Cách báo chí chính thống của Trung Quốc và Việt Nam mô tả vụ bắt nghệ sỹ nổi tiếng Ngải Vị Vị và vụ xử tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ cho thấy nhiều điểm tương đồng.
Tại Trung Quốc, tờ Global Times (Hoàn Cầu Thời báo), bản tiếng Anh hôm 6/5, có bài đả kích ông Ngải và cho rằng vụ bắt ông không liên quan gì đến nhân quyền.
Còn tại Việt Nam, báo chí từ trước và sau vụ xử ông Cù Huy Hà Vũ 7 năm tù giam ở phiên sơ thẩm 4/4 vừa qua cũng tập trung vào mục tiêu giảm uy tín của ông.
Sự tương đồng đến từ chỗ hai nhân vật "bất đồng chính kiến" này có thân thế khá giống nhau và cách họ bị nhà chức trách xử lý cũng tương tự, cả về mặt pháp lý và việc vận động dư luận.
Thân phận hạt hướng dương
Trước hết về ông Ngải, người hiện đang có cuộc tác phẩm "Hạt Hướng Dương" tại nhà triển lãm danh tiếng Tate Modern ở London.
Là con nhà báo, nhà thơ nổi tiếng Ngải Thanh, một vị lão thành cách mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Ngải Vị Vị được đi du học ở Mỹ và có một thời gian sống tại New York.
Ông về nước và trở thành một nhân vật danh tiếng trong phong trào nghệ thuật mới của nước Trung Hoa thời Khai phóng.
Không chỉ là người thiết kế sân vận động hình Tổ Yến cho Olympics tại Bắc Kinh, ông còn là nhà bình luận nhiều vấn đề xã hội Trung Quốc.
Ngải Vị Vị sẽ bị lịch sử phán xét nhưng y sẽ phải trả giá cho sự lựa chọn khác biệt của mình
Báo Trung Quốc
Nói ngắn gọn thì ông Ngải chọn con đường làm một nghệ sỹ dấn thân và dù không nắm chức vụ gì trong ngành văn hóa, ông thường xuyên được đài báo nước ngoài phỏng vấn về Trung Quốc.
Có khả năng tiếng Anh lưu loát, vóc dáng một "hiền triết Phương Đông" với chòm râu kiểu ngày xưa, ông Ngải Vị Vị cũng không tiếc lời phê phán các quan chức Trung Quốc về tham nhũng và thiếu dân chủ.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Anh David Cameron sang Trung Quốc, ông Ngải công khai trả lời bằng tiếng Anh với phóng viên Nick Robinson của BBC ngay giữa đường phố Bắc Kinh rằng "Trung Quốc chưa hề có dân chủ".
Dù ông Ngải từng triển lãm tại Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc và cả Israel, dư luận Anh biết đến ông hơn cả qua tác phẩm 100 triệu hạt hướng dương bằng sứ bày thành luống trong Tate Modern.
Ý tưởng của ông là thời Cách mạng Văn hóa, mỗi người dân Trung Quốc chỉ là một hạt hướng dương, hướng tới Mặt trời Đỏ là Mao Chủ tịch.
Nhưng hạt hướng dương cũng bị chà đạp như những thân phận người dân Trung Quốc.
Thông điệp này khiến chính quyền ở Trung Quốc không vui.
Studio của ông ở Thượng Hải bị người ta đem xe ủi đến kéo đổ, vì lý do "không có giấy phép xây dựng".
Trong ngày 5/4 vừa qua, sau khi ông bị bắt đi từ cuối tuần, chừng 50 công an vào nhà riêng của ông ở Bắc Kinh lục soát, tìm bằng chứng "phản động" và lôi vợ ông ra đồn tra vấn.
Nay, theo tờ Global Times, ông Ngải "là kẻ chống lại pháp luật".
Tờ báo chính thống này cảnh báo rằng ông Ngải "đã chọn thái độ khác bình thường để chống lại luật pháp", và "luật pháp không thể nhượng bộ trước phê phán của truyền thông Phương Tây".
Đây là dấu hiệu cho dù ông nổi tiếng ở nước ngoài, số phận của ông sẽ tùy thuộc hoàn toàn vào nhà chức trách.
Không chỉ lên án ông Ngải, tờ Global Times còn viện ra lịch sử để nhắc nhở:
"Ngải Vị Vị sẽ bị lịch sử phán xét nhưng y sẽ phải trả giá cho sự lựa chọn khác biệt của mình."
Tin hôm 7/4 từ Trung Quốc cho hay chính quyền dự định đem ông Ngải ra xử vì "tội phạm kinh tế", điều theo lời mẹ ông nói với BBC là hoàn toàn "không đúng".
Cuộc đấu vì danh tiếng
Còn tại Việt Nam, báo chí chính thống không phủ nhận tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ là con nhà dòng dõi - con trai của nhà thơ, bộ trưởng Cù Huy Cận- nhưng tạo ra ấn tượng ông là kẻ "ngạo mạn, ngông cuồng, coi thường pháp luật".
Bị cáo Cù Huy Hà Vũ đã vu khống, xúc phạm danh dự các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Báo Việt Nam trích lời cơ quan công an
Giống như trường hợp của ông Ngải Vị Vị, ông Cù Huy Hà Vũ có nhiều hoạt động trả lời báo chí, nhất là đài báo ở nước ngoài.
Báo Sài Gòn Giải Phóng đăng rằng "từ năm 2009 đến tháng 10-2010, bị cáo Cù Huy Hà Vũ đã có nhiều bài viết, bài trả lời phỏng vấn một số báo chí nước ngoài được đăng tải trên mạng Internet với nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam".
Trong bản cáo trạng của nhà chức trách đưa ra, các bài trả lời phỏng vấn của ông với đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) của Bộ Ngoại giao Mỹ được nêu bật.
Về cơ bản, vụ xử ông Cù Huy Hà Vũ là một vụ việc cạnh tranh về danh tiếng.
Báo chí Việt Nam đứng về phía công tố cho rằng các việc làm của ông gây tiếng xấu cho Nhà nước, và cho cả một số các nhân lãnh đạo cao cấp.
Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ bị cho là đã "xuyên tạc đường lối chủ trương chính sách, bôi xấu chế độ có hệ thống, nghiêm trọng, rất nguy hiểm cho đất nước và nhân dân, xâm hại tới đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh chính trị, ổn định và phát triển của đất nước."
Về vụ đưa đơn kiện chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì dự án bauxite Tây Nguyên, báo chí Việt Nam trích lời cơ quan công an cho rằng ông Cù Huy Hà Vũ đã "vu khống, xúc phạm danh dự các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước".
Chính vì mục đích x́oa bỏ hoàn toàn tư cách trí thức nổi tiếng của ông, người ta cũng không muốn công nhận ông là họa sỹ nữa và khai trừ ông khỏi Hội nghệ sỹ tạo hình Việt Nam.
Gần đây nhất, trong một tài liệu được lưu truyền trên mạng Internet có văn bản của nhà chức trách chỉ thị các cơ quan báo chí "không gọi ông là tiến sỹ luật", dù ông nhận bằng từ Đại học Sorbonne danh tiếng ở Paris.
Cuối cùng, điểm tương đồng trong hai vụ việc tại Việt Nam và Trung Quốc là vai trò của những người vợ.
Sau khi ông Ngải bị bắt, vợ ông, bà Lộ Thanh, cũng là một nghệ sỹ, đã trả lời đài báo nước ngoài để lên tiếng bảo vệ cho chồng.
Còn tại Việt Nam, luật sư Nguyễn Thị Dương Hà cũng đã và đang làm công việc tương tự để tìm tự do cho chồng bà, tiến sỹ Cù Huy Hà Vu.
Hiện chưa thấy báo chí chính thống ở Việt Nam và Trung Quốc công kích hai người phụ nữ này.
No comments:
Post a Comment