Phần II: Viễn cảnh ảm đạm từ việc nắn dòng Mekong
Trong phần này, Tiến sĩ Tyson R. Roberts tiếp tục đưa ra những tác động tiêu cực từ dự án xây dựng hệ thống đập thuỷ điện trên sông Mekong cũng như kế hoạch nắn dòng sông này phục vụ giao thông đường thuỷ của Trung Quốc.
Lũ lụt trầm trọng Sông Mekong phần chảy qua Lào. (Ảnh: Japanfocus)
Vào tháng 9 - 10/2000, Campuchia và khu vực châu thổ Mekong của nam Việt Nam trải qua nạn lũ lụt chưa từng có. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long ở nam Việt Nam.
Khi ấy, tôi đang ở Phnom Penh và thành phố gần như chìm trong nước. Có thể so sánh nạn lụt bấy giờ giống như lũ lụt xảy ra ở Bangladesh và tỉnh Tây Bengal của Ấn Độ. Ở Nam Á, lũ lụt thường do lượng mưa khác thường bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu, và sự quản lý tồi trong hệ thống đập thuỷ điện, đập thủy lợi. Ở Campuchia và Việt Nam, lũ lụt chỉ là do sự khác thường của lượng mưa. Đặc biệt, không thấy đề cập tới vai trò của đập Manwan của Trung Quốc. Cho dù trữ lượng nước của đập này không quá lớn, nhưng nó cũng đóng một vai trò theo cách này hay cách khác.
Đập Manwan sẽ ngăn dòng nước lũ (hay ít nhất là giảm bớt lũ lụt vùng hạ lưu)? Hay góp phần khiến mực nước vùng hạ du Mekong trở nên cao hơn vào tháng 9, tháng 10 năm 2000? Khi tôi đưa câu hỏi này ra với các quan chức ở trụ sở của Uỷ ban sông Mekong (MRC) tại Phnom Penh, họ trả lời kể từ khi Trung Quốc không phải là thành viên của MRC, họ không có bất cứ dữ liệu nào.
Tôi vẫn chưa có câu trả lời về đập Manwan và vai trò của nó trong nạn lụt tháng 9, 10/2000.
Các đập thuỷ điện trên sông Lan Thương của Trung Quốc sẽ đảm bảo cho những nước vùng hạ du tránh khỏi lũ lụt? Câu trả lời là “Có”. Hệ thống đập thuỷ điện có thể cung cấp một biện pháp chống lụt, nhưng chỉ phù hợp trong tình huống lũ lụt thông thường.
Mục đích chính của đập thủy điện là giữ nước để phát điện. Trong mùa mưa, nước được giữ lại để đảm bảo công suất phát điện cho mùa khô. Vì thế, khi xảy ra một trận lụt lớn và bất ngờ, các hồ chứa nước quá nhiều nước, có thể phải xả nước để đảm bảo an toàn cho đập và góp phần khiến nạn lụt vùng hạ du thêm trầm trọng. Điều này có lẽ đã xảy ra với đập Manwan trong mùa lụt tháng 9, 10/2000.
Khi một trận lũ lụt xảy ra quá mức dự đoán, ví dụ như kiểu lũ lụt 500 năm mới xảy ra một lần (các kỹ sư thuỷ điện gọi là lũ lụt 500 năm), các đập chứa nước lớn như dự án Tiểu Loan và Nuozhadu là một mối nguy thực sự.
Chúng phải lưu một lượng nước tương đương với 5 năm hoặc nhiều hơn của những mùa lụt “thông thường” để đạt tới mực trữ nước thông thường. Khi mùa lụt lớn hơn dự đoán xảy ra, các đập này sẽ phải xả nước càng sớm càng tốt. Nghĩa là cùng một lúc, mùa lụt vùng hạ du sẽ phải hứng chịu tổng lượng nước lụt của thượng nguồn cộng với lưu lượng nước của vài năm lụt trữ lại phía sau các con đập. Theo đó, hệ thống đập thuỷ điện của Lan Thương sẽ gây ra một thảm hoạ môi trường lớn hơn bao giờ hết.
Các vấn đề trầm tích
Nguy cơ nghiêm trọng nhất ảnh hưởng tới sự bền vững của hệ thống nhà máy thuỷ điện Lan Thương xuất phát từ khả năng chứa nước ngày một suy giảm do những dòng chảy trầm tích vào các hồ chứa. Tất cả những dấu hiệu hiện tại cho thấy, xói mòn đất đang diễn ra với tỉ lệ gia tăng và có lẽ, tỉ lệ vận chuyển trầm tích trong sông là kết quả của việc đánh giá không đúng mức khả năng của các hồ chứa trong việc hấp thụ tải trọng trầm tích (của dòng chảy).
Lan Thương chỉ chiếm khoảng 16% tổng lưu lượng nước của sông Mekong khi nó tới vùng châu thổ, nhưng lại chiếm 50% trong tổng số ước tính tải trọng trầm tích 150-170 triệu tấn/năm. Đó cũng là một phần bởi địa hình dốc đứng vùng thượng nguồn Mekong.
Những ước tính của Trung Quốc trong khả năng vận chuyển trầm tích của sông Lan Thương có lẽ quá thấp. Có một số lý do giải thích như trầm tích Lan Thương phần lớn là đá mạt thô và cát, nó được vận chuyển ở đáy sông thay vì là dạng trầm tích lơ lửng và luôn rất khó để đo đạc, đặc biệt trong điều kiện xảy ra lũ lụt lớn.
Cũng có nguyên nhân góp phần gia tăng tỉ lệ xói mòn là phá rừng, là sự nóng lên toàn cầu khiến băng tan chảy và mưa lớn hơn.
Có nhiều nhân tố góp phần vào việc làm tăng trọng tải trầm tích Lan Thương thường bị bỏ qua. Một trong số đó là những đợt lở đất ngầm, hiện tượng gia tăng lượng mưa cục bộ. Sụt lở nhiều nhất dường như xảy ra ở khu vực gần các đập chứa do tác động “hút nước” liên quan tới phát điện khi nhu cầu sử dụng lên đỉnh điểm.
Gia tăng lượng mưa cục bộ vì sự hiện diện của hồ chứa nước là một vấn đề chính với hai hồ chứa khổng lồ Nuozhadu và Tiểu Loan. Bề mặt nước khổng lồ và điều kiện gió ở các hẻm núi Lan Thương sẽ kết hợp với nhau làm gia tăng lượng mưa cục bộ, cũng vì thế mà gia tăng sự xói mòn.
Hãy lấy tình hình lắng đọng trầm tích ở hồ chứa Manwan làm ví dụ. Các nhà khoa học ước tính rằng, mực nước chết với hồ chứa đập Tiểu Loan sẽ là 4.750 triệu mét khối (mcm) trong khi của Manwan là 662 mcm. Như vậy mực nước chết của Tiểu Loan chỉ gấp 7,3 lần của Manwan.
Ước tính Tiểu Loan sẽ có thể hấp thụ trầm tích Lan Thương trong 100 năm là quá phóng đại. Ba mươi năm là ước tính an toàn nhưng xem ra vẫn quá lạc quan.
Manwan rõ ràng đang chịu những nguy cơ của dòng chảy trầm tích quá lớn. Hậu quả đó là:
- Nguy cơ hỏng hóc turbine
- Giảm phát điện trong mùa khô khi khả năng giữ nước của hồ chứa cuối cùng cũng giảm dần
- Rút ngắn tuổi thọ của Manwan
- Gia tăng nguy cơ với đập trong trường hợp xảy ra lũ đột ngột
Trung Quốc có thể nhanh chóng xây dựng đập Tiểu Loan, và rồi họ sẽ “xả hơi” trong vòng hai tới ba thập niên trước khi phải bắt đầu lo lắng về trầm tích lắng đọng trong công trình này.
Khi môi trường tiếp tục suy giảm ở lưu vực Lan Thương, những nguy cơ mới sẽ phát sinh từ hiện tượng lở đất tại vùng núi ngày một lớn hơn. Đó là lý do vì sao tôi đưa ra ước tính tuổi thọ hồ chứa nước của một con đập lớn như Tiểu Loan chỉ là 30 năm so với con số 100 năm mà các nhà đầu tư đề xuất.
Phá rừng
Số phận của các hồ chứa nước được tạo ra từ những đập thuỷ điện trên sông Lan Thương sẽ xác định bằng sự tồn tại của hệ thống rừng tại các hẻm núi và thung lũng của dòng Lan Thương cũng như các thung lũng của một số nhánh sông khác.
Và, viễn cảnh ấy khá ảm đạm.
Phần lớn diện tích rừng của Vân Nam đã bị phát quang. Nhiều khu vực rừng tự nhiên đã bị thay thế bởi những đồn điền độc canh. Ở Xishuangbanna (Sipsongpanna) thuộc phía nam Vân Nam, cây trồng chính là cao su. Để có một đồn điền cao su thì đầu tiên, rừng tự nhiên cần phải được “làm sạch” hoàn toàn. Cây trồng theo hàng và mất vài năm mới tới tuổi thu hoạch.
Khi cây còn nhỏ, độ che phủ rất thấp, khác hẳn với rừng tự nhiên. Mặt đất tại các đồn điền cao su ở Xishuangbanna hoàn toàn trống trải. Ở đây có câu hỏi rằng, một đồn điền cây trồng như vậy liệu có hạn chế được xói mòn đất như rừng tự nhiên mà nó thay thế. Sau nhiều năm khả năng khai thác cao su của cây giảm. Những cây già sẽ lại được cây non thay thế. Mỗi lần như thế, đất đai lại “quang quẻ” trở lại, theo đó, chất lượng và độ ổn định của đất trồng sụt giảm và xu thế xói mòn lại gia tăng.
(Còn tiếp)
- Kỳ Thư (gt)
No comments:
Post a Comment