Một Sư Miến Điện phát biểu qua Internet tại Diễn Đàn Người Dân ASEAN, 23/11/09- ảnh BPSOS
.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng
Muốn có dân chủ thì phải xây dựng xã hội dân sự. Muốn có xã hội dân sự thì phải có người có khả năng hoạt động xã hội dân sự. Trong xã hội Việt Nam hiện đang thiếu những nhân sự như vậy.
Phần lớn những người tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam, vì chính sách cấm đoán, đã không có cơ hội để thu thập kinh nghiệm qua các hoạt động xã hội dân sự ở trong nước. Họ lại bị cô lập và bưng bít nên không có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ khu vực xã hội dân sự ở nước ngoài, kể cả những quốc gia lân bang trong khối ASEAN. Do đó kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và bản lãnh về hoạt động xã hội dân sự của họ bị giới hạn. Chính vì ít có dịp giao tiếp với xã hội dân sự, phần đông các nhân sự vận động dân chủ ở trong nước thiếu chuẩn bị và nhiều khi nẩy sinh tâm lý chủ quan, thiếu dữ kiện để biết người biết ta, và không biết những gì mình cần biết nhưng chưa biết.
Trong khi đó, các nhân sự của đảng và nhà nước lại có nhiều cơ hội đi đó đi đây và tiếp xúc rộng rãi. Họ có cơ hội để tìm hiểu các trào lưu mới và thu thập kỹ năng cần thiết để qua mặt quốc tế. Điển hình là cuộc họp của 500 đại diện của các tổ chức xã hội dân sự thuộc khối ASEAN, được tổ chức vào cuối tháng 10 năm 2009 ở Cha Am, Thái Lan, ngay trước hội nghị lần thứ 15 của các nguyên thủ quốc gia. Qua cuộc họp này, với tên là Diễn Đàn Người Dân ASEAN, các tổ chức xã hội dân sự cố gắng tạo thế ảnh hưởng tương lân lên các chính phủ thiếu dân chủ ở trong vùng. Việt Nam đã cử một lực lượng hùng hậu tham dự cuộc họp, gồm 43 thành viên đại diện cho 16 tổ chức "phi chính phủ" còn gọi tắt là NGO (non-governmental organizations). Thực ra đó là những tổ chức do chính phủ dựng lên để tạo bình phong dân chủ–trong tiếng Anh đó là những GONGO, tức là government-operated NGO, như Mặt Trận Tổ Quốc, Hội Phụ Nữ, Tổng Liên Đoàn Lao Động…
Phái đoàn hùng hậu này, chỉ kém về nhân số so với phái đoàn của quốc gia chủ nhà là Thái Lan, dùng những ngôn ngữ dân chủ tại nghị trường nhưng chủ đích là bao che cho sự thiếu dân chủ và mất nhân quyền ở Việt Nam. Điều trớ trêu là phần lón các tổ chức xã hội dân sự có mặt tin vào những lập luận ấy và không phân định được họ là GONGO chứ không phải NGO. Người của nhà nước Việt Nam chiếm được diễn đàn dân chủ, trong khi các nhân sự đấu tranh cho dân chủ thì vắng bóng, im hơi.
Thực ra các tổ chức GONGO Việt Nam này đã nhiều năm hợp tác với các tổ chức NGO ASEAN và quốc tế và nhiều khi nhận được tài trợ từ các nguồn tiền tư nhân hay từ các chính quyền dân chủ, kể cả Hoa Kỳ. Đây là tình trạng ngược đời. Những người đại diện cho một chế độ bị lên án là hủ lậu, bưng bít, chậm tiến lại có tầm nhìn, tầm hoạt động, và tầm quan hệ rộng rãi hơn hẳn những người đấu tranh cho dân chủ, cho xã hội mở, cho tự do.
Tôi mong rằng những ai quan tâm đến tương lai dân chủ cho Việt Nam, kể cả những người ở trong nước và cộng đồng Việt ở hải ngoại, để ý đến tình trạng lộn ngược này và bằng mọi cách lật ngược thế cờ. Người ở trong nước cần tìm mọi cơ hội để nối kết với các tổ chức xã hội dân sự trong khối ASEAN và học hỏi kinh nghiệm từ họ. Những kinh nghiệm này nhiều khi quý báu và thực tiễn hơn là kinh nghiệm từ các quốc gia phương Tây. Làm vậy cũng sẽ tương đối an toàn so với tham gia các tổ chức chính trị của người Việt ở hải ngoại vì chính ngay các GONGO do nhà nước thành lập cũng đã đi lại, đối tác, và ngay cả hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự này thì không thể nào buộc tội người khác rằng liên lạc với họ là toa rập với lực lượng phản động nước ngoài với ý định lật đổ chính quyền.
Và người ở hải ngoại có thể giúp tạo môi trường và cơ hội cho những người thuộc thành phần vận động dân chủ ở trong nước tiếp xúc và tham gia phong trào xã hội dân sự quốc tế, nhất là trong khối ASEAN.
Đào tạo nhân sự với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và bản lãnh thích hợp là bước đầu tiên và căn bản để tạo nên những hạt nhân cho một xã hội dân sự làm nền cho chế độ dân chủ sau này ở Việt Nam.
TS Nguyễn Đình Thắng
BPSOS
Nguồn : Machsong.org
No comments:
Post a Comment