Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tặng hoa thầy Lê Quang Vịnh - Nguồn: Báo ảnh VN |
Hội trường càng trở nên sôi động khi đồng chí Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước phát biểu ý kiến. Với tình cảm thắm thiết của một cựu cán bộ Đoàn, từng nằm gai nếm mật cùng bao đồng chí, đồng bào trong những năm gian khổ ở chiến trường Nam Bộ trong cuộc chống Mỹ, cứu nước, anh Sáu Phong (tên thân mật của đồng chí Nguyễn Minh Triết) cho rằng cuộc gặp mặt này không chỉ để ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của Đoàn ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ mà còn thể hiện tấm lòng của lớp cán bộ Đoàn đi trước với lớp cán bộ Đoàn hôm nay… Các thế hệ đi trước rất tin tưởng lớp thanh niên hôm nay và mai sau sẽ tiếp nối truyền thống của cha anh, nhanh chóng trưởng thành, có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Dừng một lát, anh Sáu Phong xúc động nói: "Hôm nay tôi rất vui mừng được gặp lại thầy giáo dạy tôi năm học 1960-1961, khi tôi đang học trường Trung học Petrus Ký Sài Gòn để chuẩn bị thi tú tài toàn phần, thầy Lê Quang Vịnh. Nhìn cử chỉ, lời nói, phong cách, tôi ngầm hiểu thầy là một cán bộ cách mạng, nhưng không biết thầy thuộc tổ chức nào. Sau này, tôi mới biết hồi ấy thầy đã là đảng viên và tham gia lãnh đạo phong trào thanh niên học sinh, sinh viên.
Tháng 8.1961, thầy và một số đồng chí bị kẻ thù bao vây bắt được. Rồi đến ngày 23.5.1962, thầy Lê Quang Vịnh và 11 thanh niên, học sinh khác trong "tiểu đội" anh hùng bị địch đưa ra xét xử tại tòa án đặc biệt của chính quyền Sài Gòn. Thầy và 3 chiến sĩ khác bị kẻ thù kết án tử hình. Trong nhà lao Chí Hòa đọa đày, tăm tối, thầy giáo Lê Quang Vịnh đã làm xong bài thơ Tiếng hát tử tù. Bài thơ nhanh chóng vượt nhà giam bay ra ngoài, tuổi trẻ học đường chúng tôi đã truyền tay nhau đọc và thuộc lòng. Có thể nói Tiếng hát tử tù cũng như nhiều bài thơ cách mạng đặc sắc khác đã góp phần cổ vũ, động viên, tiếp thêm sức cho tuổi trẻ miền Nam chúng tôi trong những năm tháng trụ lại ở chiến trường chiến đấu và chiến thắng quân giặc".
|
Anh Sáu Phong nhìn người thầy giáo của mình đã bước sang tuổi 75 đang ngồi ở hàng ghế đầu trong hội trường với tất cả sự kính trọng. Rồi anh say sưa đọc rất diễn cảm mấy đoạn thơ sau trong bài thơ nói trên mà anh đã thuộc từ lâu:
Tôi đi trên đường
Mác-Lênin
Theo ánh sáng
Hồ Chí Minh rực rỡ
Cả mùa xuân đang tưng bừng
hoa nở
Của đời tôi đem hiến
Đảng tiền phong
Thề bước đi cho đến phút cuối cùng…
dưới bóng rợp cờ hồng
Dù trong đêm miền Nam đen tối nhất
Dù biết đâu ngày mai tôi
vắng mặt
Tôi vẫn tin vững chắc ở
ngày mai
"L'internationale… sẽ là
xã hội tương lai!"
Nhưng hôm nay trong tay lũ
quỷ ngậm máu phun người
Tôi nghe án tử hình
tuyên đọc
Trong góc phòng tòa, mẹ hiền sùi sụt khóc
Ôi chứa chan những khóe mắt tình thương!
Phải chấm dứt rồi sao? Mới bước được nửa đường
Đời cách mạng cảm lòng tôi
biết mấy:
Đồng chí tôi đông khắp
rừng, khắp rẫy
Khắp phố phường đùm bọc
nghĩa đồng bào
Giữa nhân dân tôi sống ngọt
bùi sao!
Nhưng sẽ chết không chút
buồn tiếc nuối
……
Cả hội trường im lặng lắng nghe những lời thơ tràn đầy khí phách anh hùng, lạc quan cách mạng của giáo sư Lê Quang Vịnh, do chính người học trò của ông đọc. Rồi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói: "Tôi xin trân trọng được trao bó hoa tươi thắm này tới thầy giáo Lê Quang Vịnh để tỏ lòng biết ơn thầy". Thầy Lê Quang Vịnh vui vẻ bước lên khán đài vui sướng nhận bó hoa từ tay người học trò thân yêu của mình cách đây gần nửa thế kỷ. Tôi để ý trong hội trường nhiều cặp mắt đỏ hoe xúc động trước tình cảm thầy trò sâu nặng, thiêng liêng, thủy chung đó.
Tôi đã tìm gặp thầy Lê Quang Vịnh để hỏi về hoàn cảnh sáng tác bài thơ ấy. Với chất giọng xứ Huế nhẹ nhàng, ấm áp, ông nói: "Một ngày sau phiên tòa đặc biệt xử án "tiểu đội" anh hùng chúng tôi, Nha tổng giám đốc công an và cảnh sát Sài Gòn chuyển chúng tôi về nhà lao Chí Hòa. Hôm ấy, tầm 9 giờ sáng, ủy viên Chính phủ của Tòa án quân sự đặc biệt Sài Gòn đến phòng tôi. Ông ta nói thì nhiều mà tôi không nhớ, còn tôi thì cũng nói nhiều, nhưng chỉ nhớ chính xác mỗi một câu: "Tôi không bao giờ xin kẻ không đáng xin".
Thế rồi, khi ông ta về, 4 anh em án tử hình chúng tôi bị nhốt riêng trong 4 "phòng" giam khác nhau thét to cho nhau nghe rõ là tuyệt đối không ai xin xỏ gì cả và nhắc nhau: Hãy nêu cao khí tiết cách mạng. Suốt đêm ấy (21.6.1962), tôi thao thức không ngủ. Vào lúc gần sáng, tôi mải mê viết một mạch bài thơ Tiếng hát tử tù dài 52 câu này. Các anh khác trong nhà tù đã ghi lại và đọc thuộc bài thơ như là tiếng hát từ trái tim mình".
* Xin nói thêm về thời gian ông dạy học cho Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết?
- Năm 1960, tôi đỗ thủ khoa Đại học Sư phạm Sài Gòn (khoa Toán) nên tôi được quyền chọn trường để dạy. Tôi chọn trường Petrus Ký. Năm 1961 tôi dạy Toán cho một lớp học gồm hơn 20 học sinh, trong đó có 2 học sinh nổi trội là anh Nguyễn Minh Triết và anh Hồ Hữu Nhựt. Anh Nhựt là tiến sĩ khoa giáo, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thanh niên trong Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Tôi rất quý anh Nguyễn Minh Triết, bởi sự chân thành, khiêm tốn, "tôn sư trọng đạo" của anh. Khi nào có dịp gặp nhau, anh đều vui vẻ, niềm nở hỏi thăm sức khỏe, tình hình công tác và sinh hoạt của tôi và gia đình. Cách đây độ 8 tháng, anh dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Nhà nước ta dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York. Con trai lớn của tôi là Lê Quang Tự Do đang học tập tại Hoa Kỳ. Hôm ấy cháu được Đại sứ quán nước ta cử ra tặng hoa Chủ tịch nước. Khi cháu ôm hoa bước tới tặng, anh Nguyễn Minh Triết đã nhận ra Tự Do và nói: "Cháu sang đây từ lúc nào? Cháu có thường liên lạc về nhà không? Ba mẹ cháu, thầy của chú có khỏe không?". Thấy Tự Do có vẻ tần ngần, anh Sáu Phong nói tiếp: "Ba con là thầy giáo của chú đấy…". Thế rồi anh Sáu Phong đã cất tiếng hát bài Cái tên Tự Do của bé của tôi làm khi cháu Tự Do chào đời.
Chứng kiến cảnh tượng đó, bà Merle Ratner, đồng Chủ tịch VAORRC (Tổ chức toàn quốc Mỹ ủng hộ và cứu trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam), một người bạn Mỹ thân với vợ chồng tôi đã gọi điện cho tôi kể lại chi tiết nói trên và trầm trồ khen ngợi: "Chủ tịch nước của các anh chị sao mà chan hòa, gần gũi với mọi người đến thế…".
Nguyễn Huy Thông
No comments:
Post a Comment