ “né” cao tốc vì phí quá cao mà chuyển sang đi QL1A, ông Nguyễn Văn Phòng, Phó tổng giám đốc Cửu Long cho hay, hiện chính phủ đã có đồng ý thông qua dự án đặt trạm thu phí QL1A- Tân An.
Hiện nay, hồ sơ giải phóng mặt bằng đã hoàn tất. Chủ đầu tư đã phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Long An đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Theo dự trù kinh phí, giải phóng mặt bằng và lặp đặt thiết bị sẽ tiêu tốn khoảng 80 tỷ đồng.
Việc đặt trạm thu phí trên QL1A, theo ông Phòng cho biết nhằm điều hoà giao thông giữa QL1A và cao tốc TP.HCM- Trung Lương. Tiền thu phí sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, với tâm lý “né cao tốc” hiện nay của nhiều tài xế và doanh nghiệp vận tải, thời gian tới những xe tải và container đang lưu thông cao tốc (chiếm 20-25%, tương đương 9.000 xe) sẽ quay trở lại QL1A tạo nên áp lực giao thông rất lớn cho tuyến đường này.
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Nguyễn Văn Trường - Trưởng văn phòng luật sư Trường, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: “Về lý luận, rõ ràng không thể đặt trạm thu phí trên QL1A vì xe tải và container “né” cao tốc chuyển sang đi QL1A. Công ty Cửu Long không phải đơn vị đầu tư thi công tuyến QL1A, tức là không hề cung cấp dịch vụ cho người dân nên đứng ra thu phí như vậy là bất hợp lý. Có rất nhiều trường hợp, những người dân nhiều năm nay không có nhu cầu đi cao tốc TP.HCM- Trung Lương mà chỉ đi QL1A, nay không lẽ sau khi thu phí cao tốc vì lý do gì đó mà lại bắt họ nộp phí khi vẫn đi trên tuyến đường cũ”.
Quan trọng hơn, sắp tới Tổng công ty Cửu Long sẽ đưa ra đấu thầu rộng rãi trong và ngoài nước về việc chuyển nhượng quyền thu phí trên đường cao tốc TPHCM – Trung Lương. Nếu cá nhân, tổ chức trúng thầu tiếp quản thu phí cả QL1 thì rõ ràng tiền thu được sẽ vào túi doanh nghiệp hoặc cá nhân này chứ không phải vào ngân sách nhà nước.
Trao đổi với VietNamNet chiều ngày 24/2, đại diện công ty TNHH MTV Quản lý và sửa chữa cầu đường 715 cho hay: Dù đã tổ chức triển khai thu phí thử theo đúng quy trình (thu phí nhưng không thu tiền) để rút kinh nghiệm và kiểm tra hệ thống thiết bị.
Tuy nhiên trong 3 ngày liên tục đã xuất hiện tình trạng ùn tắc tại các trạm thu phí. Ban đầu công ty đã xác định có một số lỗi về hệ thống thiết bị, bên cạnh đó một số tài xế không quen với quy trình bấm vé nên lúng túng đi qua trạm.
Nếu trong ngày đầu tiên thu phí, tình trạng kẹt xe tái diễn và nghiêm trọng, đơn vị tổ chức thu phí sẽ cho xả trạm (không thu phí) và kết hợp với lực lượng CSGT các địa phương để điều tiết giao thông.
Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương được khởi công từ tháng 12/2004 và đưa vào khai thác từ 2/1010 với tổng chiều dài 61,9 km, trong đó tuyến đường cao tốc chính dài 39,8 km, vận tốc thiết kế 120km/giờ, có tổng kinh phí đầu tư 9.884 tỷ đồng. Cao tốc này rút ngắn thời gian từ TP.HCM đi Tiền Giang chỉ còn khoảng 30 phút thay vì 90 phút như trước đây. |
No comments:
Post a Comment