Tàu cá giữ biển
TT - Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định về việc phê
duyệt chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020. Theo đó sẽ thành lập
các đoàn tàu đánh cá công ích trên bốn ngư trường trọng điểm: vịnh Bắc
bộ, biển Đông, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.
Đây là một chủ trương đi đúng hướng, sớm tạo ra những
tổ hợp tác, hợp tác xã khai thác thủy sản xa bờ, đồng thời xây dựng một
thế trận quốc phòng an ninh nhân dân trên biển, vừa khai thác thủy sản
vừa cùng với lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển... bảo vệ
toàn vẹn chủ quyền vùng biển đảo của đất nước. Một chiến lược giữ biển,
sẵn sàng tham gia cứu hộ cứu nạn, tạo ra mối ngoại giao thân thiện với
các nước láng giềng trên biển lâu dài mang tính bền vững nhất.
Những tàu đánh bắt xa bờ này còn nhỏ, không có tàu hậu cần... nên hiệu quả chưa cao. Trong ảnh: tàu cá của ngư dân xã An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) chuẩn bị ra khơi - Ảnh: ĐỨC THẢO |
Việc hình thành các đoàn tàu đánh cá khơi xa không phải
là một đề án hay một mô hình gì mới. Cách đây không lâu, chúng ta cũng
đã đầu tư khá nhiều tiền để phát triển “chiến lược phát triển nghề cá xa
bờ”. Hàng ngàn tỉ đồng được đầu tư cho các tỉnh thành ven biển, thế
nhưng hiện nay Nhà nước vẫn chưa thu hồi được bao nhiêu vốn. Phải khẳng
định rằng dự án “chiến lược phát triển nghề cá xa bờ” không thành công.
Vì sao một quyết định đúng nhưng lại có kết quả không
như mong muốn? Đó là một bài học đau xót khi chúng ta đầu tư vốn dàn
trải, không đúng đối tượng, không đúng ngành nghề, quản lý yếu... Cơ
quan quản lý nhà nước về khai thác thủy sản lúc đó không dựa theo quy
luật tự nhiên của biển cả bao la, đặc tính sinh học của các loại thủy
sản di chuyển theo từng mùa vụ, từng dòng hải lưu... để có phương pháp
đầu tư thích hợp.
Dẫn đến cùng một ngư trường đánh bắt cá ngừ đại dương ở
miền Trung, các dự án do tiền của Nhà nước đầu tư làm ăn thua lỗ, còn
tàu do ngư dân Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa tự bỏ vốn ra thì làm ăn có
hiệu quả. Họ đã mở rộng quy mô đội tàu câu cá ngừ đại dương lên cả nghìn
chiếc và hình thành nên một thị trường từ khai thác đến xuất khẩu sang
thị trường Nhật Bản, Mỹ, châu Âu...
Mô hình các đoàn tàu đánh cá công ích trên bốn ngư
trường trọng điểm lần này về cơ bản chỉ khác tên gọi, còn thực chất là
những đội tàu đánh cá xa bờ. Rút kinh nghiệm ở “chiến lược phát triển
nghề cá xa bờ” không thành công, các đoàn tàu đánh cá công ích muốn
không bị thua lỗ như trước và tránh lâm vào cảnh “cha chung không ai
khóc”, theo chúng tôi, cần có những biện pháp đồng bộ sau: Thứ nhất, xác
định rõ ngành nghề khai thác để đầu tư tàu, thiết bị, ngư lưới cụ cho
phù hợp. Thứ hai, con người khai thác trên các đội tàu phải giỏi từng
ngành nghề tương ứng, đạt được trình độ chuyên nghiệp cao, khi đó mới
theo kịp nhịp độ hoạt động của thiết bị máy móc trên tàu.
Thứ ba, đầu tư đồng bộ, ngoài đầu tư những đội tàu trực
tiếp khai thác dài ngày trên biển, phải đầu tư thêm đội tàu hậu cần
nghề cá, có nhiệm vụ cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm và
chuyên chở sản phẩm đánh bắt được vào đất liền. Có như vậy tàu khai thác
mới có điều kiện ở lại nhiều ngày trên biển, giảm chi phí nhiên liệu
chạy ra chạy vào.
Có thể đầu tư xây dựng kho chứa đông lạnh, nhà máy chế
biến tại các đảo lớn, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thứ tư, có một
cơ quan chịu trách nhiệm tổng chỉ huy thống nhất tất cả đoàn tàu đánh cá
công ích, từ khai thác trên biển đến tiêu thụ sản phẩm... Nếu chúng ta
tổ chức được các khâu đồng bộ liên hoàn trên, mỗi sản phẩm thủy sản khai
thác được sẽ có giá trị cao, đủ sức cạnh tranh với thị trường thế giới.
Tổng lợi nhuận sẽ lớn gấp nhiều lần so với các tàu khai thác đơn chiếc,
nhỏ lẻ, tự phát của ngư dân đang làm như hiện nay.
Về mặt chính sách đối với những người hoạt động trên
các đoàn tàu công ích này, cần được quy định chế độ đãi ngộ rõ ràng. Ví
dụ, lợi nhuận thu được từ khai thác, chế biến, kinh doanh... nên trích
phần trăm thích đáng cho những người lao động trực tiếp, theo đặc thù
từng công việc và chuyên ngành của họ. Có thu nhập cao họ mới toàn tâm
toàn ý bám tàu, bám biển và sẽ trở thành những công dân biển kiểu mẫu.
HẢI LUẬN
No comments:
Post a Comment