TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Friday, August 7, 2009

Mua bán thận - người tái nghèo, kẻ sống lưu vong

Cập nhật lúc 06:31, Thứ Sáu, 07/08/2009 (GMT+7)
,

- Bán thận, hai chữ đầy bi kịch đối với bất kỳ ai đang lành lặn. Nhưng ở xã Trung Bình (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), đó là chuyện “bình thường thôi” vì có những người từng theo “cò” vượt biên, đặt cược mạng sống trên bàn mổ.

6h sáng, mưa xối xả. Căn nhà nhỏ của anh Dương Lâm Nhi ở ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình nước ngập vào tận bếp. Mắt nheo lại vì khói thuốc, giọng anh ủ dột: “Tôi chẳng ngờ rằng, sau khi bán thận, mình vẫn nghèo rớt như xưa”.

Vỡ mộng thoát nghèo

“Tôi gặp may, ông bác sĩ mổ lấy thận hôm đó khéo tay, chỉ 5 ngày sau tôi đã có thể bước xuống xe đẩy và tập đi”, anh Nhi kể, tay chỉ vết sẹo dài như con rết bám vào bên hông trái.

Câu chuyện về hành trình đi bán thận lâu lâu lại ngắt quãng do nước mưa hắt xuống từ mái nhà tranh vá chằng vá đụp. Để tránh dột, vợ chồng anh giăng một tấm nylon trắng vào giữa hai mái tranh để làm máng dẫn nước mưa chảy ra ngoài.

2 năm sau khi theo "cò" bán thận vượt biên, ngôi nhà của anh Nhi vẫn xập xệ như cảnh nghèo chưa dứt. Ảnh: Quốc Quang

Theo lời anh Nhi, vào tháng 7/2007, người đàn ông tên Nguyễn Văn Tám, người cùng xã đến nhà rủ anh Nhi và 5 người nữa đi Trung Quốc bán thận với giá 70 triệu đồng một quả thận.

Sau khi đồng ý, 6 người được Tám đưa lên bệnh viện ở TP.HCM kiểm tra sức khoẻ. Khi đã qua khâu “thử hàng”, Tám tiếp tục mua vé máy bay đưa họ ra Hà Nội, rồi đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) vượt biên sang Trung Quốc. Cuối cùng, họ được tập trung ở một bệnh viện thuộc tỉnh Quảng Châu.

Tại đây, Tám yêu cầu anh Nhi ký vào bản cam kết có nội dung “Hiến thận cho cậu ruột và đồng ý không khiếu nại, tố cáo bất kỳ điều gì về sức khoẻ của mình sau khi hiến thận”.

’Khuôn
Khuôn mặt buồn rầu, anh Nhi nói: "Tôi chẳng ngờ rằng, sau khi bán thận, mình vẫn nghèo rớt như xưa". Ảnh: Quốc Quang

Hiến thận xong, số tiền 70 triệu đã vơi đi 10 triệu vì tự túc tiền ăn uống, thuốc men trên đường về. Thêm 6 tháng nằm không ở nhà do sức khoẻ yếu, số tiền bán thận còn lại chỉ đủ để anh Nhi sắm một chiếc ghe máy.

Chị N.V.T, vợ anh Nhi, nói: “Thời gian gần đây, anh Nhi bị những cơn đau liên tục khiến sức khoẻ sa sút, không thể mang vác nặng. Có buổi tối, anh Nhi đi biển về đau quá mà không có tiền mua thuốc uống, hai vợ chồng chỉ biết nằm khóc, cắn răng phó mặc số trời”.

Bị cò thận “ăn trên đầu trên cổ”

Nguyễn Văn Tám (SN 1968, quê ở huyện Bình Chánh, TP.HCM) người dẫn anh Nhi đi bán thận là cái tên đã nhẵn mặt trong danh sách bán máu tại Bệnh viện 175 (quận Gò Vấp, TP.HCM) từ năm 2006.

Mồ côi cha mẹ từ sớm, Tám lang thang khắp nơi làm thuê, làm mướn, rồi lấy vợ tên P.T.H ngụ xã Trung Bình, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Sau đó, Tám tiếp tục lên TP.HCM thuê nhà trọ sinh sống.

Thất học, lười lao động, Nguyễn Văn Tám thường xuyên phải đi bán máu trước BV 175. Lúc này, được một số “đồng nghiệp” rỉ tai rằng nhu cầu ghép thận tại TP.HCM tăng nhanh, Tám đã tìm cách móc nối với những “cò” mua bán thận có chân rết ở Trung Quốc rồi bành trướng đường dây của mình từ TP.HCM đến tận Sóc Trăng.

Sau khi bán thận nhiều người dân xã Trung Bình, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng... tái nghèo. Ảnh: Quốc Quang

Ít ai nhớ được rằng Tám cũng chính là “cò” đã dẫn sinh viên T.C.L đi Trung Quốc bán thận vào tháng 12/2008. Dù biết sinh viên này bị bệnh máu loãng nhưng Tám đã tìm mọi cách “chạy” để T.C.L có thể bán thận. Điều này giúp Tám có được một số tiền hoa hồng béo bở. Chỉ 6 tháng sau khi về lại Việt Nam sinh viên T.C.L đã tử vong với những vết mổ chằng chịt trên người.

Trao đổi với PV, chị L., một người từng đi bán thận chung với sinh viên T.C.L cho biết: người mua thận trả giá và đưa tiền cho “cò” Tám 100 triệu đồng cho mỗi quả thận nhưng Tám chỉ giao cho mỗi người 50 triệu đồng”.

Cách ăn chặn này vẫn chưa thuộc dạng “ăn trên đầu trên cổ” bằng cách trước đó Tám đã làm với những người dân quê nghèo khổ ở xã Trung Bình, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Anh Nhi, người được Tám dẫn đi bán thận cho biết: trước khi đi anh Tám đã ra giá 70 triệu đồng/quả thận với tôi, anh Năng, anh Khánh và anh Tắn (cùng ngụ xã Trung Bình, huyện Long Phú), nếu đồng ý thì đi.

Vết sẹo gần 20cm, dấu tích lần vượt biên bán thận của một người dân xã Trung Bình. Ảnh: Quốc Quang

Sau khi sang Trung Quốc, bán thận xong tôi mới té ngửa vì người mua thận của tôi cũng là một người Việt Nam đã trả cho anh Tám 500 triệu đồng.

Các đường dây mua bán thận đều có một cái lệ, sau khi người mua thận được ghép xong sẽ phải “gửi” cho người bán 10 triệu đồng gọi là tiền cảm ơn và bồi dưỡng. Nhưng anh Tám đã nhận đại diện và đút túi luôn.

Cũng sau chính phi vụ này, đường dây mua bán thận do Nguyễn Văn Tám cầm đầu bị Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C14) Bộ Công an phát hiện. Tuy nhiên Tám đã bỏ trốn sang Trung Quốc.

Đoạn kết không có hậu

“Má ơi má, ba được đi máy bay hả má?”, giọng cô con gái 8 tuổi của anh Nhi líu ríu khi nghe người cha còn một bên thận của nó kể về hành trình đi bán thận.

“Xã này còn nhiều người đi bán thận lắm, không phải vài người như anh và mấy ông ở UBND xã biết đâu”, anh Nhi quay sang nói với tôi. Khi tôi hỏi: “Nhiều là bao nhiêu?”, chị vợ anh lại nhắc khéo chồng: “Trời ơi, nghèo quá nên đi bán thận, chẳng ai sung sướng gì mà kể”.

Cách nhà anh khoảng 500 mét, căn nhà xây còn khá mới nằm ngay đường lớn là của P.T.H, vợ của trùm môi giới mua bán thận Nguyễn Văn Tám. Một người dân xã Trung Bình cho biết: căn nhà này mới xây được khoảng 1 năm thôi, hồi trước tụi nó (Tám và H. – PV) nghèo lắm, ở nhà tranh vách đất.

Vượt biên bán thận, cả người bán lẫn kẻ môi giới đều nhận những bi kịch đau lòng. Ảnh: CTV

Chị N., vợ anh Nhi tỏ vẻ tiếc: “Tôi nói thật với anh, hồi đó, việc không vỡ lở ra, tôi cũng theo anh Nhi đi bán thận rồi, tính là hai vợ chồng đi xong về xây cái nhà, còn tiền thì tìm cách làm ăn. Anh thấy đó, anh Tám cũng dẫn vợ, chị H. đi bán thận nên mới xây được nhà đó”. Anh Nhi cũng ngồi im nghe vợ nói thật lâu. Trong câu chuyện của chị, 3 tiếng “cái nhà xây” không ngừng xuất hiện.

Tôi trở về trong mưa, suy nghĩ bị ám ảnh bởi cái nhà xây, ước mơ của nhiều người vợ nghèo xã Trung Bình, Long Phú. Nhưng ở trong ngôi nhà xây đó, lẽ nào người vợ thấy hạnh phúc khi chồng mình phải bán đi một phần máu thịt hoặc trở thành một trùm môi giới phải nhận kết cục của kẻ lưu vong khó có ngày về.

  • Quốc Quang
,

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty