TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Sunday, March 7, 2010

Làng mang họ Bác Hồ: Lời ru buồn sau những đêm tình 'đi sim'


Cập nhật lúc 07:50, Chủ Nhật, 07/03/2010 (GMT+7)
 - Trong thanh âm của cơn mưa chiều nơi đại ngàn làm con đường mòn dẫn vào xã Tà Rụt (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) thêm heo hút. Từ phía bên kia vách núi, trong căn nhà sàn bạc màu thời gian, tiếng người mẹ trẻ ru con nghe não nề gan ruột. Sau cuộc chung đụng của những đêm tình “đi sim” là sự khổ đau của người mẹ, người vợ và những đứa con vô thừa nhận…

Nỗi buồn từ chiếc lá A năng

Tục “đi sim” là một truyền thống đẹp của tộc người Vân Kiều, Pa Cô sinh sống trải theo chiều dài của dãy Trường Sơn. Xưa kia, trai gái thường “đi sim” trong những đêm lễ hội như lễ Ruh Boh được tổ chức vào mùa rẫy (thường diễn ra tại nương rẫy của bản) hay lễ mừng lúa mới.

Ban đầu vào lễ Ruh Boh, già bản đọc lời kính cáo với thần sứ Kniéq vì sự ồn ào, khuấy động của dân bản trong suốt thời gian canh rẫy. Sau khi già bản kính cáo với thần sứ Kniéq, việc giữ rẫy được giao lại cho những thiếu nữ của bản ở căn chòi dựng tạm trên rẫy.

Từ đây, biết có gái đẹp ở lại giữ rẫy, con trai các bản lân la tìm đến chòi giữ rẫy để cùng con gái trong bản vào “đêm sim”. Có hàng vạn những đêm tình “đi sim” diễn ra như thế và nó đã trở thành một nét văn hoá của tộc người Vân Kiều, Pa Cô.
Mô tả ảnh.
Chị Hồ Thị A Rá cùng bé Hồ Thị Xuân trong căn nhà sàn của mình. (Ảnh: Tá Linh)


Truyền thống “đi sim” nay đã “biến tướng” đi nhiều, song theo già làng Hồ Nam (thôn Ka Hẹp, xã Tà Rụt) thì do người Vân Kiều, Pa Cô biết sử dụng một thứ lá thuốc bí truyền có tên là A năng có thể giúp trai gái “kế hoạch hoá” sau những cuộc chung đụng trong đêm tình “đi sim”.
Khi trai, gái bản hát đối đáp nhau qua điệu Xà Nớt: “Muốn có em về dệt cửi ở chân cầu thang/ Muốn có em như cái chân khung cửi/ Muốn có em mặc váy bên bếp lửa ở sàn” họ dẫn nhau lên rẫy với căn chòi đã dựng sẵn. Khi “tâm sự” với nhau, chỉ cần người con gái bỏ chiếc lá mang tên A năng bên hông mình hay trong túi áo là có thể… tránh thai(?!).

Hiệu quả của chiếc lá bí truyền A năng cho đến nay vẫn là một dấu chấm hỏi lớn, song theo những già làng, trưởng bản kể lại thì xưa kia với chiếc lá này, tộc người Vân Kiều, Pa Cô có thể giữ được truyền thống “đi sim” mà không sợ những hệ lụy có thể xảy ra với lớp người tuổi hoa niên trong bản.

Cũng theo các già làng “nhận diện” được chiếc “lá tránh thai” chỉ có những người lớn tuổi trong bản. Thường khi “đi sim”, nếu được bố mẹ đồng ý, người con gái sẽ được gia đình “trang bị” cho chiếc lá A năng làm vật bất ly thân khi bước vào đêm tình “đi sim”. Kết thúc những đêm tình “đi sim”, nếu thấy hợp nhau thì chàng trai về giục bố mẹ mang lễ vật sang nhà gái làm lễ “choõ van” (lễ “bỏ của” chuẩn bị cưới của người Vân Kiều, Pa Cô)…

“Đi sim” thời… hiện đại

Tục “đi sim” thời… hiện đại như cơn lốc cuốn về phía đại ngàn. Trai gái không còn tìm lên rẫy để “đi sim” vào các lễ hội và cũng không còn “nhớ” đến chiếc lá A năng thần kỳ kia nữa. Họ tìm hiểu nhau chóng vánh sau một vài phút trò chuyện rồi dắt nhau ra quán cà phê, quán nhậu bên đường mòn.

