TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Monday, September 13, 2010

RFI: Trung Quốc : Chân dung luật sư Cao Trí Thịnh, người bảo vệ dân quyền


Luật sư Cao Trí Thịnh
Luật sư Cao Trí Thịnh
Lê Phước

Luật sư Cao Trí Thịnh đã từng là thần hộ vệ giúp người dân chống sự lạm quyền của quan chức địa phương và đàn áp tôn giáo. Hiện tại, ông đang bị chính quyền Trung Quốc giam cầm, tra tấn, mọi tin tức liên quan đến ông đều bị bưng bít. Phản ánh sự kiện này, tuần báo Le Nouvel Observateur có bài viết: « Luật sư can đảm của Trung Quốc ».

Sau 14 tháng « bặt vô âm tín », đột nhiên luật sư Cao Trí Thịnh xuất hiện vào tháng 4 rồi. Mọi người không còn có thể nhận ra ông nữa : Cơ thể tàn tạ và tinh thần suy sụp. Trước kia, luật sư Cao từng được xem là « lương tâm Trung Hoa », « luật sư bạo miệng » và là « nỗi kinh hoàng » của các quan chức tham nhũng.

Thế mà, trong lần xuất hiện này, ông cho biết không còn đủ sức đấu tranh nữa. Như vậy, luật sư Cao đã chấp nhận hạ vũ khí, với hy vọng thoát cảnh lao tù và những đòn tra tấn dã man, để rồi sau đó ông có thể được tự do đi đoàn tụ cùng vợ con hiện đang tị nạn tại Hoa Kỳ. Thế nhưng, ngày 21 tháng 4, ông lại bị chính quyền « bắt cóc ». Hiện tại, người ta hoàn toàn không có tin tức gì về số phận của ông, ngay cả nơi giam giữ.

Tờ báo cánh tả nhận định đây là một « hình phạt tàn nhẫn » dành cho người đã từng là gương mặt tiêu biểu của phong trào bảo vệ dân quyền. Thật ra, phong trào này có tên là Vệ Quyền, tập hợp các luật sư, các nhà đấu tranh dân quyền và giới ký giả, với mục tiêu không nhằm lật đổ chế độ hiện hành của Trung Quốc, mà là gây sức ép để chính phủ Bắc Kinh tuân thủ đúng những điều luật mà họ ban hành.

Trên cơ sở những quy định về dân quyền trong Hiến pháp, các luật sư Vệ Quyền đứng ra bảo vệ người dân chống nạn lạm quyền, một vấn nạn đang này càng trở nên trầm trọng. Năm 2009, chính nhà cầm quyền Trung Quốc cũng thừa nhận : Những vụ vòi vĩnh tiền bạc đã làm dấy lên 100 000 kháng nghị tập thể và đã có 12 triệu đơn khiếu nại được gửi cho chính quyền trung ương liên quan đến những tiêu cực của quan chức địa phương.

Những năm 2000, Cao Trí Thịnh đã tham gia tích cực trong việc bảo vệ dân quyền. Có những người dân oan vượt hàng ngàn cây số đến cầu cứu ông, bởi khi đó ông đã nổi tiếng nhờ đã nhiều lần thắng kiện chống lại các cơ quan nhà nước. Hơn nữa, người dân tin tưởng ông vì họ biết rằng ông dành 1/3 thời gian làm việc của mình cho các hồ sơ « vì dân », và sẵn sàng đứng ra biện hộ miễn phí. Một người bạn của ông là Đằng Bưu cho biết : « Anh Cao nhận rất nhiều vụ kiện mà không hề sợ làm mất lòng chính quyền ». Sự tận tụy của ông trong việc bảo vệ lợi ích người dân đã được bộ Tư Pháp Trung Quốc xếp vào nhóm « 10 luật sư giỏi nhất Trung Quốc » vào năm ông 34 tuổi.

Thế rồi, năm 2003, ông đấu tranh cho một tín đồ Pháp Luân Công bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức mà không hề được xét xử ở tòa án. Từ đó, Cao Trí Thịnh chính thức bị xem là « kẻ thù của chế độ ». Tờ báo cho rằng thật ra, ông Cao không biết rằng trong vô vàn những vấn đề mà chính quyền cho là nhạy cảm, có những vấn đề thuộc hàng « cấm kỵ », như liên quan các phong trào ly khai ở Tây Tạng và Tân Cương, và nhất là những giáo phái bị xem là « tà đạo », mà hàng đầu là Pháp Luân Công. Năm 2005, luật sư Cao đã công khai gửi thư cho chủ tịch Hồ Cẩm Đào phản ánh về đàn áp tôn giáo. Ngay hôm sau, văn phòng luật sư của ông bị đóng cửa. Không chùn bước, ông tiếp tục đi thu thập thông tin ở những vùng tín đồ Pháp Luân Công bị đàn áp dã man nhất. Năm 2006, Luật sư Cao gửi một thư nữa cho lãnh đạo Trung Quốc. Lần này, Luật sư Cao công khai thông tin về phòng 610, cơ quan mật vụ chuyên trách theo dõi và trấn áp tín đồ Pháp Luân Công. Sau đó, ông xin rút tên khỏi danh sách đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc, mà ông từng công khai chỉ trích là « tàn bạo, bất nhân ».

Tháng 8 năm 2006, Luật sư Cao bị một nhóm « võ biền » bắt cóc bằng cách bịt miệng, bịt mắt. Họ yêu cầu ông nhận tội « kích động lật đổ chế độ ». Sau mười ngày bị tra tấn, Cao buộc phải ký tên nhận tội. Ra tù, Cao lập tức tố cáo việc ông bị hành hạ dã man. Năm 2007, Cao gửi thư cho Quốc hội Hoa Kỳ tố cáo chính quyềnTrung Quốc là « phát xít » và yêu cầu xét xử những người đàn áp Pháp Luân Công về « tội ác chống nhân loại ». Luật sư Cao lập tức bị tống giam vào tháng 9 năm 2007. Sau 54 ngày tù tội, Cao Trí Thịnh công khai tố cáo đã phải chịu nhiều đòn tra tấn dã man trong trại giam. Năm 2008, Cao Trí Thịnh được đề nghị cho giải Nobel Hòa bình. Thế nhưng ông vẫn bị quản thúc tại gia, còn vợ con ông thì luôn bị theo dõi. Cuối cùng, vợ con ông phải trốn đi tị nạn ở Mỹ, còn ông bị bắt sau đó.

Một người bạn của ông nhận xét : « Cao là người có một nghị lực « dời non lấp biển » và một tinh thần đấu tranh « phi thường ». Tờ báo kết luận bằng nhận định của Đằng Bưu : « Cao Trí Thịnh là luật sư đầu tiên dám đứng ra bảo vệ tín đồ Pháp Luân Công. Anh ấy đã phải trả giá đắt ».

Tây Tạng : Nhiều trí thức bị bắt giam do bất đồng chính kiến

Tuần san Le Courrier International thông tin « Các nhà trí thức Tây Tạng phải trả giá về những tác phẩm của mình ». Bài viết cho biết, kể từ sau vụ nổi dậy vào tháng 8 năm 2008 ở Lhassa, thủ phủ của Tây Tạng, nhiều trí giả đã bị trấn áp và bắt giam.

Bắc Kinh luôn theo dõi sát sao những ai dám bàn chuyện Tây Tạng. Vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã thắt chặt kiểm soát giới trí thức và văn nhân ở vùng này, nhiều người đã bị bắt giữ. Tờ báo dẫn chứng hai trường hợp điển hình. Đầu tiên là việc bắt giam nhà văn trẻ Theurang. Nhà văn này đã lén cho xuất bản tác phẩm « Huyết thư », trong đó có đoạn : « Trong giai đoạn linh hồn và sự sống bị khảo tra, người ta cần phải được nói lên những gì cần nói. Vì thế tôi không thể tiếp tục ngậm miệng ». Quyển sách đề cập đến vụ nổi dậy ở Tây Tạng năm 2008. Ngày 26 tháng 7 năm 2009, Theurang bị bắt, sau đó được tự do, rồi lại bị bắt vào tháng 4 năm 2010. Từ đó đến nay, anh « bặt vô âm tín ». Trường hợp thứ hai liên quan đến nhà văn nổi tiếng Tragya, bị bắt về tội « kích động li khai ». Thật ra thì ông này đã cho xuất bản tác phẩm « Thiên Địa Giới », trong đó ông viết : « Tôi quyết tâm theo đuổi con đường mình đã chọn, thậm chí có phải rơi đầu đi chăng nữa ».

Tờ báo cho biết, ở Tây Tạng, chỉ cần hô khẩu hiệu ủng hộ Tây Tạng tự do hay ủng hộ đức Đạt Lai Lạt Ma, thì người ta có thể bị tống giam. Thậm chí chỉ cần giữ hình Đức Đạt Lai Lạt Ma hay chỉ cần dán áp phích có liên quan đến vấn đề tự trị Tây Tạng, là lập tức bị cầm tù.

Bảy sai lầm gây mất lòng dân của tổng thống Mỹ Obama

Sau hai năm làm chủ tòa Bạch Ốc, tổng thống Barack Obama hiện tại đã mất dần sự ngưỡng mộ của người dân. Các nhà phân tích đề cập đến nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuần san Le Figaro tập trung phân tích « Bảy sai lầm của tổng thống Obama ».

Nguyên nhân thứ nhất liên quan đến chính sách điều hành kinh tế. Có vẻ như các quyết định của chính phủ đều để đáp ứng tính cấp bách và sự cần thiết phải ngăn chặn thị trường nội địa sụp đổ, sự cần thiết phải giữ tốc độ tăng trưởng ở mức bình thường, cần thiết để cân đối toàn cục nền kinh tế thế giới. Thế nhưng, sự cần thiết này đã bắt đầu tồn tại từ 2 năm nay. Chính vì thế mà Ngân hàng Dự trữ Liên bang đã áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ. Nhưng trong ngắn hạn, chính sách này buộc chính phủ phải từ bỏ chính sách kinh tế theo học thuyết Keynes truyền thống, một chính sách mà theo đó chính phủ sẵn sàng chấp nhận mức thâm hụt cao và không áp dụng kế hoạch phục hồi gây mất lòng dân.

Tóm lại, việc áp dụng chính sách tiền tệ theo học thuyết Keynes « kiểu mới » đã kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng lại không tạo được việc làm. Hiện tại, giới trung lưu có cảm giác họ phải chi trả an sinh xã hội cho người nghèo khổ và bấp bênh, mà phần đông trong số này là người da đen và người Mêhicô mới nhập cư. Thâm hụt ngân sách ngày càng nặng nề, trong khi đó chính phủ lại không có chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và những người gửi tiền tiết kiệm.

Sai lầm thứ hai là việc tổng thống Obama đã theo đuổi chính sách hòa bình « đơn phương ». Tình hình Irak hiện tại còn tồi tệ hơn năm 2008. Chính quyền Obama tỏ ra yếu đuối đến mức Iran đã không ngừng có những động thái khiêu khich. Ở Afghanistan, chính sách của Obama không hiệu quả trước lực lượng Taliban luôn ẩn mình sâu trong rừng núi.

Thứ ba, tổng thống Obama đã ngày càng xa lánh đến mức xem thường quan hệ với các nước đồng minh truyền thống như Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Nhật Bản. Trong khi đó, ông lại hết lời tán thưởng Thổ Nhĩ Kỳ là mô hình « hiện đại hóa Hồi giáo », và Brazil là « điển hình thành công của cánh tả hiện thực ». Thế nhưng, tác giả nhắc lại, hai quốc này đã bắt đầu « bôi nhọ » nước Mỹ bằng việc đàm phán với Iran một thỏa thuận nhằm mục đích phá hoại các biện pháp trừng phạt áp đặt cho Teheran.

Thứ tư, tác giả cho rằng Obama đã sai lầm khi tỏ ra quá khoan hòa với Iran. Như việc chính quyền Obama im hơi lặng tiếng trước cuộc « đảo chính bán hợp pháp » của tổng thống Ahmadinejad năm vừa rồi đã khiến cho người ta nghĩ rằng ông Moussavi chỉ là một « quân cờ » của Hoa Kỳ.

Sai lầm thứ năm của Obama là luôn tỏ ra ủng hộ Hồi giáo, lại không hề có lời ủng hộ Israel. Điều đó đã khiến cho người dân Israel tỏ ra nghi ngờ tổng thống Mỹ. Obama vừa có thái độ đối lập với thủ tướng Netanyahu về mặt lý luận, nhưng lại không hề gây sức ép đáng kể nào lên chính phủ Jerusalem. Vì thế, Hoa Kỳ đã khiến cho Israel luôn cố chấp trong những yêu sách, còn đối với Palestine, thì Obama cũng không làm tăng niềm tin nơi họ.

Thứ sáu trong loạt sai lầm của tổng thống Obama liên quan đến dự án xây dựng đền thờ Hồi giáo ở gần khu vực tòa tháp đôi 11 tháng 9. Trong một sự việc không liên quan đến chính quyền cấp liên bang, vai trò và sự ủng hộ dự án của Obama đã kéo theo khả năng người phản đối và chủ dự án gặp gỡ để tìm kiếm một thảo thuận nhằm giữ thể diện cho cả hai bên. Tờ báo cho rằng như thế, một lần nữa Obama lại xuất hiện trong tư thế « người bảo vệ đơn phương » cho đạo Hồi.

Sai lầm cuối cùng là « cách nói chuyện » của Obama : Để thu hút cử tọa, Obama tỏ ra ôn hòa với gương mặt luôn tươi cười và lời lẽ êm dịu. Tác giả nhận định: Cách nói chuyện khoan hòa như thế thì có ích gì khi tranh luận bảo vệ chính sách phục hồi kinh tế hay để bảo vệ chính sách hòa dịu trong quan hệ với Hồi giáo?

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty