Thanh Quang, phóng viên RFA, Bangkok
2010-04-16
Trong hai ngày qua, nhiều dân oan tại Nghệ An biểu tình phản đối chính quyền địa phương cưỡng chiếm đất đai, nhà cửa của họ.
Không những thế, chính quyền địa phương còn thực hiện hành động mà họ cho là "nhiều sai phạm" của giới cầm quyền trong các vấn đề từ tiền lương, tù đày oan trái cho tới tình trạng thiệt thòi của thương binh liệt sĩ trong tỉnh.
Nhiều nỗi oan trái
Cũng giống như mọi khi, và mọi nơi trong nước, khoảng 60 dân oan từ nhiều huyện trong tỉnh Nghệ An, thậm chí từ vùng xa xôi giáp ranh với Lào, đã bị đùn đẩy từ Ủy ban Nhân dân Tỉnh đến Trụ sở Tỉnh Ủy, nơi họ cáo giác là bị tiếp đón bằng súng, bị công an xô đẩy, không cho vào bên trong các cơ quan đầu não của tỉnh để khiếu kiện.
Một cư dân ở Nghệ An đấu tranh mạnh mẽ và kiên quyết cho dân oan, là chị Hồ Thị Bích Khương, mô tả: "Đúng là Trụ sở Tiếp dân của Tỉnh Ủy đã tiếp dân bằng súng. Họ đem súng ra cản nhân dân, đe dọa nhân dân".
Một dân oan khác, ông Trần Văn Huy, nhận xét: "Những người thương binh biểu tình hôm qua (thứ Năm 15/4) và hôm nay, có những người bị mất một chân, một cánh tay, đi khiếu kiện để đòi lại công bằng cho chính họ và cho xã hội nói chung, nhưng CS ngày nay, sau khi giành được chính quyền rồi, thì quay lại tiếp chúng tôi bằng súng."
Nhân dân Nghệ An đứng lên đấu tranh cho CS có được ngày hôm nay. Nhưng 35 năm sau chính CS quay ngược lại cướp đất đai của chúng tôi.
Dân oan Trần Văn Huy
Theo lời kể lại của các dân oan, thì sau cùng rồi một quan chức từ trong cơ quan Tỉnh Ủy cũng xuất hiện, hứa hẹn suông rằng sẽ chỉ đạo cho Ủy ban Nhân dân tỉnh giải quyết, và yêu cầu họ sang bên đó. Tới giờ hẹn, người dân khiếu kiện kéo sang bên đó thì chỉ thấy "Cửa Quan" im ỉm, trong tình trạng cửa đóng then gài.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, một dân oan đến từ huyện Nghĩa Đàn của tỉnh Nghệ An than phiền rằng: "Hôm nay tôi đi biểu tình. Bên Tỉnh Ủy có nói với dân oan là sẽ tiếp dân. Tôi chờ cho mãi đến tối, nhưng không vào cơ quan này được."
Và bà cho biết thêm về nỗi gian truân của mình trong 5 năm khiếu kiện sau khi nhà của bà bị giới cầm quyền địa phương cho người đập phá: "Tôi đi kiện đã 5 năm rồi. Nhưng thực tế thì ông chủ tịch Lê Phúc Anh thị xã Thái Hòa cấp một lúc 5 miếng đất cho ông Hồ Bá Điều.
Hiện tại là cướp mất đường, rồi phá nhà, xây một khách sạn cao tầng. Trong khi phá nhà tôi, tôi chạy kêu CA thì họ bảo là đất của ông Điều, nên không can thiệp. Nhà tôi bị ông Chủ tịch Lê Phúc Anh cho ông Hồ Bá Điều cắt mất nửa nhà tôi. Tôi đi kiện 5 năm nay từ địa phương lên trung ương, nhưng thực tế là họ đùn đẩy, không giải quyết."
Trường hợp bà Dư Thị Lúc gặp rắc rối từ năm 1995 khi giới chức địa phương cướp mất 5 sào đất mà gia đình bà khai hoang và sở hữu từ năm 1974, khiến bà và nhiều người con lâm cảnh túng thiếu. Bà Dư Thị Lúc cho biết: "Mẹ con tôi quá là oan trái. Mẹ con tôi làm đơn khiếu kiện lên nhờ cấp trên giải quyết. Nhưng chính quyền thì "trắng trở làm đen còn đen thì làm trắng". Mẹ con tôi không biết kêu van vào ai."
Hoặc trường hợp ông Hồ Văn Thái sau bao nhiêu năm canh tác hoa màu thì bị điều mà ông gọi là "kẻ xấu phá hoại", khiến ông bị mất đất, mất trâu, con bị tù tội. Ông Hồ Văn Thái nói thêm: "Nhà cầm quyền CS đã cướp thêm toàn bộ gần gấp hơn 5 lần mà tòa án đã quy tội phi pháp cho Hồ Văn Phán (con trai) và gia đình tôi. Cho đến nay tôi đã mệt mõi vì khiếu kiện, mất hết tài sản. Giới cầm quyền CS chưa có ai đứng ra giải quyết cho tôi."
Vừa rồi là những trường hợp dân oan tiêu biểu ở tỉnh Nghệ An. Dân oan Trần Văn Huy nhận xét về hành động của giới cầm quyền địa phương: "Thực chất sự việc ở đây đều liên quan đến đất đai. CS bằng mọi cách dụ dỗ và bằng mọi phương pháp cướp đoạt quyền sử dụng đất của chúng tôi để trao cho người khác dưới danh nghĩa xây dựng một dự án. Nhưng dự án này 3-4 năm sau vẫn nằm đó, và đất bị cưỡng chiếm vẫn bị bỏ oan."
Bây giờ dân bị oan ức kinh khủng, còn bọn cán bộ làm hại dân khắp cả nước rồi. Tôi đại diện cho đảng CS đi kêu oan cho dân. Nó ăn cướp đất của dân.
Đảng viên Phạm Văn Minh
Và ông cay đắng nhận xét đó là "một nỗi nhục cho một dân tộc. Truyền thống Nghệ An là một truyền thống đấu tranh, không bị lệ thuộc ngoại bang. Nhân dân Nghệ An đứng lên đấu tranh cho CS có được ngày hôm nay. Nhưng 35 năm sau chính CS quay ngược lại cướp đất đai của chúng tôi."
Những đảng viên cũng bất bình
Tình cảnh của dân oan, và nhiều nỗi oan trái khác, khiến cả những đảng viên đảng CS cũng không khỏi bất bình, trong số đó có đảng viên Phạm văn Minh. Ông Minh cáo giác: "Cán bộ của Đảng CS bây giờ đã hỏng hết rồi. Họ biến Đảng CS thành "ma quỷ", làm cho dân khổ. Nói tóm lại chế độ của CS bây giờ hỏng hết rồi. Bây giờ dân bị oan ức kinh khủng, còn bọn cán bộ làm hại dân khắp cả nước rồi. Tôi đại diện cho đảng CS đi kêu oan cho dân. Nó ăn cướp đất của dân."
Có lẽ đó cũng là một trong những lý do mà chị Hồ Thị Bích Khương lâu nay ra sức giúp dân oan tranh đấu phục hồi những quyền chính đáng của họ. Và chị lưu ý về mục tiêu của cuộc biểu tình hai ngày qua là " nhằm phản đối tất cả sai phạm của giới cầm quyền CS, từ đất đai, tiền lương cho tới tù đày oan sai, những thiệt thòi của thương binh liệt sĩ…"
Chị Hồ Thị Bích Khương cho biết thêm là chị "rất bất bình với chế độ này. Hiện tại dân oan cả nước tràn lan" và chị "đã gia nhập Khối 8406 đấu tranh cho quyền tự do, dân chủ, quyền làm người của dân tộc VN để làm sao đất nước đổi mới, nhân dân có được quyền con người."
Thanh Quang tường thuật từ Bangkok, Thái Lan.
No comments:
Post a Comment