Ngày 28-8, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức họp báo công bố các quyết định của Chủ tịch nước đặc xá cho 17.210 phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù và 310 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
Theo ông Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, có 17.210 phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù được hưởng đặc xá. Việc đặc xá tiến hành nghiêm minh, chặt chẽ, công khai, dân chủ, đảm bảo công bằng, đúng đối tượng và đúng điều kiện đã quy định. Đồng thời, đặc xá cũng thể hiện, ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy chế của phạm nhân ở các trại giam, trại tạm giam. Điều này cũng khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, nhà nước, truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, chấp hành cải tạo để sớm hoàn lương, trở thành người có ích cho xã hội.
Ngày gặp lại của phạm nhân trong một lần đặc xá tại trại tạm giam Chí Hòa, TP.HCM. Ảnh: HTD
Sau khi các phạm nhân được đặc xá thì các tổ chức xã hội, địa phương và gia đình cần có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để những người được đặc xá sớm hòa nhập với cộng đồng, ổn định cuộc sống, phấn đấu để trở thành người có ích cho xã hội. "Tuyệt đại đa số người được đặc xá đã có ý thức hoàn lương, hướng thiện, nhanh chóng tái lập cuộc sống cộng đồng, nhiều người đã có cuộc sống ổn định, thành đạt và tích cực tham gia vào các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm và các hoạt động từ thiện, được xã hội đánh giá cao" - ông Sơn cho hay.
Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết thêm, trong đợt này, Chủ tịch nước cũng đã quyết định đặc xá cho 20 phạm nhân phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và 37 phạm nhân quốc tịch nước ngoài. Theo Thượng tướng Tiệm, trong số 37 phạm nhân nước ngoài có 12 phạm nhân mang quốc tịch Trung Quốc, ba Pháp, hai Mỹ. Theo danh sách các phạm nhân Trung Quốc được đặc xá chủ yếu phạm các tội mua bán phụ nữ; vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới; giết người cưỡng đoạt tài sản và tàng trữ, vận chuyển mua bán trái phép vật liệu nổ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài về trường hợp của phạm nhân Nguyễn Văn Lý không có trong danh sách được đặc xá, ông Tiệm cho biết phạm nhân này đã được tạm đình chỉ thi hành án phạt tù. Nếu ông Lý không tiếp tục vi phạm pháp luật thì vẫn sẽ được ở lại địa phương, không có gì phải tiếp tục thi hành án.
Vấn đề hậu đặc xá là vấn đề lớn Chính phủ và Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương rất quan tâm. Ông Tiệm cho biết trong quá trình phạm nhân thi hành án, các trại giam đã dạy chữ, dạy nghề để tạo mọi điều kiện để khi đặc xá ra tù họ có công ăn việc làm. Trước khi có danh sách đặc xá, trại cũng tổ chức học về nghề, tình hình chính trị-xã hội và trách nhiệm của họ khi trở về sẽ làm gì… để họ ứng xử đúng và tái hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chính quyền các tỉnh, thành phố triển khai tạo mọi điều kiện để người được đặc xá sớm hòa nhập cộng đồng.
Xem xét trách nhiệm của chánh án TAND Đồng Nai Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về xử lý trách nhiệm của chánh án TAND tỉnh Đồng Nai trong việc đề nghị xét đặc xá cho ông Nguyễn Hoàng Huynh - nguyên chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu và ông Thái Văn Nghĩa - nguyên trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Cửu (Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh), ông Đặng Quang Phương - Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao cho biết: Việc đề nghị đặc xá cho hai phạm nhân trên là không đúng. TAND Tối cao cũng đang xem xét việc làm của chánh án TAND tỉnh Đồng Nai là do cố tình làm sai hay hiểu sai các quy định của pháp luật. Nếu cố tình làm sai sẽ xem xét xử lý trách nhiệm. |
THÀNH VĂN
No comments:
Post a Comment