TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Saturday, September 4, 2010

Vụ lấp mộ: Chính quyền có "vẽ đường cho hươu chạy"?

Trong vụ án này, nếu điều tra tận gốc rễ để đưa ra ánh sáng của pháp luật thì vấn đề sẽ không trở nên phức tạp.

LTS: Xung quanh câu chuyện đổ phế thải "lấp mộ" gây dư luận bất bình trong xã hội, mới đây, Tuần Việt Nam phỏng vấn PGS. TS Nguyễn Văn Dững- Phó Trưởng khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) về chủ đề hệ quả của những vấn nạn xã hội, và trách nhiệm của những cán bộ trong cơ quan công quyền.

Đổ phế thải lấp mộ: Khi đạo đức bị nhấn xuống bùn

Pháp luật không nghiêm sẽ sinh ra hệ lụy

Những người lái xe tải gây ra vụ việc vừa rồi sắp bị truy tố. Cá nhân ông có những nhìn nhận thế nào về vụ việc này?

- Sự việc đã gây tác động lớn trong dư luận xã hội, trong đời sống tinh thần, tình cảm nhân dân. Đây là sự chà đạp lên lương tâm và đạo lý của con người, của dân tộc. Điều đó chẳng phải bàn cãi. Tuy nhiên tôi thấy rằng những kẻ đó chà đạp đã đành, đằng này cách giải quyết cũng không triệt để sẽ dễ gây ra nhiều hệ lụy.

Mà hệ lụy này đã không còn là điều quá mới mẻ. Lâu nay khi xảy ra sự vụ gì đó, chưa thấy người ta đưa những người có trách nhiệm chính ra xử lý triệt để, chủ yếu là xử lý hình thức trong nội bộ, khiển trách, cảnh cáo, thuyên chuyển. Đây là một cách làm không nghiêm. Khi luật pháp không nghiêm thì đạo đức bị xuống cấp là chuyện không khó hiểu.

Ví dụ như vụ công an đánh chết người, tại sao lại chỉ vì không đội mũ bảo hiểm mà đánh chết một con người? Trong khi Bộ Công an đã có hướng dẫn cụ thể khi nào nên hay không nên truy đuổi. Pháp luật nghiêm nghĩa là phải công bằng và nghiêm minh với tất cả mọi người, phải xử lý tội phạm dù họ là ai và ở cương vị nào.

Nhưng khi nói đến các vi phạm, người ta thường nhắc đến 'ý thức người dân', trong việc cụ thể này là ý thức của các tài xế lái xe đổ phế thải lên mộ người ta, vậy thực chất 'ý thức người dân' là gì?

PGS. TS Nguyễn Văn Dững, Ảnh Hoàng Hường
- Ý thức người dân cũng bắt đầu từ bộ máy. Bộ máy công quyền là rường cột của quốc gia. Bộ máy đó phải nghiêm về luật pháp và sáng về đạo đức thì người dân mới noi theo. Nếu các vụ việc vi phạm pháp luật bị khởi tố và xử lý ngay thì mới đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp, dân sẽ tin; chứ cứ để mãi, kéo dài và...."khó xử" thì sẽ ra sao.

Trong xã hội người ta phải tuân thủ những chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực đạo đức. Giá trị đạo đức và chuẩn mực luật pháp đều là giá trị văn hóa. Vậy nên khi nói đến ý thức người dân, ta cần quan tâm đến, phải nói đến vấn đề thực thi luật pháp- "sống và làm việc theo pháp luật" của công dân, trước hết là công dân trong bộ máy công quyền.

Xin ông nói rõ hơn?

- Chúng ta thường mặc định trong cách nói là người dân ý thức kém (trong nhiều vấn đề xã hội), như vi phạm luật giao thông, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ... đó là một thực tế. Nhưng khi bàn đến cách giải quyết những vấn đề xã hội bao giờ cũng phải tìm đến nguyên nhân của nó.

Tại sao trẻ em, thanh thiếu niên lại đánh nhau, "xử" nhau, đâm chém nhau có chiều hướng gia tăng; tại sao công chức nhà nước cấp vụ trưởng trưởng, phó vụ trưởng mà vẫn xử lý mâu thuẫn cá nhân bằng cách thuê côn đồ.... Chắc chắn đó là những người đạo đức kém, nhưng sâu xa hơn, sao ta không xét đến nguyên nhân vì sao họ lại hành xử như thế?

Vì sao họ lại tự xử để phải đưa vụ việc thành ầm ĩ. Phải chăng họ không tin vào cách hành xử của tổ chức có trách nhiệm, vào tổ chức cơ sở? Nếu tin vào tổ chức, tin vào bộ máy công quyền thì người ta phải đặt vấn đề với tổ chức, với công quyền. Phải chăng đó là do những người có trách nhiệm đôi khi cũng vì việc nọ, việc kia mà không xử lý hoặc xử lý sai lệch... để người dân mất niềm tin. Mà vấn đề này có thể gia tăng, lan rộng sang nhiều lĩnh vực.

