Mười bảy năm trước, trên báo Lao Động đã có một bài viết ngắn về tiến sĩ kinh tế Phan Tường Vân khá xúc động. Câu chuyện là bài học về một nhà nghiên cứu không tìm đúng chỗ đứng của mình
>> Đường hoà nhập của nhân sĩ chế độ cũ: kỳ 1, kỳ 2
Loạt bài trên Tuần Việt Nam nhân kỷ niệm 35 năm sự kiện lịch sử 30/4 gây nhiều ấn tượng. Đặc biệt các bài viết về sự tham gia của một số trí thức sống ở miền Nam trước năm 1975 vào quá trình chuyển đổi của nền kinh tế là một biểu hiện sinh động của tinh thần hòa hợp vì sự nghiệp chung. Có người đóng góp công khai, có người thầm lặng, nhưng không phải tất cả đều suôn sẻ, trong số đó có tiến sĩ kinh tế Phan Tường Vân, người từng làm trợ lý cho thủ tướng của chính quyền Sài Gòn trước đây và cũng là thành viên của Nhóm thứ Sáu sau này.
Mười bảy năm trước, trên báo Lao Động đã có một bài viết ngắn về anh khá xúc động sau đây dưới tựa đề: "Người thật, việc thật mà... không thật"(*).
* * *
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hôm 15/10/1993, Tòa sơ thẩm đã xét xử một vụ án kinh tế gây xúc động cho nhiều người. Ra trước vành móng ngựa là một nhà nghiên cứu có học vị cao: Phan Tường Vân, 57 tuổi, tiến sĩ kinh tế tốt nghiệp tại Mỹ, từng làm việc cho chế độ cũ, học tập cải tạo về. Thời cuộc đưa đẩy ông tiến sĩ làm quyền giám đốc một xí nghiệp đời sống cấp phường - phường 3, quận Gò Vấp, rồi lãnh án tám năm tù về những sai phạm ở cương vị đó.
Anh bị truy tố vì hai tội: "Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa" và "cố ý làm trái qui định nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Đại khái, câu chuyện "dấn thân" của nhà khoa bảng này có thể tóm lược đôi điều: Thời kỳ 1987 - 1988, nền kinh tế vừa thoát khỏi vòng vây bao cấp, cả nước bung ra sản xuất kinh doanh một cách vô trật tự. Theo cái đà đó, Ủy ban Phường 3 Quận Gò Vấp cũng cho ra đời một xí nghiệp đời sống huy động vốn để hoạt động. Nhưng ai làm giám đốc bây giờ? Cán bộ trong chính quyền thì không làm được vì "kẹt" nguyên tắc, bất chợt người ta nghĩ đến cái ông tiến sĩ kinh tế vừa đi học tập cải tạo về được mấy năm và đang cần việc làm ổn định.
Trong hoàn cảnh như thế, thân phận bọt bèo ấy làm sao có thể từ chối được "sự tín nhiệm" cùng những lời động viên chân thành của chính quyền địa phương? Thế là ông tiến sĩ kinh tế trở thành nhà kinh doanh bất đắc dĩ, phụ trách một xí nghiệp đời sống cỏn con như để chứng minh cho thái độ cống hiến của người trí thức khi xã hội cần. Khổ nỗi, bên dưới anh là một bộ máy mang tính tập thể chung chung, trong đó nổi bật lên có trưởng phòng kế hoạch, người thường xuyên "đạo diễn" nhiều thương vụ mà những sai phạm đã đưa giám đốc Phan Tường Vân vào tù do chữ ký của anh gắn liền với trách nhiệm về những hợp đồng làm ăn không có khả năng thanh toán. Số nợ lên đến cả tỷ đồng, nhân vật chủ chốt là trưởng phòng kế hoạch đã cao bay xa chạy, xí nghiệp giải thể. Ông tiến sĩ ôm trọn gói nợ.
Sau gần ba tháng bị tạm giữ, anh được về nhà. Trong khi chờ đợi ra tòa lãnh án, ngày ngày trên chiếc xe đạp, áo sờn vai, chân mang dép, anh đi lại nhiều nơi làm tư vấn kinh tế cho các công ty để kiếm tiền nuôi hai con nhỏ, vì vợ anh đã dứt áo ra đi, quay lưng với ông chồng nghèo khó.
Mười năm nay rồi, bạn bè chưa bao giờ thấy anh khá lên được, ngay cả lúc làm đến chức quyền giám đốc Xí nghiệp đời sống cấp phường mà hậu quả là ra tòa với tội danh "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa". Đứng về mặt luật pháp, cứ căng ra thì phán quyết của tòa đúng rồi. Tòa án làm chuyện công minh, nhưng e cũng khó biết được cái ông trí thức phạm tội ấy đã "chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa" cho ai? Còn những bạn bè thân thiết thì dám đoan chắc ông là người trong sạch, cuộc sống trước sau vẫn nghèo xơ xác, bây giờ lấy tiền đâu mà bồi thường 790 triệu đồng cho 12 xí nghiệp!
Đó là con người đáng thương hơn đáng tội, một nạn nhân chứ không phải là kẻ chủ mưu. Không chỉ là nạn nhân của người cộng sự mà còn là nạn nhân của một tình hình nhiễu nhương trong làm ăn vào những năm cuối thập niên 80. Anh ngây thơ đến mức không thể hiểu rằng vào thời kỳ 1987-1988 làm ăn chụp giật, phải là những tay lì lợm mới vượt qua khỏi cơn sóng dữ. Anh không phải là tay lì lợm, cũng không phải là người có đầy đủ thuộc tính của nhà kinh doanh. Anh ảo tưởng rằng tri thức trong sách vở có khả năng thắng được mánh mung, lường gạt. Anh không học thuộc được câu của người đời: "Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy".
Cái môi trường làm ăn bát nháo đó hoàn toàn không phù hợp với một nhà nghiên cứu như anh. Anh đã chọn sai điểm rơi của sự cống hiến, không như trước đây liên tục bảy năm anh làm chuyên viên kinh tế cho Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, dù chỉ là một thứ công việc tạm bợ qua ngày.
Có điều gì đó hơi tắc nghẹn trong lời nói cuối cùng trước Tòa, anh vẫn còn ray rứt về thái độ đóng góp của người trí thức. Anh là một thực thể trong phiên tòa, bản án dành cho anh là một thực tế, nhưng có điều gì đó không thực là bị cáo Phan Tường Vân, dù có ít nhiều sai phạm, nhưng tội danh "chiếm đoạt tài sản XHCN" vẫn không đúng với bản chất con người anh.
Đó là bài học rút ra cho một nhà nghiên cứu không tìm đúng chỗ đứng của mình.
* * *
Câu chuyện của tiến sĩ Phan Tường Vân gây bức xúc cho nhiều người, một số trí thức đã có thư thỉnh nguyện gửi đến các cấp lãnh đạo đề nghị xem xét lại bản án. Và vào ngày cuối năm trước Tết, anh đã được trở về với gia đình sau gần bốn tháng ngồi tù.
Sau đó tiến sĩ Phan Tường Vân đã tham gia giảng dạy tại đại học Văn Lang và là Phó khoa Kinh tế - Thương mại của trường dân lập này. Anh đã qua đời cách đây hơn 3 năm, để lại biết bao thương tiếc cho bạn bè một thời gian gắn bó.
------------------
* Bài viết của tác giả Trần Trọng Thức - Báo Lao Động 19/10/1993
Ảnh minh hoạ: Trọng Khiêm (Đại lộ Đông Tây)
No comments:
Post a Comment