Sau khi tìm được “đối tác” họ không trở về “nhà sim” cộng đồng như truyền thống mà đưa nhau lên rẫy, xuống sông, chỗ vắng người để “tự tình”. Với những đêm tình chớp nhoáng, không ít những lời ru buồn của những thiếu nữ khi phải một thân một mình nuôi con còn chàng trai thì “quất ngựa truy phong” về phía núi…

Trời bắt đầu chập choạng tối, chúng tôi có mặt ở tuyến đường mòn Hồ Chí Minh - đoạn đi qua trung tâm xã Tà Rụt. Từ trong các hẻm, những chàng thanh niên “choai choai” với đầu tóc hai màu, quần jeans áo bó sát người tụ tập ngay đầu bản, ngồi phì phèo thuốc lá. Chỉ lát sau, từ trong các căn nhà sàn, những tốp thiếu nữ với chiếc váy truyền thống của người Vân Kiều, Pa Cô bước ra. Họ nhanh chóng làm quen, rồi đùa giỡn với nhau qua vài câu nói.
Mô tả ảnh.
Cán bộ văn hoá Kray Sức, gặp và động viên mẹ con chị Hồ Thị Nôi và Hồ Văn Nam. (Ảnh: Tá Linh)


Những quán nhậu, quán cà phê mọc lên như “nấm sau mưa” ở trung tâm xã là điểm hẹn lý tưởng cho những cặp đôi tình tự. Tại đây, chúng tôi gặp anh Hồ Văm, một chàng trai ở tận bản 2, xã A Bung, cũng theo đám trai làng ra đây “đi sim”.

Văm cho biết: “Bữa nay trai gái 13-14 tuổi là biết đi “sim” rồi. Họ không còn đến nhà sim truyền thống nữa. Lễ hội giữ rẫy một năm chỉ có một lần thôi, “đợi” đến lúc đó trai bản mới có con gái mà “đi sim” thì chán lắm! Thanh niên tụi em bữa nay chỉ thích làm quen trong quán cà phê rồi rủ nhau xuống suối, lên đồi mà “sim” thôi”.

Thanh niên bản mình có còn biết hát Xà Nớt không?- tôi hỏi. Văm xua tay: “Ui, cái đó thì chịu rồi. Bữa nay không cần đi hát vẫn “sim” được con gái mà!”. Chưa dứt câu, Văm đã “lặn” mình vào trong đám trai bản…

Trời chuyển về khuya, tiếng chó cắn ma cứ thưa dần theo bóng dáng của đám trai bản. Nhóm con trai tụ tập hồi nãy đã tản đi khi tìm được “đối tác” thích hợp bắt đầu một “đêm sim”.

“Đi sim thời… hiện đại đã làm nạn tảo hôn diễn ra khá phổ biến ở những bản làng heo hút vùng cao sát biên giới và không ít những trường hợp kết hôn khi tuổi còn rất nhỏ”- Anh Kray Sức, Cán bộ văn hoá xã Tà Rụt nói với chúng tôi khi nhắc đến tục "đi sim". Kray Sức cho biết thêm: “Mặc dù chính quyền xã đã có nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng trên nhưng xem ra không mấy hiệu quả. Trai gái sau khi “đi sim” rồi lén lút cưới nhau hoặc gia đình khai thêm tuổi để được cưới. Nạn tảo hôn không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản mà còn đẩy những hộ gia đình đến cảnh túng quẫn nghèo đói!”.

Lời ru buồn sau núi 
Trong căn nhà sàn xiêu vẹo nằm chênh vênh bên ngọn đồi ở thôn Tà Rụt 2 (xã Tà Rụt, huyện Đakrông), chị Hồ Thị Nôi đang ngồi tách vỏ sắn cùng bé Hồ Văn Nam. Sáng nay chị không lên rẫy vì bé Nam bị sốt ly bì. Thấy chúng tôi, chị mệt mỏi bước xuống bậc thang nhà sàn chào khách. Bé Nam nay đã được 2 tuổi cũng là thời gian mà người tình của chị rời bỏ mẹ con chị khi biết tin chị mang trong mình giọt máu của anh ta.

