Sâu biển xuất hiện và gây hại nhiều năm nay tại vùng biển Kiên Giang - Ảnh: T.Trình |
"Nhà báo ở đây đợi tới trưa, người ta đi đổ lưới về sẽ thấy sâu biển nhiều không thể tả", anh thanh niên tên Mãi, chạy đò dọc tại cửa biển Thứ 9 (xã Thuận Hòa, H.An Minh, Kiên Giang) mô tả về một loài vật có gai xấu xí, từ lâu trở thành nỗi ám ảnh đối với người đi biển trong khu vực. Loài vật có lưng màu đen phủ đầy gai, bụng màu trắng, di chuyển dưới nước nửa giống sâu, nửa giống con đỉa. Vì thân hình của chúng giống sâu nên người dân ở đây gọi là sâu biển.
Sâu biển thường bắn gai vào những ai chạm phải chúng và gây mẩn ngứa, sưng tấy do trúng độc, nên dân đi biển rất ngại khi chạm phải. Nhưng tới mùa chúng xuất hiện dày đặc nên người làm nghề biển không sao tránh khỏi.
Những ngư dân ở đây cho biết sâu biển thường xuất hiện từ tháng giêng, khi độ mặn nước biển lên cao, với mật độ ngày càng dày đặc, kéo dài cho đến mùa mưa thì hết. Vào lúc cao điểm, người dân kéo lưới gặp phải sâu biển nhiều hơn cả hải sản. Nhiều người bị ám ảnh đã bỏ luôn mẻ cá, thậm chí có người phải bỏ nghề lưới.
Thế nhưng, bao nhiêu đó chưa là nỗi khổ lớn nhất mà sâu biển gieo rắc cho ngư dân trong vùng biển Kiên Giang. Tuy thân hình chỉ dài từ 10 cm - 15 cm, nhưng chúng có miệng rất to và có khả năng nuốt chửng khối lượng thức ăn lớn hơn nhiều thân hình bình thường của chúng. Nhiều năm liền chúng đã "đổ bộ" vào tàn sát vùng nuôi thủy sản gần bờ của ngư dân, gây cho người dân nuôi sò, nuôi hến ở vùng biển thuộc hai huyện An Minh, An Biên bao phen điêu đứng. Bị sâu biển tàn phá, nhiều gia đình từ chỗ khấm khá đã rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.
|
Điều này thấy rõ nhất khi chúng tôi đến các xã Nam Yên, Nam Thái của huyện An Biên. Khu vực này từ lâu nổi tiếng với các bãi sò và bãi hến (dùng làm thức ăn cho tôm nuôi). Tuy vậy, chúng tôi tới đâu cũng gặp cái lắc đầu bất lực của người dân. Anh Nguyễn Văn Đoàn (ấp Ba Biển B, xã Nam Yên) nói nhà anh trước kia làm ăn khấm khá với nghề nuôi hến. Nhờ mấy năm trúng mùa, cha con anh đã sang nhượng lại quyền khai thác các bãi cạn với diện tích lên đến 100 ha. Nhưng chỉ sau mấy mùa bị sâu biển tàn phá, đến năm nay không còn đủ hến giống để thả nuôi. Anh Đoàn nói có năm sâu biển "nuốt" hết trên 70% số hến nuôi trong bãi của gia đình. Sau nhiều năm thất bát, gia đình anh đã bỏ luôn nghề nuôi hến.
Nhiều năm bị sâu hại, người dân ở đây đã bắt đầu đúc kết kinh nghiệm, tranh thủ thả sò, thả hến không trùng với thời điểm sâu xuất hiện. Như năm nay, nhiều hộ dân tranh thủ thả sò từ sớm, đến thời điểm này đã được 7-8 tháng, sò lớn cỡ 800 con/kg... Tuy nhiên, vấn đề là nhiều hộ dân sau nhiều năm bị sâu biển tấn công bãi hến đã không còn đủ vốn để tái sản xuất. Nhiều người phải vay nợ bên ngoài với lãi suất cao, khó có khả năng trả. Ông Luốt cho biết huyện An Minh đã làm việc với các cơ quan, trong đó có các ngân hàng để bàn cách gỡ cho dân. Sắp tới, xã sẽ thành lập Tổ hợp tác sản xuất và phát triển kinh tế biển để ngoài chuyện để các hộ dân hỗ trợ nhau sản xuất, còn tính đến khả năng tìm nguồn vay vốn phù hợp để người dân có điều kiện tiếp tục sản xuất… |
Nhiều người dân địa phương cho biết nghề nuôi hến ở đây một thời gian rất phất nhờ "bỏ một vốn lấy bốn lời". Nhờ vậy mà nhiều gia đình đã xây nhà khang trang, mở rộng sản xuất. Kinh tế đang phất lên thì bắt đầu từ 5 năm trở lại đây, "dịch" sâu biển xuất hiện. Ban đầu chúng chỉ gây thiệt hại 10 - 20% nên người nuôi hến vẫn còn có lãi. Nhưng dường như càng ngày chúng càng đông hơn, nhiều bãi hến bị tàn phá sạch. Nhiều người gom góp vốn liếng của nhiều năm mua hến giống thả nuôi gặp ngay trận sâu biển tàn phá đến cụt vốn.
Ông Huỳnh Văn Ngọt, Phó ban Nhân dân ấp Sáu Biển, cho biết chỉ riêng ấp của ông đã bị thiệt hại trên 7 tỉ đồng. Mấy năm trước, gia đình ông Ngọt đầu tư 500 triệu để nuôi hến. Thả từ tháng 7 năm trước đến tháng 2 năm sau vẫn phát triển tốt. Đến ngày thu hoạch thì hến rớt giá, chỉ còn khoảng 45 ngàn đồng/thúng. Ông Ngọt không vội thu hoạch mà ghìm đợi giá lên. Mấy ngày sau, khi giá hến lên 60 - 70 ngàn/thúng thì bãi hến nhà ông bị sâu biển ăn sạch. Còn theo lời ông Phan Ka Luốt, Chủ tịch UBND xã Nam Thái, vụ hến năm rồi người dân trong xã thất thu trên 10 tỉ đồng vì sâu biển phá hại.
Tiến Trình
No comments:
Post a Comment