Trung Quốc đang đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống đường sắt xuyên Á của mình. Ảnh: FT
|
SGTT.VN - Thời gian gần đây, báo chí trong nước lẫn
nước ngoài đồng loạt đưa tin: Trung Quốc đang triển khai xây dựng hệ
thống đường sắt xuyên Á của mình, trong đó sẽ có hai tuyến đường sắt cao
tốc xuyên qua địa phận Việt Nam.
Điều này khiến nhiều người hồ nghi, phải chăng hai tuyến này sẽ do Trung Quốc xây dựng “giúp” Việt Nam?
Ngày 27.1, trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một lãnh đạo
cục Đường sắt Việt Nam (bộ Giao thông vận tải) cho biết, đúng là có
chuyện sẽ khởi công hai tuyến đường sắt nói trên, nhưng không phải do
Trung Quốc bỏ tiền làm cho ta mà tự phía Việt Nam phải bỏ tiền ra xây
dựng. Đó là hai tuyến từ TP.HCM – Lộc Ninh và tuyến Vũng Áng – Mụ Giạ
(Hà Tĩnh).
“Đây là hai tuyến đã được đưa vào quy hoạch phát triển
giao thông đường sắt Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Hai tuyến này cũng trùng với hướng tuyến đường sắt xuyên Á (do Trung
Quốc vạch tuyến) mà các nước ASEAN đã ký kết tham gia với Trung Quốc.
Tuy nhiên, tuyến chạy qua địa phận nước nào thì sẽ do nước đó tự bỏ tiền
xây dựng”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.
Sơ
đồ trên báo Bangkok Post về mạng lưới đường sắt cao tốc kết nối Trung
Quốc với ASEAN. Đường màu xanh là hệ thống đường sắt hiện hữu, màu đỏ là
đang xây hoặc sẽ xây. Ảnh: BP
|
Cụ thể, theo báo cáo nghiên cứu khả thi, tuyến TP.HCM –
Lộc Ninh dài 128,49km, được xây dựng theo khổ 1m với 12 ga, điểm đầu là
ga Dĩ An (Bình Dương) và điểm cuối là ga biên giới Hoa Lư (Bình Phước).
Tổng mức đầu tư dự kiến 438 triệu USD. Hiện tuyến này đã được cục Đường
sắt phối hợp với tổng công ty xuất nhập khẩu thiết bị cơ giới Trung
Quốc và tổng công ty xây dựng Đường sắt Trung Quốc hoàn thành báo cáo
nghiên cứu khả thi dự án. Tuyến thứ hai là tuyến Tân Ấp – Vũng Áng – Mụ
Giạ nối với Lào có chiều dài 119km, khổ 1m. Trên tuyến cũng có 12 ga,
tổng mức đầu tư khoảng trên 4.500 tỉ đồng.
Tuy nhiên, cục Đường sắt Việt Nam khẳng định, đến nay
cả hai dự án này chưa có quyết định đầu tư nên chưa biết khi nào sẽ
triển khai và hoàn thành.
Cũng liên quan đến tuyến đường sắt xuyên Á, được biết,
Chính phủ Việt Nam cũng đang giúp Chính phủ Lào nghiên cứu lập dự án xây
dựng tuyến đường sắt Thà Khẹt (Lào) đến Mụ Giạ (Việt Nam) sau đó kết
nối với đường sắt quốc gia từ Tân Ấp – Vũng Áng.
Một vấn đề khác được dư luận quan tâm nữa là, cả hai
tuyến này đều được xây dựng với khổ 1m theo tiêu chuẩn của đường sắt
Trung Quốc, với vận tốc tàu lưu thông khoảng 100 – 120km/h, như vậy có
được gọi là đường sắt cao tốc? Vẫn theo lãnh đạo nói trên, tốc độ tuỳ
định nghĩa từng nước, có nước tốc độ 100km/h cũng gọi cao tốc. “Cái đó
không hoàn toàn mang tính quốc tế, mà mỗi quốc gia có khái niệm khác
nhau. Nhưng như ở Việt Nam mình thì phải 300km/h mới gọi là đường sắt
cao tốc”, vị này cho hay.
Trung Đức
Tin bài liên quan:
No comments:
Post a Comment