Mọi trật tự xã hội đều nằm trong tay Nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm tổ chức và duy trì trật tự xã hội chứ tại sao lại chỉ đẩy cho dân, dân chỉ là một phần. Chừng nào chúng ta nhận thức và tự chịu trách nhiệm rõ ràng thì vấn đề sẽ dần được giải quyết tốt hơn.

Nhìn lại trật tự giao thông, có đô thị nào- thậm chí là thủ đô một nước trên thế giới lại ngổn ngang và lắm xe máy đến thế? Lại cho phép - thậm chí khuyến khích lắp ráp xe máy ngoại ngay giữa Thủ đô, nhưng lại cấm xe máy để vỉa hè. Bài toàn này dân giải sao được? Có phải là "thả gà ra để đuổi"?

Hay vỉa hè không cho để xe máy, mà xe máy không để vỉa hè thì để đâu? Mà xe máy để vỉa hè thì người đi bộ tính sao đây? Người ta kinh doanh thuê nhà mặt đường một tháng mấy chục triệu mà bắt buộc để xe máy trong nhà, trong khi thuế vẫn thu đầy đủ cả các loại thuế? Quản lý nhà nước như thế là tốt cho dân hay làm khó cho dân?

Ảnh chụp hiện trường giải tóa Nghĩa trang Đường Mía, các phần hài cốt bị tung lên được nhặt vào thùng xốp, Ảnh do người dân Dương Nội cung cấp

Đạo đức là văn hóa mà pháp luật cũng là văn hóa

Lập luận như vậy, mọi vấn đề trong đạo đức xã hội đều được áp cho bộ máy quản lý?

- Nguyên nhân suy thoái đạo đức xã hội thì người ta nói nhiều, và có thể từ góc độ khác nhau, ai cũng biết, nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu từ kinh tế thị trường là do mâu thuẫn lợi ích. Tại sao người ta đổ đất lên mồ mả như thế, là vì lợi ích, vì dự án, lấy đất cho bằng được để làm dự án, để xây những khu nhà ở và bán thu lợi nhuận...

Trong những cuộc lấy đất làm dự án, hoặc công cuộc đô thị hóa này, người thiệt thòi nhất vẫn là người nông dân, đền bù cho người ta mấy trăm ngàn, thậm chí là mấy chục ngàn 1m2, và thu siêu lợi nhuận. Nguồn lợi thu được- lợi ích vào Nhà nước được bao nhiêu phần trăm để phân phối lại cho dân và kiến thiết quốc gia, hay phần lớn vì lợi ích nhóm?

Tất nhiên việc đổ đất lấp mồ mả không thể phủ nhận đó là cách ứng xử phi đạo đức, phi nhân văn, nhân tính. Phải giải quyết vấn đề này từ đâu, giải quyết từ vấn đề pháp luật và đạo đức xã hội. Nhưng đạo đức xã hội phân ra nhiều đối tượng khác nhau, trong bối cảnh hiện nay ta đặc biệt chú trọng đến đạo đức công chức, công vụ vì đó là bộ phận nhân dân được đào tạo và chọn lọc tuyển chọn cẩn thận, có trọng trách giải quyết các vấn đề đang bàn tới.

Khi thực hiện một chính sách, một dự án người ta tính cả hai phía chủ yếu là pháp luật sau đó là đạo đức - các vấn đề xã hội. Để xử lý hài hòa pháp luật và đạo đức thì chúng ta đã có thông điệp nhà nước "của dân, do dân, vì dân", "lấy dân làm gốc". Tức là chính quyền phải dựa vào dân, bàn thảo với dân, chứ không phải chính quyền cơ sở quay lưng làm ngơ và giả vờ như không biết như trường hợp lấp mộ mới đây.

Không ít nơi chính quyền cơ sở có biểu hiện chuyên quyền và mạo danh thay mặt dân, nhưng xa rời dân, thậm chí quay lưng lại với dân. Mà lẽ ra cán bộ là những người có chức có quyền thì phải tuân thủ pháp luật, phải đề cao đạo đức thì mọi vấn đề mới được giải quyết triệt để. Đầu năm người ta không di dời được mộ thì phải lùi lại, phải đưa ra lộ trình để người dân còn có thời gian di dời mồ mả thì mới là cư xử có văn hóa. Bởi vì trong trường hợp này, lấy đất có phải vì công trình quốc gia hay lấy cho doanh nghiệp xây nhà để bán? Đạo đức là văn hóa mà thậm chí pháp luật cũng là văn hóa.

Việc chĩa mũi nhọn vào những người lái xe tải- những kẻ trực tiếp làm việc bất lương là đúng. Nhưng xét cho cùng đó chỉ là những cái lá sâu. Những người chịu trách nhiệm chính là những người làm dự án, những người chịu trách nhiệm ở chính quyền cơ sở. Lẽ ra chính quyền cơ sở là người đứng ra bảo vệ lợi ích của dân, bàn bạc thỏa thuận với dân để giải quyết vấn vấn đề này, nhưng liệu họ có ngấm ngầm "chỉ đường cho hươu chạy", chà đạp lên giá trị đạo lý của dân tộc.

Vấn đề này cơ quan chức năng cần có điều tra công tâm. Nhưng như lời ông phó chủ tịch phường nói như trên thì người ta đã "ngửi" được mùi vị rồi. Ta phải điều tra, xét xử những người đó nữa mới tận gốc.

Tại sao khi nhìn một cây sâu bệnh người ta không hỏi vì sao mọi cây xung quanh tốt mà cây này lại không tốt. Đúng bề ngoài là tại lá, tại cây, nhưng nguyên nhân sâu xa của nó là gì? Mà thông thường những nguyên nhân sâu xa đó, người ta lại ngại nói, chủ yếu vì khó thu thập chứng cứ. Mà thu thập chứng cứ - gọi là điều tra, là việc của cơ quan chức năng. Và đó còn là tâm lý chung của xã hội hiện nay - tâm lý sợ nói ra vì những hệ lụy có thể.

Trong trường hợp này, có thể nhìn thấy rõ ba bên: Nhân dân địa phương, doanh nghiệp và chính quyền cơ sở. Doanh nghiệp thì nguyên tắc họat động của họ là nguồn thu tối đa và chi phí tối thiểu, để thu lợi nhuận. Các Mác đã nói là nhà tư bản, lợi nhuận 300% thì có treo cổ nó vẫn làm.

Câu hỏi đặt ra là chính quyền làm sao lại không nói chuyện được với dân mình, không đáp ứng được nhu cầu và lợi ích hợp pháp của dân trong khi chính quyền là do dân bầu, là nơi gần dân sát dân, là đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân? Chính quyền đứng về phía doanh nghiệp, đi ngược lại với lợi ích nhân dân thì tất nhiên dân phản đối, khiếu kiện. Khi doanh nghiệp "bắt tay" với chính quyền để xâm hại lợi ích người dân thì người dân chỉ có mỗi một công cụ có thể, là khiếu kiện.

Theo dư luận xã hội mấy hôm nay, vụ đổ phế thải lên những ngôi mộ, thì phải truy về chủ dự án, về đơn vị thi công, về chính quyền sở tại. Chủ doanh nghiệp để lái xe đổ vào đó là phi đạo đức, nhưng cũng phải nói lại là không chủ doanh nghiệp nào dám tự ý đổ vào đó mà không có "bật đèn xanh"!? Cá nhân lái xe càng không dám làm việc đó một cách có hệ thống, lặp lại nhiều như thế.

Trong vấn đề đạo đức xã hội vừa nêu, ông thấy vấn đề nào nổi cộm nhất và cần giải quyết triệt để?

- Thật ra, vấn đề đạo đức xã hội không thể giải quyết một sớm một chiều, nó là một quá trình lâu dài. Mấu chốt vẫn là pháp luật phải nghiêm, tội phạm phải bị trừng phạt, còn đạo đức thì phải giáo dục và làm gương. Pháp luật không nghiêm thì đạo đức xã hội càng đáng báo động. Về nguyên tắc là không được để xe máy xuống lòng đường nhưng đó chỉ là khi có thanh tra giao thông, còn khi thanh tra giao thông đi qua thì mọi chuyện lại đâu vào đấy.

Đó một phần là do ý thức người dân nhưng cơ bản là những người thực thi pháp luật cơ sở chưa nghiêm. Trong vụ án này, nếu điều tra tận gốc rễ để đưa ra ánh sáng của pháp luật thì vấn đề sẽ không trở nên phức tạp. Nói lại vấn đề bảo vệ môi trường, tại sao có nhiều xí nghiệp, nhiều công ty mà đại diện như Vedan lại có thể đổ nước thải không qua xử lý ra sông Thị Vải bao nhiêu năm mà không bị phát hiện. Trong quá trình thiết kế công trình, tiến hành thi công xây dựng, rồi duyệt dự án, rồi thanh tra kiểm tra sao không phát hiện sai phạm gì trong bao nhiêu năm? Phải chăng là có sự bao che hay làm ngơ?

Tóm lại là luật không nghiêm, bộ máy công quyền làm việc không nghiêm, không làm gương thì không nên nói nhiều đến 'ý thức người dân' hay đạo đức xã hội. Không nên đẩy vấn đề ra "ngoài đường" mà chính mỗi cơ quan, mỗi tổ chức phải giải quyết ngay tại cơ sở mình.

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty