Thứ Tư, 1.9.2010 | 08:27 (GMT + 7)
(LĐ) - Gần cuối đời, ông Trần Trinh Đức - con trai của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy - tìm về quê hương sinh sống. Không nghề nghiệp, không đất đai, ông sống tạm trong ngôi nhà do một doanh nghiệp thương tình cho mượn cùng với vợ và người con gái bị tâm thần.
Tài sản có giá trị duy nhất hiện tại của ông là chiếc xe gắn máy để chạy xe ôm kiếm sống trước cửa nhà hàng - khách sạn mang tên "Công Tử Bạc Liêu".
Bị lấy nhà, quay về quê cha
Rất tình cờ tôi gặp con trai công tử Bạc Liêu ngay tại khuôn viên của ngôi nhà "Công Tử Bạc Liêu". Vẫn nét phong độ pha lẫn phong trần trên khuôn mặt của người đàn ông tuổi đã quá 60, bằng giọng trầm buồn ông kể: "Trước đây tôi sống tại căn nhà số 44/5 phường 6, quận Bình Thạnh, TPHCM, do một người tốt bụng cho ở nhờ để hành nghề chạy xe ôm. Sau khi bà ấy mất, con cái bán căn nhà này nên tôi không còn chỗ ở nữa. Đầu tháng 7.2010, tôi về quê cha sống ở căn nhà trên đường Trần Huỳnh, phường 7, thị xã Bạc Liêu do một doanh nghiệp cho mượn".
Thật ra sau khi công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy mất, tài sản để lại không nhiều, nhưng vẫn còn một số căn nhà tại TPHCM. Anh em ông Trần Trinh Đức chia nhau bán để lấy vốn làm ăn. Sau nhiều phen thất bại chốn thương trường, ông lặn lội qua tận Campuchia mua bán đồ cũ, nhưng cũng chẳng khá. Điều bất hạnh hơn, đứa con gái của ông sau một vụ tai nạn đã bị bệnh tâm thần. Ông quay về TPHCM với tài sản có giá trị nhất là chiếc xe gắn máy để hành nghề chạy xe ôm nuôi cả gia đình.
Tháng 7.2009, trong một chuyến về Bạc Liêu giỗ cha, ông nảy sinh ý định xin UBND tỉnh một căn nhà để làm chỗ thờ cha. Do không nằm trong bất cứ diện nào để xét chọn cấp nhà nên Sở Xây dựng và UBND tỉnh Bạc Liêu trả lời, nếu ông có yêu cầu về Bạc Liêu, sẽ xem xét cất nhà tình nghĩa cho ông ở để thờ cha mình. Tuy nhiên, điều thúc đẩy ông Đức về Bạc Liêu không phải là việc UBND tỉnh cấp nhà tình thương mà là việc một doanh nghiệp thương tình đứng ra hứa cấp đất, xây phủ thờ tại vị trí đẹp nhất của dự án.
Sự thật về việc con trai công tử được cấp nhà
DN đó là Cty CP địa ốc Bạc Liêu, còn người đứng ra kêu gọi ông Trần Trinh Đức quay về là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Chí Luận. Ông Luận cho biết:
Ông Trần Trinh Đức - con trai công tử Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ |
"Tôi muốn ông Đức về đây là bằng tình cảm cá nhân, bằng sự quý mến về phong cách của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy, hoàn toàn không vì mục đích kinh doanh. Tôi dành cho ông Đức một diện tích đất tại khu Hồ Nam của dự án với yêu cầu cất nhà 3 gian theo kiểu xưa để sưu tầm và trưng bày những hiện vật và phủ thờ Công tử Bạc Liêu. Anh Đức ở đây và có quyền mua bán để kiếm sống. Nói thật, nghe con trai Công tử Bạc Liêu chạy xe ôm kiếm sống tại TPHCM, là một doanh nghiệp, tôi cũng thấy xót".
Dù thực tế là vậy, nhưng vào thời điểm bấy giờ có nhiều tờ báo đưa tin con trai Công tử Bạc Liêu được cấp đất tại Cty CP địa ốc. Thậm chí còn nêu sau khi nhà được xây dựng xong, ông Đức được Cty CP địa ốc trả lương 5 triệu đồng/tháng.
Cho đến nay dự án xây dựng phủ thờ Công tử Bạc Liêu tại Cty CP địa ốc Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn. Ông Đức không có tài sản gì ngoài chiếc xe gắn máy và danh xưng con trai Công tử Bạc Liêu trong khi việc vận động các mạnh thường quân bỏ tiền ra cất nhà hiện mới dừng lại con số 70 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chí Luận cho biết thêm: "Tôi khẳng định là chưa bao giờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Trần Trinh Đức. Phần đất tôi dự kiến làm phủ thờ Công tử Bạc Liêu là cho ông Đức mượn với thời gian 50 năm".
Như vậy ông Trần Trinh Đức hiện tại vẫn chưa có nhà ở, việc làm. Ông cho biết, sẽ cầm chiếc xe gắn máy tiếp tục chạy xe ôm ngay quê hương mình. Bởi nếu không chạy xe ôm thì lấy gì nuôi vợ cùng đứa con tâm thần để tiếp tục chờ đợi dự án phủ thờ chưa biết chừng nào xây dựng xong.
Hơn 2 tháng về đất Bạc Liêu, ông được giám đốc Nhà hàng - khách sạn Công Tử Bạc Liêu thương tình cho 50 kg gạo. Ông ngậm ngùi: "Tôi rất lấy làm buồn khi người ta nói "đời cha ăn mặn, đời con khát nước". Nhưng tôi nghĩ mình còn có quê hương nên cuối đời về đây sống bằng tình thương của mọi người. Chắc chắn người ta chẳng giúp tiền bạc cho mình mãi được. Phải tự cứu mình bằng nghề cũ thôi".
Công tử Bạc Liêu ngày xưa giàu có, ăn chơi thế nào tôi không được biết, nhưng trước mặt tôi là con trai ông đang không nghề nghiệp, không nhà cửa, phải gánh vác một gia đình với đứa con gái không bình thường. Dự án phủ thờ Công tử Bạc Liêu với bao nhiêu viễn cảnh vẫn còn nguyên đó. Tôi thấy tội cho ông. Càng tội hơn khi có ai đó xúi giục ông làm hồ sơ xin lại căn nhà, bởi ai cũng biết đây là căn nhà của ông hội đồng Trần Trinh Trạch đã được Nhà nước quản lý từ sau năm 1945.
Nhật Hồ
No comments:
Post a Comment