Nhắc đến nỗi đau bị phụ tình, những giọt nước mắt chực trào dâng, chị kể: “Hồi đó mới nậy (lớn) miềng (mình) dại quá nên tin lời hắn. Hắn bảo hắn yêu miềng, đêm nào cũng dẫn miềng ra suối nói chuyện rồi lên rẫy đi “sim” suốt đêm cho đến sáng mới về nhà. Lúc đi miềng giấu không cho bố mẹ biết, đến khi miềng có thai thì hắn không nói gì chỉ lặng lẽ bỏ đi. Hai năm nay miềng lên rẫy trỉa ngô, sắn nuôi con chứ nhất thiết không đi tìm hắn nữa”.
Mô tả ảnh.
“Đi sim” thời hiện đại dẫn đến nạn tảo hôn, sinh đẻ nhiều làm cho cuộc sống của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều ở các xã vùng biên vốn đã khó khăn nay càng thêm chật vật! (Ảnh: Tá Linh)


Trong câu chuyện buồn về đời chị, chúng tôi thử gặng hỏi về “tung tích” của cha đứa bé, chị lắc đầu nguầy nguậy: “Không nói mô, nói mần chi, hắn đã bỏ đi rồi thì thôi. Miềng muốn được sống yên ổn để nuôi con, không muốn làm phiền bố mẹ vì bố mẹ đã xấu hổ, tủi nhục lắm rồi”. Sau khi người tình bỏ ra đi, đêm nào chị Nôi cũng ôm con ngồi khóc, cha mẹ thương, dựng cho căn chòi trên ngọn đồi heo hút nơi thôn Tà Rụt 2.

Hằng ngày, chị Nôi bỏ con trong A chói địu lên rẫy. Một nắng hai sương, mẹ con cơm cháo qua ngày. Chị tâm sự: “Miềng khổ cũng đã quen rồi. Chỉ tội cu Nam lúc mô cũng bi bô hỏi bố nó đâu…”, nói đến đây, những giọt nước mắt chảy trào rồi khô quắt trên gương mặt khắc khổ của người thiếu phụ.

Ở nơi bản làng heo hút này, những cuộc tình chớp nhoáng như cơn lũ rừng cuốn qua, để lại cho bao phận người nơi đây tận nỗi cùng cực.

Tìm đến thôn KaHẹp, xã Tà Rụt chúng tôi gặp chị Hồ Thị A Rá cùng bé Hồ Thị Xuân. Bé Xuân năm nay 3 tuổi là kết quả của đêm tình “đi sim” giữa chị A Rá và người tình cùng bản.

Trong buổi chiều hoang hoải của núi rừng, chị kể cho chúng tôi nghe về chuyện tình của đời chị. Những năm trước, chị Rá là thiếu nữ đẹp nhất thôn Ka Hẹp thời đó. Hằng đêm, bao nhiêu trai bản đứng rặt dưới chân cầu thang nhà sàn. Trong đám trai bản ở làng bên có người con trai đánh đàn A ben (một nhạc cụ truyền thống của người Pa Cô) và hát điệu Xà Nớt rất hay: “Từ thuở núi rừng còn hoang vu chưa có bóng người/Tôi chưa gặp được em/Bây giờ gặp được em rồi/Tôi thấy yêu em và muốn cưới em về làm vợ/Sau này sướng khổ có nhau...”.

Hằng đêm bên vách nhà sàn, tiếng hát cứ réo rắt, mời gọi. Sau 2 tháng trời “tìm hiểu” qua những đêm tình đi sim, đám trai bản dần dạt đi cả. Chị kể: “Tưởng hắn chân tình nên miềng tin lắm. Hắn bảo hắn yêu miềng, đi sim xong là cưới. Miềng tin hắn nên khước từ bao lời đề nghị của đám trai bản khác. Thế mà giờ hắn bỏ đi khỏi bản biền biệt…”.

Chị Hồ Thị Cam, Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Đakrông cho hay: “Những năm gần đây, tục đi sim đã “biến tướng” khác xưa nhiều. Do ảnh hưởng của những luồng văn hoá xấu từ bên ngoài du nhập vào, như ở xã Tà Rụt còn nhiều trường hợp trẻ em sinh ra không được người cha thừa nhận. Trong số 19 em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn cần được trợ giúp thì có đến 9 em có cha không thừa nhận hoặc bị bỏ rơi. Những hộ gia đình này hiện nay có cuộc sống rất khó khăn, nguy cơ đối diện với thiếu đói”

  • Tá Linh

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty