TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Saturday, August 27, 2011

Những ngư dân tình nguyện chống 'thủy tặc'

Ý thức về hệ sinh thái vùng đầm phá đang bị xâm hại do con người đánh bắt theo hướng hủy diệt, những ngư dân ven phá Tam Giang (Thừa Thiên - Huế) đã góp tiền đóng thuyền, lập ra đội tự quản chống "thủy tặc".

Dọc con phá rộng nhất Đông Nam Á này hầu hết mỗi xã đều có đội tự quản nhằm ngăn chặn tình trạng người dân nơi khác đến dùng xung điện, giã cào đánh bắt thủy sản. Trong đó, đội tự quản thôn 8 xã Điền Hải (Phong Điền) hoạt động hiệu quả nhất bởi những ngư dân ở đây dám bỏ tiền túi và tình nguyện bỏ thời gian đi tuần tra.

pha tam giang
Đội tự quản của thôn 8 truy đuổi "thủy tặc" trên phá Tam Giang. Ảnh: Văn Nguyễn.

Trời chập choạng tối, hoàng hôn như dát vàng trên con phá mênh mông nước. Nhận được tin báo có chiếc thuyền đang dùng xung điện đánh cá, đội tự quản của thôn 8 tức tốc nổ máy thuyền 24 mã lực nhằm thẳng hướng thuyền lạ. Thấy bóng dáng đội tự quản, chiếc thuyền đang đánh bắt cá bằng xung điện vội thu dọn đồ nghề, nổ máy phóng mất hút.

Ông Phan Chính, trưởng thôn 8, cho biết đây chỉ là một trong hàng trăm chuyến truy bắt "thủy tặc" của đội tự quản. Tình trạng nhiều người dân chỉ thấy cái lợi trước mắt mà đánh bắt thủy sản bằng các phương pháp hủy diệt trên phá Tam Giang diễn ra rầm rộ từ năm 2000. Phía đội cũng đã bắt, lập biên bản 157 vụ và báo cáo lên Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh giải quyết.

Ông Phan Phưởi, 48 tuổi, đội trưởng đội tự quản thôn 8, bảo ngày trước có những thuyền đêm trên phá thu được hàng tạ cá, to nhỏ gì họ đều bắt hết. Sau khi tìm hiểu mới biết do người ta dùng xung điện, giã cào để đánh bắt.

"Ngư dân như chúng tôi sống nhờ vào phá từ khi lọt lòng đến giờ, con cháu mình mai kia cũng sẽ nối nghiệp, nếu để tình trạng đánh bắt theo kiểu tận diệt thì chẳng mấy chốc tôm cá sẽ hết. Nghĩ thế anh em trong thôn họp bàn quyết định thành lập đội tự quản", ông Phưởi nhớ về lần nhóm người trong thôn lên xã xin được thành lập đội tự quản bảo vệ thủy sản trên phá Tam Giang.

Nhờ những chuyến đi tuần tra bảo vệ đầm phá, tôm cả trong vùng được bảo vệ và ngày một sinh sôi. Ảnh: Văn Nguyễn.

Được xã chấp thuận nhưng truy đuổi các thuyền đánh bắt trái phép phải dùng thuyền. Sẵn lòng nhiệt huyết, anh em trong đội vận động gia đình, quyên góp thêm trong thôn đóng chiếc thuyền chuyên dùng cho việc đi tuần. Do thuyền công suất thấp nên nhiều cuộc truy đuổi phải về tay không.

"Anh em lại góp thêm tiền mua thuyền 16 triệu với 26 mã lực, gấp đôi so với chiếc cũ. Xăng anh em tụi tôi cũng góp mỗi người mỗi ít để đi tuần thường xuyên trên phá", ông Phan Đế, 42 tuổi, đội phó đội tự quản hồ hởi nói.

Ông Đế kể nhiều lần đội tịch thu xung điện, giã cào nhưng gặp người quá hoàn cảnh nên cả đội chỉ nhắc nhở rồi thả về. "Việc làm của đội nhằm cảm hóa, giải thích cho bà con hiểu tác hại của việc đánh bắt hủy diệt với hệ sinh thái đầm phá để làm ăn chân chính chứ không phải lập đội ra chỉ để bắt bớ những người đánh bắt phạm pháp".

Hơn 10 năm thành lập, đội tự quản thôn 8 đã nếm trải bao vui buồn, đổ mồ hôi và cả máu. Ngoài hàng chục chuyến tuần tra bị "thủy tặc" chống trả, 16 thành viên trong đội ai cũng nhớ lần ông Nguyễn Tần, 52 tuổi bị đánh gãy 2 xương sườn khi đang vận động một thuyền bỏ nghề giã cào.

Ông Tần kể lại, mùng 10 Tết năm 2007, ông cùng bốn anh em đi tuần thì nhận được điện báo có ba thuyền đang đánh bắt cá trái phép. Khi tới nơi, đội nhắc nhở những người trên thuyền thì bất ngờ bị chống trả. "Khoảng 20 thuyền của đội quân thủy tặc bao vây rồi ném đá, ván thuyền… vào chúng tôi. Tôi bị một thanh niên dùng thanh sắt dài đập mạnh vào hông và ngã quỵ", ông Tần nhớ lại.

Ông Nguyễn Tần với vết thương bên sườn trong lần truy bắt "thủy tặc". Ảnh: Văn Nguyễn.

Nhóm "thủy tặc" còn bắt trói những người trong đội tự quản rồi dong thuyền định thủ tiêu cả đội. Người dân thôn 8 đợi mãi không thấy đội đi tuần về nên chạy ra xem. Nhờ đó đội mới được giải cứu. Vụ việc được báo lên chính quyền. Công an huyện Phong Điền đã khởi tố vụ án và phạt tù kẻ đánh ông Tần. Sau chuyến đi sinh tử ấy, ông Tần chẳng sợ, còn vận động thêm 2 con trai cùng vào đội.

Làm việc chính nghĩa nhưng nhiều khi thành viên trong đội phải đối mặt với những tin nhắn đe dọa hoặc bị "thủy tặc" theo dõi phá ngư cụ. "Mình nhiều khi cũng buồn bực lắm, nhưng nghĩ mình làm vì lợi ích chung của xã hội nên kiên quyết bảo vệ đầm phá", ông Phưởi nói.

Ông Nguyễn Xuân Công, Chủ tịch UBND xã Điền Hải, cho biết từ khi những ngư dân thôn 8 lập đội tự quản, việc dùng xung điện, giã cào giảm rõ rệt. Nhờ đó, những ngư dân trong vùng có thể sống tốt với nghề cá trên phá Tam Giang.

Còn ông Cao Huy Tế, Trưởng công an xã Điền Hải thì bảo: "Đội tự quản của ngư dân thôn 8 giờ là khắc tinh của thủy tặc trong vùng. Chúng tôi đang nhân rộng mô hình ra các thôn còn lại và kiến nghị với Chi cục thủy hải sản có hình thức trợ cấp cho các đội hoạt động ổn định, lâu dài hơn".

Văn Nguyễn

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty