Tường trình từ vùng đất giàu khoáng sản
Bài cuối: Không có chọn lựa nào khác!
SGTT.VN - Hà Giang đặt ra mục tiêu công nghiệp hoá của
mình là khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú của tỉnh. Ở vùng
biên giới nghèo vốn và nghèo công nghệ này, việc hợp tác với Trung Quốc
để thủ đắc công nghệ khai khoáng là một chọn lựa tốt nhất và có vẻ như
duy nhất vì họ bao tiêu khoáng sản đã qua sơ chế.
Nhà
máy sơ chế mangan ở Giáp Trung, Bắc Mê, Hà Giang giống như lưỡi gươm
Damocles trên đầu cư dân thị trấn Yên Phú và xã Giáp Trung vì chất thải
đổ xuống các dòng suối chảy ra sông Gâm. Ảnh: Trần Việt Đức
|
Có nhà máy, không có quặng
Một buổi trưa nắng cháy trên cao nguyên huyện Mèo Vạc, ở
ngay lối vào xã Khau Vai, nơi từng có những phiên chợ diễm tình nhất,
bảng chỉ báo dẫn vào nhà máy tuyển luyện antimon bằng hai thứ tiếng –
Việt và Hoa – hiện ra. Cách đó chừng năm trăm thước là cổng vào nhà máy.
Bên trong mọi thứ đều im ắng.
Ở ngay điểm mỏ, trên con đường liên xã đang được mở,
theo một cán bộ phòng tài nguyên và môi trường Mèo Vạc, đó là tuyến
đường đang được mở để đi Cao Bằng, những chiếc máy cạp của công ty Hoa
Cương nằm gục đầu dưới cái nắng cuối tháng 7 và bụi bốc lên mỗi khi có
xe đi qua.
Theo sở Công thương tỉnh Hà Giang, ở đây, Trung Quốc đã
thăm dò, đánh giá trữ lượng và quyết định xây dựng nhà máy mất khoảng
30 tỉ đồng, đúng tiến độ là tháng 9 năm ngoái đưa vào khai thác sử dụng,
nhưng đến bây giờ vẫn đang thất nghiệp.
Phía Trung Quốc thông báo cho sở Công thương tỉnh là
nhà máy xây dựng xong thì tuyển quặng không đạt tiêu chuẩn sản phẩm là
99,99% mà chỉ đạt 99,97% là cao nhất và nhất là chỉ tìm thấy quặng ở độ
sâu hàng mấy chục mét. Ông Lưu Tùng Giang, phó giám đốc sở Công thương
Hà Giang cũng không lý giải được chuyện lạ lùng của việc thăm dò đánh
giá và đầu tư này.
Công nhân Trung Quốc chuyên trị khai thác độ sâu
Những khi khai thác ở độ sâu theo kỹ thuật khai thác
đường hầm thì các công ty chỉ sử dụng công nhân Trung Quốc. Nguyên nhân
là công nhân Việt Nam không đủ sức để làm. Cụ thể, ba công nhân Trung
Quốc một ngày có thể đào được 5m đường hầm, còn ba công nhân Việt Nam
một ngày chỉ đào được 1m vì hay cãi nhau.
Thế nhưng đường hầm đó họ đào tới đâu, không ai quản
lý, ông Lưu Tùng Giang phân tích. Phía Việt Nam đã yêu cầu đối tác phải
vẽ sơ đồ, hệ thống tuyến đường hầm vào thân quặng. Trong bảy doanh
nghiệp liên doanh loại này thì ba doanh nghiệp đã đi vào khai thác và
đều sử dụng công nhân Trung Quốc đào hầm.
Ông Lưu Tùng Giang đặt vấn đề: “Các doanh nghiệp gọi
đây là công nghệ khai thác hầm lò, nhưng quá trình khai thác hầm lò
không có kiểm soát. Nếu tuyến hầm lò này chạy vào các điểm quan trọng về
an ninh quốc phòng thì sao?”
Liên doanh thua trên sân nhà
Nói về liên doanh, ông Lưu Tùng Giang càng bức xúc hơn:
khoáng sản do mình quản lý, địa bàn, đất đai, pháp lý ở đất Hà Giang là
của Việt Nam, nhưng chỉ vì không có tiền để đầu tư nhà máy, nhưng lại
phải tuân thủ chuyện làm ăn theo luật quốc tế, do đã lỡ ký kết những
khoản rất ư sơ hở mà không nhìn thấy ngay từ đầu, nên phải chịu thua
trên sân nhà.
Từ đầu tháng 3 vừa qua, sau một đợt kiểm tra, có một số
doanh nghiệp liên doanh Trung Quốc chưa thành lập văn phòng đại diện,
cho nên nghĩa vụ và trách nhiệm của họ ở Việt Nam không có gì ràng buộc,
trong khi đó thì doanh nghiệp đối tác trong nước lại bao thầu mọi thủ
tục.
Ông Lưu Tùng Giang nói: “Chúng tôi đang kiến nghị UBND
tỉnh là các doanh nghiệp ở nước ngoài đầu tư tại Hà Giang phải thành lập
văn phòng đại diện như công ty hữu hạn khoáng nghiệp Tân Nguyên (Vân
Nam, Trung Quốc), công ty hữu hạn công mậu hàng thuỵ An Ninh (Trung
Quốc), công ty hữu hạn phát triển khoáng sản luyện kim Tuấn Đạt (Quảng
Đông, Trung Quốc), công ty TNHH đầu tư Lucky Star (Hong Kong, Trung
Quốc).
Một cái bẫy mà doanh nghiệp Việt Nam thường rơi vào vì
tưởng mình lợi hơn: khi ký hợp đồng tỷ lệ góp vốn bên Việt Nam ghi là
30%, còn Trung Quốc 70% và việc hưởng lợi là chia đều 50/50. Điều này
theo luật là sai, vì góp như thế nào thì được hưởng lợi như thế đó.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp chỉ nói là góp bằng nhà
máy, không biết giá trị nhà máy là bao nhiêu và không có cơ sở khấu hao,
do đó sau mười năm thi công thì nhà máy đó vẫn là nhà máy không có khấu
hao thì đương nhiên doanh nghiệp nước ngoài đầu tư được hưởng nguyên
cái giá trị của nhà máy này.
Trong trường hợp có mâu thuẫn lợi ích phát sinh dẫn đến
ra toà, những hợp đồng mơ hồ kiểu này coi như đối tác Việt Nam thua
chắc, nhưng dường như doanh nghiệp Việt Nam chưa thấy hết được vấn đề
này.
Những đứa trẻ đi mót quặng ở Mậu Duệ, Yên Minh, Hà Giang, trên đường về nhà sau khi bán số quặng mót được. Ảnh: Trần Việt Đức
|
Công nghệ lạc hậu
Để khai thác triệt để nguồn tài nguyên và kiểm soát tốt
nguồn thu thuế, nên quy trình đòi hỏi trước khi khai thác phải kiểm tra
trữ lượng, hàm lượng, và lượng chất thải ra.
Rõ ràng công nghệ cũ thì lượng phần trăm kim loại dư ra
rất nhiều, thường thì chỉ cho phép lượng kim loại dư ra là 3%, nhưng
nếu công nghệ cũ thì tỷ lệ này cao hơn. Việc đánh giá này để buộc các
doanh nghiệp phải sử dụng công nghệ hiện đại, vì chất thải đổ ra thì
chắc chắn sẽ có phần trăm lưu huỳnh, carbon và các chất thải khác.
Nhưng qua những đánh giá tác động môi trường như báo
cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong việc khai thác mangan của
hai công ty khác nhau ở huyện Bắc Mê (Hà Giang) thì tuy hội đồng đánh
giá toàn là những giáo sư, chuyên gia nặng cân và những bản báo cáo dày
hàng trăm trang của các đơn vị tư vấn và làm báo cáo ĐTM này gần như sao
chép lẫn nhau.
Ví dụ như báo cáo ĐTM của công ty TNHH Kiên Cường (mỏ
mangan Bản Sáp, xã Yên Phú, huyện Bắc Mê và báo cáo ĐTM của xí nghiệp
xây lắp Hùng Lâm (mỏ mangan xã Yên Phú, huyện Bắc Mê) thì đều cam kết
bảo vệ môi trường như việc xả thải đúng quy định, kết thúc khai thác sẽ
phục hồi môi trường…
Công Khanh – Văn Quý
Lao động Trung Quốc đang làm việc tại các điểm mỏ
- Dự án hợp tác kinh doanh giữa công ty
TNHH Đức Sơn (Việt Nam) và công ty hữu hạn khoáng nghiệp Tân Nguyên
(Trung Quốc): có 136 lao động, trong đó có 20 lao động người Trung Quốc
(mới làm thủ tục cấp phép lao động cho 14 người, còn sáu người chưa được
cấp phép lao động).
- Dự án hợp tác kinh doanh giữa công ty
TNHH Minh Tiến (Việt Nam) và công ty hữu hạn công mậu hàng thuỵ An Ninh
(Trung Quốc): có 15 lao động, trong đó có sáu lao động người Trung Quốc
đều chưa làm thủ tục xin cấp phép lao động.
- Dự án hợp tác kinh doanh giữa công ty cổ
phần tập đoàn Hoàng Bách (Việt Nam) và công ty hữu hạn phát triển khoáng
sản luyện kim Tuấn Đạt (Trung Quốc): có 240 lao động, trong đó có 50
lao động người Trung Quốc.
- Dự án hợp tác giữa công ty TNHH Đường
Hồng (Việt Nam) và công ty TNHH đầu tư Lucky Star (Trung Quốc): năm 2010
có sử dụng chín lao động, trong đó có ba lao động người Trung Quốc đã
báo cáo cơ quan chức năng.
- Dự án hợp tác giữa công ty cổ phần phát
triển khoáng sản quốc tế VCC Hà Giang (Việt Nam) và công ty xuất nhập
khẩu Hoa Long (Trung Quốc): đến tháng 6.2010 có 60 lao động, trong đó có
bốn lao động người Trung Quốc chưa được cấp phép lao động theo quy định
của Việt Nam.
- Dự án hợp tác giữa công ty TNHH Vận Thiên
(Việt Nam) và công ty xuất nhập khẩu Hoa Long (Trung Quốc): ký hợp đồng
lao động với 32 người Việt Nam, còn 20 lao động người Trung Quốc đang
được sử dụng tại mỏ chì kẽm Bản Lý chưa báo cáo và làm thủ tục cấp phép
theo quy định của Việt Nam.
|
Mẫu số chung của các công ty liên doanh Trung Quốc:
- Chưa/không thành lập văn phòng đại diện;
- Chưa thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn lao động;
- Chưa thực hiện đầy đủ các quy định về pháp luật lao động, thủ tục đăng ký lao động nước ngoài;
- Chưa thực hiện các quy định bảo hộ và bảo hiểm cho người lao động;
- Chưa đóng đủ thuế và phí đối với sản lượng đã khai thác thực tế;
- Chưa có kế hoạch lập đầy đủ đánh giá tác động môi trường;
- Gây hư hại đường sá nghiêm trọng.
Nguồn: văn bản số 89/BC-SCT (17.6.2011)
báo cáo kết quả kiểm tra các hoạt động khai thác,
chế biến khoáng sản có liên doanh,
liên kết với nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hà Giang
báo cáo kết quả kiểm tra các hoạt động khai thác,
chế biến khoáng sản có liên doanh,
liên kết với nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hà Giang
No comments:
Post a Comment