Chủ nhật, 28/11/2010, 09:19 GMT+7
|
Người già và trẻ em là những mục tiêu săn lùng mới của các mạng di động lớn. Ảnh minh họa: T.H |
Nguồn tin từ Viettel cho biết, mạng di động này đang thử nghiệm gói cước dành cho trẻ em tại Hà Nội và dự kiến sẽ tung ra phiên bản mới vào tháng 12. Trong khi Viettel vẫn còn đang nghiên cứu thì MobiFone đã tung ra thị trường một gói cước kèm máy di động chuyên biệt cho trẻ em có tên Mobikid. Chiếc di động Mobikid có 4 phím với 4 số di động mặc định để trẻ chỉ cần bấm vào nút là gọi được chứ không cần nhấn số. Các số di động mặc định trên phím sẽ do thuê bao của bố mẹ cài đặt.
Một điểm đặc biệt khác của Mobikid là bố mẹ có thể biết được con mình ở đâu. Theo đó, bố mẹ xác định 6 địa điểm cần kiểm tra và khi con mình đến các vị trí này thì thuê bao Mobikid tự động nhắn tin vị trí tới máy di động của bố mẹ. Chưa hết, máy di động của bố mẹ có thể cài đặt thời gian bật tắt, hạn chế thời gian cuộc gọi của máy con….
Đại diện của MobiFone cho biết: "Trên thực tế, nhu cầu của nhóm khách hàng từ 5-9 tuổi là thụ động, và chủ yếu xuất phát từ bố mẹ. Vì thế, điện thoại chuyên biệt cùng gói cước Mobikid được thiết kế giúp bố mẹ giữ liên lạc nhưng cũng đồng thời có thể giám sát con cái".
Trao đổi với VnExpress.net, một chuyên gia am hiểu về di động tiết lộ, việc phát sinh gói cước chuyên biệt cho trẻ em với quyền đăng ký thuộc về bố mẹ còn có lý do liên quan đến chứng minh thư nhân dân. Theo quy định, chỉ có những người đủ tuổi làm chứng minh thư mới được đăng ký thuê bao di động trong khi nhu cầu trên thị trường đã xuất hiện cho lứa tuổi nhỏ hơn. Cũng vì thế, bố mẹ đăng ký gói cước Mobikid sẽ giúp con được dùng di động mà không vướng quy định về đăng ký thông tin.
Chuyên gia viễn thông này bổ sung, với lứa tuổi từ 10-15 tuổi, dù chưa có chứng minh thư nhân dân nhưng đã không còn thuộc vào diện dùng điện thoại thụ động. "Các em nhỏ từ 10-15 tuổi đã có nhu cầu dùng di động bình thường như người lớn và thường mua 'chui' các gói cước ưu đãi dành cho tuổi teen hoặc dùng sim trả trước đăng ký sẵn", ông này nói.
Trong khi thị trường di động cho trẻ em mới chỉ một mạng di động chính thức có sản phẩm thì người già đã có 2 mạng di động "săn lùng". Cả MobiFone và VinaPhone đều đã tung ra thị trường gói hòa mạng dành cho người già với máy đầu cuối có chức năng chuyên biệt.
Loại máy này có màn hình lớn, phím bấm to gấp 2-3 lần thông thường, giúp người già có thể nhìn và bấm rất dễ dàng. Bên cạnh đó, máy còn có phím SOS để phòng trường hợp khẩn cấp. Khi người già nhấn nút này, máy sẽ tự động gửi tin nhắn tới những số điện thoại được định trước để báo tình trạng khẩn. Máy cũng hỗ trợ 2 đèn pin siêu sáng để giúp người già di chuyển khi trời tối…
Hai mạng di động này bán gói hòa mạng là 790.000 đồng nhưng bao gồm cả máy và sim với số tiền có sẵn trong tài khoản là 260.000 đồng, kèm việc cộng 16.500 đồng mỗi tháng vào tài khoản liên tục trong 20 tháng liên tục. Chưa hết, khách hàng nạp thẻ còn được cộng 50% giá trị cho 10 lần nạp đầu tiên… Đại diện của cả 2 mạng di động này cho biết, nhóm khách hàng người già là thị trường mới nên cần có sự kích thích mạnh mẽ với những chương trình khuyến mại lớn ban đầu. Vì thế, mức giá bán gói hòa mạng (gồm điện thoại và sim ưu đãi) được hãng viễn thông trợ giá rất nhiều
Nguồn tin từ Viettel cho biết, mạng di động này sẽ nhanh chóng đưa ra thị trường gói cước tương tự dành cho người già trong tháng tới. "Chúng tôi cũng sẽ nhập các loại máy tương tự và nghiên cứu các tính năng mới, bổ sung cho các khách hàng mình", một lãnh đạo của hãng này cho biết.
Theo số liệu tổng hợp các hãng viễn thông, chỉ tính đến cuối tháng 10, số lượng thuê bao di động đăng ký của Việt Nam đã lên tới 150 triệu, trong khi dân số chỉ khoảng 86 triệu người. "Con số thuê bao di động đăng ký không phản ánh số lượng người dùng thực tế nhưng cho thấy, thị trường di động đang dần đạt đến mức bão hòa. Vì thế, việc các mạng di động tìm cách 'vét' đến lớp khách hàng cuối cùng như người già và trẻ em thể hiện sự cạnh tranh đã lên đến mức rất cao của thị trường viễn thông Việt Nam", một lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông bình luận.
Hoàng L
y
No comments:
Post a Comment