Tin cho hay công an quận Ba Đình vừa bắt khoảng 30 người khiếu kiện dài ngày tại trung tâm thành phố và chuyển họ tới một cơ sở xã hội ở ngoại thành.
Sự việc xảy ra vào tối hôm thứ Hai ngày 20/09.
Bà Phạm Thị Ứng, một trong những người vừa bị bắt, cho đài BBC biết:
"Cùng bị bắt với tôi tối hôm 20/09 là 25 người dân oan đang khiếu kiện ở vườn hoa Lý Tự Trọng, đối diện vườn hoa Mai Xuân Thưởng. Sáng hôm sau, thêm bốn người nữa, trong đó có hai nhà sư."
"Công an mang xe tới lúc chúng tôi đang chuẩn bị ngủ, không giải thích lý do tại sao mà chỉ kêu chúng tôi xách đồ lên xe. Nếu ai không nghe lời thì bị lùa đẩy lên xe, không cho biết vì tội gì."
Hiện những người này đã được chuyển tới một cơ sở xã hội ở Đồng Dầu, Lộc Hà, thuộc huyện Đông Anh. Đây là nơi nuôi trẻ em đường phố không nơi nương tựa.
Được biết trong số những người bị bắt, có người đã chầu chực khiếu kiện ở Hà Nội cả 3-5 năm nay.
Bản thân bà Ứng, 56 tuổi, quê ở huyện Tuy Phong, Bình Thuận, cho hay: "Tôi lên Trung ương kiện vì Chủ tịch tỉnh ban hành quyết định trái pháp luật, xâm phạm quyền lợi của gia đình tôi."
"Gia đình tôi có 9.500 m2 đất do ông cha tạo lập từ những năm 1930. Năm 1977, chính quyền lấy đất không có giải thích hay bồi thường gì. Tới năm 93-94, chủ tịch huyện Tuy Phong mới có quyết định trả lại cho gia đình tôi 630 m2. Như thế thì làm sao chấp nhận được."
Gia đình bà Phạm Thị Ứng đã nhiều lần khiếu nại tại địa phương nhưng không thành công và do vậy, bà quyết định lên Hà Nội "tìm công lý".
Ngủ ở vườn hoa
Những người khiếu kiện dài ngày thường ăn nghỉ tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng hoặc vườn hoa Lý Tự Trọng là những nơi công cộng ở quận Ba Đình, gần Văn phòng Chính phủ và nhà riêng của các lãnh đạo cao cấp trong Đảng và Nhà nước.
"Điều kiện của người đi kiện hết sức khó khăn. Ngày ngày đến nhà các ông lớn nộp đơn, rồi đi lượm ve chai đồng nát, làm thuê làm mướn để kiếm sống, tối về vườn hoa ngủ."
Theo bà Ứng, họ không vi phạm an ninh trật tự mà chỉ đôi lần mặc áo có chữ Dân oan để đi tới gõ cửa nhà các lãnh đạo.
Bà thừa nhận rằng có thể lý do công an dẹp lui họ lần này là vì thành phố Hà Nội đang chuẩn bị cho đợt kỷ niệm lớn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Thông thường, trước các dịp có sự kiện quan trọng, đông khách quốc tế, chính quyền thành phố lại tổ chức chiến dịch 'chấn chỉnh trật tự".
Thế nhưng, theo bà Phạm Thị Ứng, đó không phải là cách giải quyết tận gốc vấn đề: "Họ không thể giữ chúng tôi ở đây mãi, nên chắc sẽ yêu cầu địa phương lên nhận người."
Về phần mình, bà Ứng tuyên bố sẽ không về quê chừng nào chưa nhận được câu trả lời thích đáng.
Việc dân các tỉnh lên ăn chực nằm chờ để khiếu nại là chuyện xảy ra lâu nay ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi đặt các cơ quan công quyền.
Có những đợt khiếu kiện tập trung cả hàng trăm người. Tại các vườn hoa trung tâm Hà Nội thường xuyên có hàng chục người.
Đất đai là một trong các lý do chính dẫn tới khiếu kiện đông người ở Việt Nam. Chính phủ đang phải xử lý hàng chục nghìn hồ sơ khiếu kiện dạng này.
Nhiều chuyên gia đã nhắc tới nhu cầu phải thành lập tòa án dân sự chuyên xét xử các vụ khiếu kiện đất đai.
Việt Nam coi đất đai là sở hữu của toàn dân. Chính quyền cũng nói nhiều vụ khiếu kiện tập thể là do "các phần tử phản động bên ngoài xúi giục".
No comments:
Post a Comment