TT - Từ “mê tín” được từ điển Wiktionary định nghĩa như
sau: 1. (danh từ) Lòng tin không căn cứ, cho rằng có những sự việc nhất
định đem lại hạnh phúc hoặc gây ra tai họa. 2. (động từ) Tin một cách
mù quáng.
Nhiều nạn nhân ngất xỉu trong lúc vượt rào vào xin ấn đền Trần tối 16-2 tại Nam Định |
Tôi cho rằng: Mê tín nằm trong một dãy trạng thái tâm
lý nhân loại, từ “niềm tin” qua “tín ngưỡng”, đến “mê tín”. Các trạng
thái này tất nhiên nương tựa nhau, chuyển hóa nhau. “Mê tín” có thể bị
tăng tiến hoặc được thuyên giảm nhờ “niềm tin” được điều chỉnh, mà sự
điều chỉnh ấy lại là kết quả tác động của nhận thức, của tri thức.
Ở VN, cũng đã có những giai đoạn, các chuẩn “duy lý”
thông tục bị thô thiển hóa đã lấn át những tập quán và tín ngưỡng cổ
truyền, đẩy chúng vào khu vực hoạt động giấu giếm, phi pháp.
Tình hình đã khác đi từ thập niên cuối cùng của thế kỷ
20, khi các lễ hội xưa dần dần được phép hoạt động công khai trở lại,
hơn thế còn trở thành niềm hứng khởi của cả dân gian lẫn các giới quan
chức, bởi chúng được coi như nguồn bổ sung cho những niềm tin đang lung
lay trước các làn sóng văn minh của thời đại.
Song chính sự tái bùng nổ của lễ hội cũng chính là
nguồn khích lệ cho sự trỗi dậy của các loại “mê tín” vốn chưa bao giờ
rời bỏ cộng đồng cư dân từ thượng cổ đến hiện tại vốn chủ yếu chỉ sống
với nghề nông, phụ thuộc vào nắng mưa ấm lạnh của thời tiết và những
biến động xã hội mà người ta khái quát thành sức mạnh của ông Trời.
Hầu hết các lễ hội đều gắn với những “mê tín” nhất
định, mà một trong những biểu hiện nổi bật là ở khát vọng của công chúng
thủ đắc những “tín vật”, “linh vật” nhất định.
Nắm được “bí kíp” này, các nhà tổ chức các loại lễ hội
khác nhau đều đang ra sức khai thác tâm lý mê tín của công chúng, làm
sống lại những “linh vật”, “tín vật” vốn có từ xa xưa, thậm chí “sáng
tác” ra những “linh vật”, “tín vật” mới.
Tờ giấy hoặc mảnh vải có đóng “quốc ấn” (tân tạo) quân
chủ, chiếc túi đựng một ít hạt ngũ cốc được xem là “lộc” của triều đình
quân chủ... - ấy là những “linh vật” được phục chế từ những tín điều đã
tồn tại thời quân chủ: tin vào vận may do vua quan ban phát, xem nó là
“lộc trời”, “lộc vua” - một niềm tin mà chẳng biết do định hướng nào,
các nhà tổ chức lễ hội ngày nay lại muốn khơi dậy trong tâm thức cư dân
hiện đại? Giá trị văn hóa truyền thống ư? Loại “giá trị” tuân phục, cầu
lộc rơi lộc vãi từ các vua quan - đâu phải hệ giá trị cần được dung
dưỡng trong thời đại của các nguyên lý dân chủ, công bằng, văn minh?
Hơn thế, các nhà tổ chức lễ hội hiện đại ở ta còn muốn
“sáng tác” ra những “linh vật”, “tín vật” mới, như là vừa muốn làm sống
lại vừa muốn tạo thêm càng nhiều càng hay những sinh hoạt của thời trung
đại trong ý thức và đời sống của cư dân.
Một điều đáng nói là hầu hết những lễ hội kể trên đều
gắn với hoạt động tham dự, thậm chí chủ trì của quan chức cao cấp, hoặc
do các tổ chức chính thống chủ trì, với tư cách những lễ hội chính thống
ở tầm quốc gia. Tức là những tín ngưỡng, những “mê tín” ấy đã mặc nhiên
được đóng dấu quốc gia.
Trong một tình thế như vậy, không khó để thấy trước
rằng tâm lý chuộng “mê tín” ngày càng gia tăng. Bởi khi giới quản lý xã
hội, quản trị cộng đồng cũng mang những niềm tin, “tín ngưỡng”, “mê tín”
ngang với mức của công chúng dân cư, thì không có cách gì làm vơi bớt
hay phai nhạt sự “mê tín” của số đông cư dân được cả.
LẠI NGUYÊN ÂN
No comments:
Post a Comment