- Đoàn Chủ tịch hỏi xem trong hội trường có ai ứng cử Bí thư hoặc đề cử ứng viên mới. Hầu hết đại biểu đều nói "không" hoặc "thôi", thể hiện sự đồng thuận cao.
>> Hà Nội: Ngày dài bầu trực tiếp bí thư huyện đầu tiên
Với 151/153 phiếu, Bí thư quận Tây Hồ Trần Huy Sáng, 51 tuổi, tiếp tục tái đắc cử vào chức vụ Bí thư nhiệm kỳ 2010 - 2015. Ông Sáng là Bí thư quận ủy đầu tiên của Hà Nội được đại hội bầu trực tiếp.
1 ứng viên
Trong phiên làm việc ngày hôm qua (5/7), phần bầu trực tiếp Bí thư kéo dài hơn một tiếng đồng hồ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trong bài phát biểu trước khi Đại hội bầu nhân sự lưu ý: "Dù đề án nhân sự đã được Ban chấp hành khóa cũ chuẩn bị nghiêm túc, được Thành ủy thông qua, nhưng Đại hội mới là nơi thẩm định, nói tiếng nói cuối cùng với vấn đề nhân sự. Các yêu cầu, tiêu chuẩn chọn nhân sự đã được nêu rất đầy đủ".
Theo quy trình, sau khi bầu xong Ban chấp hành Đảng bộ khóa mới (Đại hội giới thiệu 46 người, bầu ra 39 người), Đại hội bắt đầu tiến hành lấy phiếu giới thiệu Bí thư quận ủy tại hội trường.
Kết quả cho thấy, Bí thư quận ủy Trần Huy Sáng tiếp tục được 150/153 đại biểu đại hội giới thiệu vào chức vụ Bí thư khóa mới. Ông Sáng cũng nhận được 100% sự đồng thuận từ Ban chấp hành Đảng bộ mới.
Có 76/153 đại biểu dự Đại hội từ 50 tuổi trở xuống. Trong đó có 3 đại biểu dưới 35 tuổi. Đại biểu trẻ nhất 25 tuổi, già nhất 69 tuổi. |
Đoàn Chủ tịch cũng công bố, ông Sáng đã được quy hoạch cho chức danh Bí thư lần này. Trong đề án nhân sự, Ban chấp hành khóa cũ gửi lên Thành ủy Hà Nội cũng đã giới thiệu ông Sáng cho chức danh Bí thư khóa mới và đề xuất này đã được phê duyệt.
Trước khi tiến hành bỏ phiếu, đoàn Chủ tịch hỏi xem trong hội trường có ai ứng cử Bí thư, hoặc thậm chí đề cử thêm ứng viên mới. Tuy nhiên, đáp lại là những tràng cười râm ran phía dưới. Và hầu hết đại biểu đều nói "không", hoặc "thôi", thể hiện sự đồng thuận cao.
Vậy là, trong danh sách chỉ có duy nhất ứng viên Trần Huy Sáng được Đại hội giới thiệu để bỏ phiếu.
Và kết quả, ông Sáng tái cử với 151/153 phiếu (98,69%).
Buổi sáng cùng ngày, khi Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ khóa mới, ông Sáng chỉ nhận được 94% số phiếu bầu, xếp sau nhiều người khác.
Giải phóng mặt bằng: khâu đột phá nhiệm kỳ mới
Ngoài công tác nhân sự, ĐH còn thảo luận nhiều vấn đề kinh tế - xã hội khác.
Nhận xét về các tham luận của đại biểu dự ĐH, ông Nghị hoan nghênh "tinh thần tự phê bình của các đảng viên, nhiều yếu kém, khuyết điểm đã được nêu".
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh vị thế, tiềm năng của một quận trung tâm và mong muốn ĐH thảo luận tìm phương hướng xây dựng Tây Hồ thành "viên ngọc quý giữa lòng Thủ đô".
Ông Phạm Quang Nghị cũng thẳng thắn đề xuất một yêu cầu thiết thực là "mong quản lý và phát huy tốt giá trị mọi mặt của Hồ Tây. Từ mặt nước, đường dạo, cây xanh, công trình, bảo vệ môi trường".
Theo Bí thư Hà Nội, "nếu không quyết tâm làm tốt việc bảo vệ, quản lý, khai thác nguồn lợi và phát huy giá trị của Hồ Tây thì với các nhiệm vụ khác cũng khó lòng làm tốt".
Một nhiệm vụ quan trọng khác là hết sức coi trọng xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh.
"Đây cũng là bài học quan trọng của quận Tây Hồ những năm qua. Thành công hay không cũng là vì chính quyền trong sạch, vững mạnh hay không. Chúng ta đã phải tập trung rất nhiều công sức để giải quyết các vụ khiếu kiện kéo dài liên quan đến cán bộ cơ sở không trong sạch", ông Nghị nói.
Bí thư Hà Nội đồng tình với việc quận Tây Hồ tiếp tục chọn "giải phóng mặt bằng" là khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới. Vì Tây Hồ là nơi được thành phố đầu tư nhiều dự án trọng điểm như đường dạo xung quanh Hồ Tây, quy hoạch phát triển Hồ Tây và vùng phụ cận, đường Vành đai 2, cầu Nhật Tân...
"Phải thẳng thắn thừa nhận những sai phạm của dân, chủ đầu tư đều có sự tham gia, bao che, tiếp tay của cán bộ tiêu cực trong bộ máy. Nếu chỉ xử lý sai phạm của dân mà không xử lý tương xứng sai phạm của cán bộ thì không khắc phục được hạn chế. Yêu cầu các cấp ủy Đảng phải trực tiếp lãnh đạo, giám sát việc giải phóng mặt bằng", ông Nghị nói.
Hôm nay (6/7), Đại hội tiếp tục làm việc, bầu đại biểu đi dự ĐH đại biểu thành phố.
Thành ủy Hà Nội chọn 11 đơn vị thực hiện thí điểm Đại hội bầu trực tiếp bí thư cấp ủy, với 7 Đảng bộ quận, huyện: Tây Hồ, Hà Đông, Từ Liêm, Gia Lâm, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Ứng Hòa và 4 Đảng bộ các TCT. Đảng bộ quận Tây Hồ và huyện Từ Liêm được chọn tổ chức đại hội điểm để rút kinh nghiệm. |
-
Lê Nhung - Ảnh: Lê Anh Dũng
No comments:
Post a Comment