Câu chuyện dự án bô-xít Tây Nguyên "nóng" trên diễn đàn Quốc hội, báo giới và dư luận xã hội khi hơn 1.500 nhân sĩ trí thức ký tên vào bản kiến nghị tạm dừng dự án.
Lý do của bản kiến nghị này bắt nguồn từ thảm họa bùn đỏ xảy ra tại Hungary, làm 6 người mất tích, 5 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và sự tàn phá khủng khiếp tới môi trường sinh thái.
Để độc giả hiểu hơn về dự án thông qua những thông tin, phân tích đa chiều, tọa đàm trực tuyến chiều 27/10 về bô-xít Tây Nguyên có sự tham gia của Thứ trưởng - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên - Môi trường) Bùi Cách Tuyến; ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng ban Nhôm - Titan (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam), nhà văn Nguyên Ngọc và ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc công ty Năng lượng sông Hồng (TKV).
Hiện có hai luồng ý kiến trái chiều nhau về dự án này. Mỗi bên đều viện dẫn những lý lẽ riêng xung quanh hai vấn đề: Hiệu quả kinh tế và tính an toàn của dự án.
Đại diện chủ đầu tư, từ Thứ trưởng Bộ Công Thương kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Lê Dương Quang đến Phó Tổng giám đốc Dương Văn Hòa khi được hỏi đều chung câu trả lời: không nhất thiết phải dừng các nhà máy bô-xít.
Để bảo vệ cho lập luận của mình, phía TKV đã đưa ra chi tiết về chi phí, giá thành, lợi nhuận thu được cũng như các biện pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn cho hai hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên. Việc TKV triển khai thử nghiệm hai dự án sản xuất alumina (nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ) tại Đăk Nông và Lâm Đồng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành và đất nước.
Hơn nữa, ông Nguyễn Thanh Liêm khẳng định, TKV đã tính toán và nhận thấy hiệu quả kinh tế vẫn được đảm bảo, dù phải xây thêm nhiều tuyến đường vận chuyển sản phẩm, cả đường sắt và đường bộ. Khoảng 5-10 năm, TKV sẽ thu hồi được vốn bỏ ra.
Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh khác, TS. Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng, lại đưa ra 2 lý do khiến dự án bô-xít không hiệu quả và cần phải đóng cửa. Đó là công nghệ xử lý bùn đỏ và tính rủi ro về kinh tế.
Đây cũng chính là nhận xét của TS. Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, khi cho rằng dự án bô-xít Tây Nguyên vừa thua lỗ nặng, vừa ô nhiễm môi trường.
"Chúng ta không thể chỉ tin tưởng vào cách tính giá thành cũng như các cam kết của TKV và một số cam kết của một vài bộ chức năng. Họ chịu trách nhiệm cho từng nhiệm kỳ, họ không sống muôn đời với dự án, nhưngdự án là hiệu quả và tác động của rất nhiều năm sau", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người đã ký và bản kiến nghị, lên tiếng.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, nếu dự án bô-xít Tây Nguyên chưa chắc chắn thì chưa nên làm. Chúng ta thà trả giá vừa phải còn hơn chấp nhận trả giá quá đắt.
Theo TS.Tô Văn Trường, nên chờ những năm sau, khi khoa học và công nghệ của con người tiến bộ hơn, hoàn chỉnh hơn mới khai thác thì cũng chẳng muộn. Việt Nam coi bô-xít như vốn tài nguyên, của để dành cho thế hệ con cháu mai sau.
Dưới góc nhìn văn hóa - xã hội, nhà văn Nguyên Ngọc, người đã ký tên vào bản kiến nghị, cũng khẳng định, ngừng dự án bôxit có nghĩa là đã giữ lại được diện tích rừng đang được che phủ ít ỏi còn lại ở Tây Nguyên.
Nếu đem tính sổ những thiệt hại mà cả xã hội và ngân sách nhà nước phải chịu chỉ qua hai trận lũ vừa qua ở miền Trung, sẽ thấy ngay được bài toán đơn giản: nên giữ rừng hay nên làm bôxit. Đó là chưa kết những bất ổn về văn hóa - xã hội chưa lường hết được.
Nhiều độc giả Diễn đàn VNR500 - Báo VietNamNet đề nghị, TKV hãy trình bày một cách khoa học hiệu quả từng dự án bô-xít, cả về mặt kinh tế và môi trường, trước một hội đồng thẩm định độc lập.
Do vậy, buổi tọa đàm trực tuyến là cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học và độc giả cả nước chất vấn chủ đầu tư , đồng thời, cả phía Bộ Tài nguyên - Môi trường về những thắc mắc liên quan đến dự án.
Độc giả quan tâm đến dự án bô-xít Tây Nguyên có thể tranh luận trực tiếp với các khách mời vào 14h chiều 27/10. Mọi câu hỏi xin gửi về vnr500@vietnamnet.vn.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - VNR500 - Báo VietNamNet.
No comments:
Post a Comment