Người Việt đã di cư đến Thái Lan từ nhiều thế kỷ. Nói chung, họ được đón tiếp tử tế và được khuyến khích dùng sở trường của mình để có thu nhập. Tuy vậy, những người đến vào khoảng năm 1945 lại bị kỳ thị và gặp khó khăn đáng kể suốt đời. Đáng tiếc, câu chuyện về họ không hẳn được biết đến nhiều vì nhiều người đã sống bí mật ở Thái Lan. Tôi lần đầu tiên làm nghiên cứu thực địa bằng việc phỏng vấn một số người nhập cư và con cháu họ, cùng một cựu sinh viên người Việt, vào năm 2005 – đúng 60 năm sau 1945, một điểm nhấn có thể cần được đánh dấu. Trong bài viết này, tôi sẽ cung cấp một vài thông tin về những gì chúng tôi tìm thấy. Lý do nhập cư Vào cuối Thế chiến Hai, nhiều người dân ở Đông Nam Á hy vọng giai đoạn thực dân kéo dài làm họ đau khổ sẽ đến hồi chấm dứt. Nhưng cố gắng của nhà nước Pháp nhằm tái lập Đông Dương thuộc Pháp là đòn giáng mạnh. Hàng ngàn người tìm cách trốn chạy chiến tranh, hoặc kéo về miền Nam Trung Hoa, hoặc đi theo sông Mekong vào Thái Lan. Nhiều người muốn quay lại chiến đấu cho tự do và họ đã nhiều lần bí mật qua lại dòng sông Mekong. Những người khác thì tái lập cuộc sống mới ở đất nước mới. Người Thái suốt nhiều thế kỷ đã chào đón người Việt vào nước họ. Thế hệ mới này – được gọi là Yuon Op Pha Yop – nói chung cũng được dân chúng đón tiếp như vậy, mặc dù chính quyền, đặc biệt giới chức quân sự, thì có thái độ khác. Trong một thời gian ngắn, Thủ tướng Thái, Dr Pridi Banomyong, người có quan hệ tốt với Hồ Chí Minh, đem lại môi trường thân thiện cho người tị nạn Việt. Nhưng không may, Dr Pridi bị lật đổ năm 1947, bị thay bằng một chính thể ủng hộ quyền lợi của Mỹ và vì thế sau đó, miễn cưỡng tạm dung người Việt. Hàng ngàn người Thái có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản và tham gia chuẩn bị cho cách mạng suốt 30 năm tiếp theo. Lo ngại xảy ra một cuộc cách mạng, chính quyền Thái ra luật khắt khe cấm chủ nghĩa cộng sản, tự do lập hội, tự do ngôn luận, tiến hành thiết quân luật dọc đường biên giới phía đông của Thái. Nhiều điều trong các đạo luật đó đến nay vẫn còn tồn tại. Với sự hợp tác của quân Mỹ, đường xá, sân bay được xây dựng nối vùng đông bắc Isaan với Bangkok để quân đội có thể di chuyển nhanh chóng trên toàn quốc và kiểm soát các vùng xa xôi, bao gồm những tỉnh có người Việt sinh sống. Quy định được lập ra bắt buộc người Việt đăng ký ở một tỉnh nhất định và không được đi đến các vùng khác của vương quốc. Người Việt không được có vị trí chính thức, không được học trường công và không được nói tiếng Việt. Tại vùng Isaan dọc sông Mekong và ở vùng biên giới phía đông giáp ranh Campuchia, hàng ngàn người Việt đăng ký sống ở đó, và hầu hết vẫn ở lại cho đến hôm nay. Những vùng này khi đó còn heo hút, và bị an ninh Thái xem là nơi trú ẩn của cộng sản nước ngoài và người Thái có xu hướng lật đổ. Các chiến dịch đàn áp nặng tay diễn ra và đa số dân đều hứng chịu nghi ngờ. Cuộc đời bí mật
Có lẽ vấn đề chính lâu dài cho người nhập cư Việt là giáo dục cho con cái. Những người sinh ra ở Thái đa số vẫn không được phép đến trường hay vào đại học. Một cách đi vòng là họ đành bỏ con cho những gia đình Thái – Việt đã có hộ khẩu chính thức nuôi dưỡng. Để học tiếng và truyền thống Việt, trẻ em cần phải đi vào các ngôi nhà một cách lén lút. Một số cha mẹ không thể chấp nhận rủi ro đó và vì vậy, con họ không nói được tiếng Việt, cũng không có mấy liên hệ với quê nhà. Tiếng Việt chỉ được nói bên trong gia đình một cách bí mật. Cho mãi đến thập niên 1970, Việt Nam và Thái Lan mới có quan hệ ngoại giao, và vì thế không có sự hỗ trợ chính thức nào cho người nhập cư. Các hội đoàn phi chính thức được thành lập để truyền tin và giúp dạy nghề. Những người tôi gặp kể ra nhiều lĩnh vực mà họ cho là người Việt có thể có việc làm. Ví dụ nghề sửa xe máy, máy lạnh, và họ nói tại nhiều thị trấn ở Thái Lan, người Việt vẫn còn nắm giữ những dịch vụ này. Hiện tại Quan hệ ngoại giao Việt – Thái năm 1976 đã giúp quản lý vị thế pháp lý của người nhập cư, mặc dù chuyện này vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Việc cả hai nước đều là thành viên Asean đem lại thêm một diễn đàn đối thoại. Tuy vậy, vẫn chưa thấy có viễn cảnh về một thỏa thuận lao động giữa hai nước và quan hệ vẫn lắt léo vì những vụ như âm mưu đánh bom Sứ quán Việt Nam ở Bangkok năm 2001. Vấn đề chính giữa hai nước vẫn là việc đa số người Việt ở Thái Lan chưa có địa vị pháp lý chính thức. Quá nhiều người buộc phải trốn tránh trong gần 60 năm, nên không lạ là nhiều người không dám cho biết sự có mặt của họ vì sợ trừng phạt. Dẫu vậy, Sứ quán Việt Nam tỏ ra lạc quan về tương lại. Khi nào có đủ nhiều các trường hợp tích cực, người ta hy vọng tin tức sẽ lan truyền ra cho cộng đồng. Một số nhỏ doanh nghiệp Việt Nam muốn làm ăn ở Thái Lan, nhưng vẫn ở tầm mức nhỏ. Đa số đầu tư hải ngoại của Việt Nam đang nhắm vào Lào. Còn đầu tư của người Thái ở Việt Nam không thật quan trọng so với tổng mức đầu tư hải ngoại của các công ty Thái, nhưng nó vẫn còn nhiều hơn là mức đầu tư của Việt Nam tại đây. Vị trí đặc biệt Thế hệ người nhập cư Việt Nam 1945 có vị trí đặc biệt trong lịch sử Đông Nam Á. Sự đau khổ lặng thầm của họ suốt nhiều thập niên nêu bật tổn phí con người từ các ý thức hệ cạnh tranh cấp nhà nước. Một khi các chính quyền có hình thức đối thoại và hợp tác mới, rủi ro mà những người khác gặp vấn đề tương tự sẽ giảm đi. Mặc dù sẽ chẳng bao giờ có đền bù cho những người đã chịu khổ, nhưng sẽ thật bất công nếu câu chuyện của họ không được biết đến rộng rãi hơn. Vào năm 2015, dự kiến sẽ ra đời Cộng đồng Kinh tế Asean, trên lý thuyết sẽ cho phép người dân Đông Nam Á dễ dàng tìm việc ở các nước khác. Cho dù có lý do để chưa biết mọi sự có diễn ra như kế hoạch, nhưng đây cũng là cơ hội cho những người nhập cư lâu năm tìm lại liên lạc với người thân và cộng đồng, nếu họ muốn. Đây sẽ là cơ hội được một số người hoan nghênh, mặc dù có lẽ sẽ có một số người Việt nhập cư đã phải phủ nhận lịch sử của mình quá lâu và nay sẽ không muốn quay lại nữa. Tiến sĩ John Walsh đang dạy ở Đại học Shinawatra thuộc tỉnh Pathumthani của Thái Lan. |
TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG |
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn
Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure
Search This Blog
Monday, July 4, 2011
Thế hệ người Việt 1945 ở Thái Lan
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment