TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Sunday, July 18, 2010

Vay vốn quốc tế - sự lựa chọn bắt buộc?

Tác giả: Ngọc Lan (TBKTSG)

Một số tập đoàn kinh tế nhà nước đang dự kiến chọn thời điểm cuối quí 4 năm nay để phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế, với con số khoảng 1 tỉ đô la/tập đoàn. Phải chăng kênh huy động này sẽ mở ra cơ hội cho họ trong bối cảnh tín dụng trong nước đang có xu hướng thắt chặt?

Đồng loạt chọn thời điểm quí 4

Phát hành trái phiếu quốc tế là một trong bốn kênh huy động tài chính lớn mà các tập đoàn kinh tế nhà nước đang hướng tới cho việc huy động vốn năm 2010 và định hướng các năm tiếp theo, tính đến năm 2020. Lý do dẫn đến việc sử dụng kênh huy động này, theo lãnh đạo các tập đoàn, là do nhu cầu sử dụng vốn của các tập đoàn trong năm nay và các năm tới là rất cao.Ví dụ như tập đoàn Dầu khí (PVN), họ cần thu xếp vay lên đến hơn 10 tỉ đô la trong giai đoạn 2009-2015, chưa kể đến phần vốn tự có và các phần vốn của đối tác, liên doanh vay.

"Dự kiến quí 4 năm nay chúng tôi sẽ phát hành 1 tỉ đô la trái phiếu tại thị trường Mỹ và đây là đợt phát hành lần đầu của PVN", bà Phan Thị Hòa, Trưởng ban Kiểm soát của PVN, cho TBKTSG biết. Bà Hòa còn nói thêm rằng, sau đợt phát hành lần đầu, kênh huy động này sẽ được PVN sử dụng thường xuyên trong các năm tiếp theo để đầu tư cho các dự án chính.

Trưởng ban Tài chính của tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) Phạm Hồng Thái cũng cho biết, quí 4 cũng là thời điểm được TKV chọn để phát hành lượng trái phiếu trị giá từ 500 triệu đến 1 tỉ đô la Mỹ. Con số cụ thể sẽ được quyết định tùy vào tính thanh khoản của trái phiếu và độ quan tâm của thị trường ở thời điểm đó.

Theo ông Thái, để đáp ứng được nhu cầu phát triển từ năm 2010 trở đi, hàng năm TKV cũng cần huy động một lượng vốn khoảng 1,3-1,6 tỉ đô la Mỹ, trong đó 70-80% là dành cho năng lượng (đầu tư điện và khai thác than). Tập đoàn Điện lực (EVN) cũng dự kiến phát hành 1 tỉ đô cùng thời điểm với hai tập đoàn nói trên dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh.

Trước đó, EVN có đề nghị Chính phủ phát hành trái phiếu ra quốc tế rồi cho họ vay lại như trường hợp của tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) cách đây bốn năm nhưng đã bị từ chối. Chủ tịch HĐQT EVN Đào Văn Hưng nói rằng tập đoàn còn thiếu 13/33 tỉ đô la từ nay đến năm 2015 để đầu tư vào các nguồn điện trong tổng sơ đồ điện VI mà hiện chưa thu xếp được vốn.

Quí 4 cũng là thời điểm được TKV chọn để phát hành lượng trái phiếu trị giá từ 500 triệu đến 1 tỉ đô la Mỹ. Ảnh minh họa: Khai thác than tại Quảng  Ninh.

Các tập đoàn này hiện đã tiến hành những bước chuẩn bị theo lộ trình. PVN đang làm thủ tục chọn tư vấn phát hành, tư vấn bảo lãnh sau khi có được kết quả xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (các thông tin chi tiết cho đợt phát hành dự kiến công bố vào tháng 9 tới) và chuẩn bị cho đợt giới thiệu (road show) tại thị trường Mỹ cũng vào thời điểm này. TKV cũng đã hoàn tất đánh giá hệ số tín nhiệm quốc tế, mà theo ông Thái, là đạt mức xếp hạng Ba3/BB (theo đánh giá của Moody's và Standard & Poor's, năm 2009). EVN cũng đang hoàn tất bản đề án phát hành trái phiếu để Bộ Tài chính thẩm định và các công việc chuẩn bị của họ với các tổ chức tư vấn, bảo lãnh phát hành có thể sẽ "dễ thở" hơn hai tập đoàn nêu trên do được Chính phủ bảo lãnh. Họ cũng dự định sẽ sớm tổ chức đợt giới thiệu để chào bán trái phiếu tại Mỹ.

Các tập đoàn đều có chung lý do khi chọn thời điểm quí 4 và hình thức huy động vốn trái phiếu quốc tế. Đó là do thị trường vốn trong nước năm 2010 liên tục bị thắt chặt nên các doanh nghiệp ngày càng khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn lớn. Thanh khoản tín dụng của các ngân hàng bằng tiền đồng trong năm gặp nhiều khó khăn do dòng tiền đầu tư chủ yếu đổ vào bất động sản, vàng và chứng khoán, thay vì kênh tiết kiệm.

Do vậy, muốn vay tiền đồng dưới hình thức nào cũng phải chịu chi phí vốn lớn. Các kênh vay vốn khác như vay tín dụng xuất khẩu hay vay thương mại của các ngân hàng nước ngoài cũng khó vì thời gian cho vay ngắn, lãi suất cao hoặc thủ tục và điều kiện rất phức tạp. Do đó, hình thức phát hành trái phiếu quốc tế được nhắm tới. Ở cấp chính phủ, Việt Nam mới hai lần dùng tới cách vay này, đều dành cho các tập đoàn kinh tế nhà nước, cụ thể là Vinashin và PVN, với tổng vốn phát hành 1,75 tỉ đô la Mỹ.

Hệ lụy và cân nhắc

Bản chất của việc phát hành trái phiếu quốc tế đối với Chính phủ hay doanh nghiệp cuối cùng cũng là: giá vay bao nhiêu và khả năng dùng vốn, trả nợ thế nào? Để trả lời được hai câu hỏi đó thì trước đó cả Chính phủ và doanh nghiệp đã phải tính toán, dự báo về khả năng tín nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam, khả năng trả nợ doanh nghiệp, nợ quốc gia, tình hình giao dịch trái phiếu mà Việt Nam đã phát hành và tính thanh khoản của thị trường trái phiếu quốc tế cũng như các tác động chính sách tiền tệ thế giới ở thời điểm mà các đợt trái phiếu sẽ được tung ra.

Tính đến thời điểm hết năm 2009, báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nợ nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam là 17 tỉ đô la Mỹ.

Báo cáo của Bộ Tài chính với các nhà tài trợ bổ sung rằng 9,6 tỉ đô la trong số này được Chính phủ cấp bão lãnh cho doanh nghiệp theo cam kết. Tuy nhiên, dư nợ bảo lãnh tính đến thời điểm đó mới chỉ đạt 3,8 tỉ đô la, điều này cho thấy tốc độ giải ngân vốn vay có bảo lãnh còn rất dè dặt.

Trong khi vốn phát hành trái phiếu quốc tế sẽ về tài khoản của doanh nghiệp vài ngày sau đợt phát hành thành công mà khả năng sử dụng đồng vốn của doanh nghiệp không phải cùng lúc, khả năng quản trị tài chính của doanh nghiệp chưa đủ mạnh.

Diễn biến đó cộng với dư nợ chính phủ ở mức gần 42% GDP cho thấy: "Việc mở cửa tài khoản trung chuyển vốn qua kênh trái phiếu ngoại tệ phải hết sức thận trọng để đảm bảo sự an toàn của hệ thống tài chính quốc gia", Tiến sĩ Võ Trí Thành nói.

"Hệ số tín nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam thấp nên chắc chắn phải đi vay với lãi suất cao" kể cả trường hợp Nhà nước bảo lãnh hay không, chuyên gia Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định. Hơn thế nữa, tính thanh khoản của trái phiếu Việt Nam trên thị trường quốc tế, dù ở thời điểm nào cũng thấp hơn các loại trái phiếu của nhiều doanh nghiệp hay quốc gia khác.

Trong thời điểm hiện nay, chi phí vốn vay trái phiếu của tập đoàn kinh tế nhà nước còn bị "cộng" thêm bởi những e ngại rủi ro. "Tuy đã hoàn tất việc đánh giá hệ số tín nhiệm của PVN từ cách đây vài tháng nhưng mới đây chúng tôi phải cập nhật thêm thông tin từ các công ty của Vinashin mới sáp nhập vào tập đoàn để các tổ chức tư vấn phát hành xem xét và tiếp tục đánh giá", bà Hòa nói và khẳng định rằng do nhu cầu vốn tăng cao nên thời điểm phát hành vào quí 4 là khó có thể lùi.

Còn TKV, dù đã hai lần phát hành thành công trái phiếu nội tệ trong những năm trước (tổng trị giá 3.000 tỉ đồng) nhưng ra thị trường vốn quốc tế, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Ba3/BB cũng là thách thức về mức lợi tức phải trả cho các nhà đầu tư. Bởi theo bảng xếp hạng trái phiếu của cả Moody's và Standard & Poor's, vị trí 5/7 nói trên về mức độ hấp dẫn của trái phiếu mà TKV phát hành là "có một vài yếu tố đầu cơ với độ an toàn tương đối nhưng không được kiểm soát tốt". Điều đó đồng nghĩa với việc muốn vay được, TKV phải trả chi phí cao. "Khối lượng hàng hóa trên thị trường trái phiếu hiện tăng cao so với nhu cầu của giới đầu tư và hệ quả tất yếu là việc phát hành trái phiếu với thời hạn dài và lãi suất thấp không hấp dẫn giới đầu tư", ông Thái ở TKV cân nhắc.

Hơn nữa, chi phí vay vốn trái phiếu doanh nghiệp còn gắn chặt với hệ số tín nhiệm quốc gia, tình hình giao dịch trái phiếu đã phát hành và tình hình thị trường vốn quốc tế tại thời điểm phát hành. Đầu năm nay, trái phiếu Chính phủ trị giá 1 tỉ đô la đã được bán hết với lãi suất là 6,95%/năm. Như vậy, lợi tức trái phiếu doanh nghiệp sắp tới chắc chắn phải cao hơn mức này, nhất là cùng đồng loạt phát hành ở một thời điểm mà nhà đầu tư có quá nhiều sự lựa chọn.

"Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chịu chi phí vốn vay cao hơn quốc tế", nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm nhận định. Trả lời phỏng vấn TBKTSG, ông cho rằng nhà đầu tư sẽ nhìn vào hiệu quả sử dụng vốn của người đi vay, khi mà các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam luôn bị những hình ảnh xấu về hiệu quả sử dụng vốn, khả năng hoàn trả, vấn đề nợ quá hạn... vốn đã được các cơ quan giám sát độc lập, kiểm toán chỉ ra trong thời gian gần đây. Do vậy, theo ông Kiêm, thời điểm quí 4 mà các tập đoàn chọn để phát hành trái phiếu là bất lợi cả trước mắt và lâu dài.

Ở một mức độ nào đó, các tập đoàn kinh tế nhà nước cũng hiểu điều này. Lãnh đạo một trong ba tập đoàn nêu trên nói rằng: theo tính toán của ông, tăng trưởng năm 2010 của kinh tế Mỹ ở mức 2,5%. Với viễn cảnh đó, lãi suất cơ bản của FED có khả năng sẽ tăng vào cuối năm, thay vì ở mức 0-0,25% như hiện nay. Nếu điều này thành hiện thực thì chi phí vốn cho các khoản huy động bằng ngoại tệ của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Sự tăng giá của đồng đô la Mỹ đồng nghĩa với rủi ro về tỷ giá cho những người đi vay bằng đô la sẽ lớn hơn.

Trong khi đó, theo bà Hòa ở PVN, dù cho đánh giá của tư vấn về khả năng phát hành trái phiếu ngoại tệ của các doanh nghiệp Việt Nam không hẳn là bi quan, nhưng PVN vẫn phải chuẩn bị thật kỹ. "Thuyết phục được họ bỏ tiền ra đã khó, chứng minh cho họ thấy mình sẽ sử dụng đồng tiền như thế nào để cân đối được dòng tiền, đảm bảo khả năng trả nợ cũng là một thách thức".

Các khoản vay này, dù do doanh nghiệp phát hành chịu trách nhiệm nhưng xét cho cùng, nó sẽ được tính vào nợ quốc gia của Chính phủ. Nếu thời điểm phát hành của nhiều doanh nghiệp gần nhau thì thời điểm đáo hạn, trả nợ gốc cũng gần. Khi đó nền kinh tế sẽ cần một khoản ngoại tệ rất lớn, khoảng 4 tỉ đô la (cộng cả 1 tỉ đô la trái phiếu chính phủ cũng đáo hạn).

 

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty