10 năm chế tạo trực thăng mini để thỏa ước mơ bay
Kỹ sư Phạm Xuân Quốc gần 10 năm qua tự mày mò chế tạo một chiếc trực thăng nhỏ có người lái, sắp hoàn thiện và mong mỏi được phép bay thử.
Chiếc trực thăng "Made in Vietnam" đầu tiên của hai nông dân ở Tây Ninh làm từ năm 1999, đến tháng 7/2007 đã không thể cất cánh và bị cấm bay hoàn toàn. Tuy vậy sự táo bạo của hai nông dân đã thôi thúc chàng kỹ sư điện Phạm Xuân Quốc ở TP HCM, lúc đó chỉ mới 24 tuổi, nghĩ đến việc tự chế tạo "một cái gì đó" có thể bay được lên không trung.
Đeo đuổi giấc mơ bay từ thời sinh viên, chàng trai mày mò tìm cách để hiện thực hóa. "Trong đầu tôi luôn suy nghĩ về một mô hình máy bay, cho đến năm 2001 quyết định bắt tay vào làm", kỹ sư Quốc nói với VnExpress.net. Anh bắt đầu từ ý tưởng về một máy bay cánh quạt, rồi chuyển hướng sang làm trực thăng mini. Anh chia sẻ: "Khi nhìn thấy động cơ của một máy trộn thức ăn gia súc ở một công ty, tôi mới nảy ra ý định chế tạo trực thăng".
Trong gần 10 năm, không kinh nghiệm, khái niệm động lực học cũng rất ít, cũng không có sự hỗ trợ của một nhân viên kỹ thuật hay chuyên gia nào, người kỹ sư điện tự mình suy nghĩ ra mô hình, rồi ráp động cơ... "Con đẻ" ý tưởng của anh đã dần hoàn thiện, nhưng chỉ đến khi chiếc máy bay nên vóc thành hình thì người nhà và bạn bè mới được mục kích nó.
Chiếc trực thăng mini có 2 tầng cánh quạt của anh Quốc, một ghế ngồi cho một người. Ảnh: Phạm Xuân Quốc |
Chiếc trực thăng nhỏ chỉ có một khung sườn, động cơ xăng đặt phía sau ghế lái. Trực thăng có 2 tầng cánh quạt, mỗi tầng 2 cánh quay trên một trục, phía trước có ghế ngồi, ở dưới là hệ thống chân đỡ, phía sau có bánh lái.
Theo anh Quốc, đây là loại trực thăng mini bay theo kiểu thể thao, một người ngồi điều khiển, thân máy bay làm bằng inox, một số bộ phận bằng hợp kim nhôm. Xăng có thể dùng được là A92. Viên kỹ sư cho biết, trên thế giới có rất nhiều trực thăng kiểu này.
Đến nay, cỗ máy đã nặng 150 kg, nếu cộng thêm người lái khoảng 60 kg thì trọng lượng lên tới 210 kg. Tác giả tự tin là máy bay có thể cất cánh được. "Tôi cũng đã mạnh dạn mang trực thăng ra trước cửa bay thử với cánh quạt nhỏ hơn. Khi cỗ máy được nâng lên khỏi mặt đất, nhiều người tò mò đến xem nên tôi ngại đã tắt máy ngay", anh Quốc kể.
Dù biết còn muôn vàn khó khăn và có thể cũng như trường hợp của hai nông dân ở Tây Ninh, chế tạo máy bay rồi không cất cánh được, nhưng chàng kỹ sư điện này không nản lòng. "Chắc chắn đây không phải là một sản phẩm khoa học hoàn chỉnh nhưng khi bắt tay vào chế tạo, thông điệp của tôi muốn gửi đến các bạn trẻ là phải dám nghĩ dám làm", anh Quốc tiết lộ.
Chiếc máy bay đang nằm trong xưởng ở nhà người chế tạo và trong giai đoạn hoàn thiện. Chủ nhân chiếc trực thăng sẵn sàng giới thiệu cho mọi người và khẳng định nếu được bay thử, anh sẽ là người ngồi lên đầu tiên.
Động cơ cánh quạt của trực thăng. Ảnh: Phạm Xuân Quốc |
Chàng kỹ sư muốn nhờ báo chí chuyển một lá thư đến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đề nghị được tạo điều kiện để bay thử.
"Tôi hy vọng nếu thử nghiệm thành công sẽ thực hiện một chuyến bay xuyên Việt với điểm đầu là TP HCM và đích đến là Hà Nội đúng vào dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long", Phạm Xuân Quốc thổ lộ.
Kiên Cường
No comments:
Post a Comment