Hoành tráng không phải Việt Nam!
Đây không phải là lần đầu tiên bộ phim này bị dư luận phản đối. Ngay từ khi dự án phim này công bố và chuẩn bị quay, dư luận đã rất lo ngại cảnh phim lịch sử Việt Nam mà lai Trung Hoa. Bởi nhà sản xuất đã quá chú trọng việc thuê êkíp Trung Quốc sản xuất, từ đạo diễn, hóa trang, phục trang, trường quay… và cả diễn viên quần chúng.
Cách đây hai tháng, khi đoạn quảng cáo phim và một số hình ảnh phim được tung lên mạng để quảng bá trước cho phim thì đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi rằng quá giống phim dã sử Trung Hoa.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nhận xét khung cảnh trong phim hoàn toàn Trung Hoa. Trong đoạn giới thiệu có rất nhiều chi tiết tạo sự phản cảm, đó là: Cung điện trong phim chồng chất lên nhau, kiến trúc Việt Nam thời kỳ đó không thể có cung điện nguy nga, tráng lệ như vậy. Ngay cả đến thời Nguyễn, cung điện cũng không tầng lớp nhiều như vậy.
Bối cảnh phim được thuê ở Hoành Điếm (Trung Quốc) nên màu sắc Trung Hoa nhuốm toàn bộ phim. |
Bên cạnh đó, những hình ảnh: quan búi tóc trên chóp đầu, phụ nữ xõa tóc hai bên… là rặt Trung Hoa.
Sửa tốn hơn quay lại!
Ý kiến của Hội đồng Duyệt phim quốc gia với bộ phim rằng phải sửa chữa bằng cách bỏ bớt những cảnh đậm chất Trung Hoa đặt ra một vấn đề kỹ thuật là làm thể nào lược bỏ trong khi yếu tố Trung Hoa thể hiện trong cảnh quan, trang phục diễn viên. Trao đổi với đạo diễn - NSƯT Lê Dân, chúng tôi được biết về mặt kỹ thuật làm phim, để sửa một cảnh phim đã không đơn giản, huống gì hầu như cảnh nào trong phim cũng nhuốm màu Trung Hoa.
"Phim quay xong có thể sửa được bằng hai cách. Một là bỏ cảnh đó, quay lại; hai là sửa trực tiếp bằng kỹ xảo trên phim đã dựng như vẽ lại quần áo… Tuy nhiên, phương án hai tốn kém hơn phương án một rất nhiều" - đạo diễn Lê Dân cho biết.
Theo đạo diễn Lê Dân, dựng phim lịch sử yếu tố quan trọng nhất là tôn trọng môi trường sống, phục trang, nếp ăn ở… của thời điểm lịch sử đó. Và một bộ phim lịch sử điều tiên quyết là phải có chuyên gia cố vấn lịch sử, người nghiên cứu về phục trang, đạo cụ…
Với bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long, họa sĩ Phan Cẩm Thượng chịu trách nhiệm là chuyên gia cố vấn về bối cảnh đạo cụ và văn hóa của phim. Họa sĩ Phan Cẩm Thượng từng chia sẻ trên một số báo rằng phim tư nhân đầu tư nên trang phục nào cần thì may, còn không thì thuê vì nếu tất cả trang phục đều phải may thì kinh phí rất lớn. Ngay cả hoa văn và trang sức nếu sáng tác đúng lịch sử Việt Nam thì phải chi nhiều tiền nên nếu không có tiền thì hiển nhiên hoa văn Trung Quốc sẽ thay thế hoa văn Việt.
Không nên chiếu
Thiết nghĩ một bộ phim lịch sử Việt Nam để công chiếu trong dịp đại lễ ngàn năm của dân tộc thì không thể có cảnh văn hóa ngoại lai. Có thể không làm, có thể không chiếu chứ không thể vì lý do ít tiền mà du di một sản phẩm văn hóa lai căng.
Ông Nguyễn Đắc Xuân nhấn mạnh: "Không nên chiếu phim này trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Nếu một đất nước lệ thuộc về chính trị còn có thể lấy lại nhưng lệ thuộc về văn hóa thì ngàn đời mất nước và trở thành chư hầu".
Trung Quốc từ kịch bản, diễn viên đến trường quay!
Khi công bố dự án phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long, đơn vị sản xuất đã rất chú trọng đến điểm đặc biệt của phim là thuê êkíp Trung Quốc sản xuất, từ đạo diễn, hóa trang, phục trang đến trường quay. Như đạo diễn Cận Đức Mậu (đạo diễn của phim truyền hình Tuổi trẻ Bao Thanh Thiên); kịch bản do ông Trịnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành chấp bút và được nhà biên kịch của Trung Quốc là Kha Chung Hòa đảm trách (Kha Chung Hòa từng là biên kịch cho những bộ phim Võ Tắc Thiên, Vương triều Ung Chính...). Gần 700 bộ trang phục cổ trang cũng được may từ Trung Quốc, thuê cả trường quay Hoành Điếm của Trung Quốc và hàng trăm diễn viên quần chúng cũng Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment