sự ổn định khu vực và an toàn hàng hải. Nếu vậy thì Trung Quốc cũng sẽ
không thể gây hấn, nếu tính đến tổn thất phải trả.
Chủ ý gây xung đột quân sự với Việt Nam như lời đe doạ trên tờ thời
báo Hoàn cầu chưa có khả năng xảy ra. Vì vậy không có gì lạ là ngay
sau khi đe doạ dùng vũ lực chống Việt Nam vào ngày 21.6.2011 trên báo
này thì hai nước đã họp mặt cấp cao tái tuyên bố tôn trọng 16 chữ vàng
trong ngày 25.6.2011. Trung Quốc đang chơi hai lá bài nóng lạnh theo
kiểu bất định (randomizing strategies), làm Việt Nam mất phương hướng
(indifference).
Hai lá bài nóng lạnh
Trung Quốc đang chơi hai lá bài nóng lạnh theo kiểu bất định, làm Việt
Nam mất phương hướng. Ảnh: tàu ngư chính 311 của Trung Quốc tham gia
vụ cắt cáp tàu Viking 2 của Việt Nam ngày 9.6.2011. Ảnh:
Hai sự kiện chỉ cách nhau có bốn ngày với những tín hiệu hoàn toàn đối
nghịch nhau từ phía các cơ quan Trung ương của Trung Quốc. Sự kiện sau
là dấu hiệu tích cực, cho thấy sự giảm nhiệt trong khu vực. Nhưng nếu
nhìn kỹ hơn, tình hình hoàn toàn không đơn giản.
Hãy điểm lại các sự kiện gần đây nhất: hôm 26.5.2011, chỉ vài ngày
trước thềm hội nghị thượng đỉnh về an ninh khu vực Shangri-La, tàu
Bình Minh 2 bị cắt cáp. Sáng ngày 9.6.2011, ngay sau cuộc gặp bên lề
hội nghị (mà phía Trung Quốc nhấn mạnh cam kết xử lý tranh chấp hoà
bình và gìn giữ tình hữu nghị Trung – Việt), Trung Quốc lại chủ đích
cho ba tàu bán vũ trang tấn công, cắt cáp tàu Viking 2 của Việt Nam.
Khi hội thảo an ninh hàng hải trên Biển Đông đang diễn ra tại
Washington (trong hai ngày 20 – 21.6.2011) thì Trung Quốc chính thức
đe doạ dùng vũ lực chống Việt Nam trên tờ Hoàn cầu (ngày 21.6.2011).
Tiếp theo, ngày 25 – 26.6.2011, trong cuộc gặp mặt cấp cao Trung –
Việt, Trung Quốc tái khẳng định gìn giữ quan hệ láng giềng tốt, cùng
định hướng dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại niềm tin
của nhân dân hai nước. Nhưng ngày 25.6, ngay vào lúc phát đi các lời
lẽ đó, một tướng của Trung Quốc, Bành Quang Khiêm, phó tổng thư ký uỷ
ban Chính sách an ninh quốc gia, lại tuyên bố có thể sẽ dạy cho Việt
Nam một bài học lớn hơn (so với cuộc chiến tranh biên giới Trung –
Việt 1979) trên kênh truyền hình Trung ương Trung Quốc. Và cũng chỉ
vài ngày sau, chính quyền tỉnh Hải Nam lại ban bố lệnh cấm đánh bắt cá
trên cả vùng biển của Việt Nam, tiếp tục xâm phạm trực tiếp chủ quyền
của Việt Nam.
Trung Quốc đang chơi hai lá bài nóng lạnh theo kiểu bất định làm Việt
Nam mất phương hướng. Việt Nam cũng có thể chơi ngẫu hứng để đáp trả
ngẫu hứng.
Tự vệ đơn phương hay phòng thủ đa phương?
Trong nghiên cứu chiến lược, khi Trung Quốc chơi ngẫu hứng hai lá bài
nóng lạnh như vậy, Việt Nam sẽ bị mất phương hướng, theo nghĩa: Việt
Nam cũng bị ngẫu nhiên lái theo Trung Quốc. Cụ thể là với xác suất
dương, hay với rủi ro có thật, Việt Nam bị rơi vào "vòng tay" của
Trung Quốc, mà không thể phối hợp với Mỹ một cách thường xuyên, hay sự
phối hợp chỉ có tính nhất thời. Tức là, Việt Nam bị "nhảy" một cách
ngẫu nhiên giữa hai chiến lược: tự vệ đơn phương và phòng thủ cùng với
Mỹ, ASEAN một khi có chiến sự nổ ra bất ngờ từ phía Trung Quốc.
Có một sự rất khác giữa trường hợp của Việt Nam so với Philippines.
Philippines phối hợp nhất quán với Mỹ cho phép tạo sức mạnh răn đe.
Ngược lại, Việt Nam phải đối mặt với khả năng (dù không phải chắc chắn
sẽ xảy ra) là Trung Quốc sẽ bất ngờ tấn công mình nếu việc tấn công
giúp: (i) Tăng quyền kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc đối với con
đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông. (ii) Tăng khả năng tạo tranh
chấp, lan dần vào các vùng không có tranh chấp, thông qua sự chèn ép
về quyền khai thác các tài nguyên mang tính loại trừ, cụ thể là dầu
khí. (iii) Cho phép phát huy tối đa chiến lược chơi ngẫu hứng hai lá
bài nóng lạnh, sao cho: Việt Nam bị ép vào thế buộc phải tự vệ đơn
phương khi nổ ra xung đột còn Mỹ thì không kịp trở tay hoặc không thể
điều động chiến hạm, tàu sân bay tới, chỉ vì một xung đột có quy mô
xem ra là nhỏ.
Sự lựa chọn điểm và thời điểm tấn công, thoả mãn cả ba điều kiện nói
trên sẽ làm tăng cao nhất cả lợi ích ngắn hạn và dài hạn cho Trung
Quốc. Cụ thể là, tự vệ đơn phương sẽ làm sự thôn tính xảy ra nhanh.
Sau khi thôn tính, xung đột song phương sẽ lan rộng hơn, phức tạp hơn,
mà Trung Quốc có thể sử dụng tốt nhất lợi thế vượt trội để chèn ép,
đem lại lợi ích dài hạn cho Trung Quốc. Nói rõ hơn, Trung Quốc đang
lái xung đột về trạng thái song phương, ngay trong bối cảnh có nỗ lực
đa phương để kiềm chế xung đột.
Chơi ngẫu hứng để đáp trả ngẫu hứng
Việt Nam cần hành động thực tế hơn, trong việc củng cố hợp tác phòng
thủ với Mỹ, Nhật, Nga, Ấn Độ và các nước ASEAN. Ảnh: khu trục hạm USS
John S. McCain của Mỹ thăm Đà Nẵng từ 10 - 14.8.2010 nhân kỷ niệm 15
năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ. Ảnh: Trung Hưng
Việt Nam hiện nay, cũng giống như 20 năm về trước, khó có thể làm gì
nhiều để ứng phó với cách mà Trung Quốc ứng xử lá mặt lá trái, lúc
nóng lúc lạnh, khiến chính mình bị dao động giữa một bên là chiến lược
phòng thủ chung với Mỹ và ASEAN và bên kia là buộc phải ở vào thế tự
vệ đơn phương, khi bất ngờ bị Trung Quốc tấn công. Nhưng Việt Nam cũng
có thể chơi ngẫu hứng để đáp trả ngẫu hứng. Việt Nam có thể tăng cường
hơn nữa các đàm phán song phương với Trung Quốc. Đồng thời, cần hành
động thực tế hơn, nhưng ngẫu nhiên và khó xác định hơn, trong việc
củng cố hợp tác phòng thủ với Mỹ, Nhật, Nga, Ấn Độ và các nước ASEAN.
Điều đó là lẽ phải, nhằm bảo đảm sự ổn định khu vực và tự do, an toàn
hàng hải.
Các phương án có thể trải rộng từ việc tăng khả năng cảnh báo sớm;
tăng sức mạnh phòng thủ ở các điểm chiến lược cho đến phối hợp tập
trận, bảo vệ an toàn hàng hải; hợp tác tuần tra trên không và trên
biển thuộc chủ quyền quốc gia; đi kèm với hoạt động nhân đạo, cứu hộ,
hay khảo sát khí tượng, nghiên cứu môi trường tự nhiên và thềm lục
địa. Cách chơi ngẫu hứng như vậy sẽ làm thay đổi kỳ vọng của các bên,
kể cả Trung Quốc về được và mất khi nổ ra xung đột; do đó ảnh hưởng
tới xác suất gây ra xung đột. Chính Việt Nam cũng có thể lái Trung
Quốc trở lại thế đa phương để giải quyết xung đột song phương. Cụ thể
là khi khả năng có sự đáp trả mang tính phối hợp quốc tế là đủ cao,
thì tự nó đã tạo ra sự răn đe hữu hiệu với các hành động gây chiến
hung hăng nhất.
Việc khai thác lợi thế về thông thương và tăng cường giao dịch quốc tế
chính là làm tăng giá trị kinh tế của chủ quyền và sức mạnh bảo vệ chủ
quyền của Việt Nam.
Theo cách tiếp cận như vậy, chúng ta phải mở rộng khái niệm về chủ
quyền trong một thế giới mới, mà sự liên kết kinh tế – địa – chính trị
làm nền tảng vững chắc cho cơ chế phối hợp an ninh đa phương.
(Economies of scale and scope in coordination mechanism). Dù rằng
chúng ta tôn trọng và gìn giữ tình hữu nghị với Trung Quốc nhưng việc
ngồi im không làm gì, khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền khai thác tài
nguyên mang tính loại trừ, như đánh bắt cá hay khai thác dầu thô tại
thềm lục địa của mình thì điều đó không chỉ làm tổn thất niềm tự hào
dân tộc mà còn làm suy yếu tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam với
Trung Quốc. Nói rõ hơn, chúng ta nên có những giải pháp cụ thể để bảo
vệ chủ quyền thông qua hợp tác kinh tế – địa – chính trị với tất cả
các nước liên đới, không chỉ riêng với Trung Quốc.
Tăng giá trị kinh tế của chủ quyền và sức mạnh bảo vệ chủ quyền
Chúng ta có thể cho thuê dài hạn, ví dụ là 100 năm, các vùng biển đảo
thuộc chủ quyền của Việt Nam cho các quốc gia như Nga, Mỹ, Nhật, nhằm
khai thác dầu thô hoặc đánh bắt cá. Các khoản thuế hoặc lợi tức từ
việc cho thuê quyền khai thác tài nguyên mang tính loại trừ này chính
là biểu hiện cụ thể về kinh tế của chủ quyền không thể bị xâm phạm của
Việt Nam. Khi mà các dạng thuế, lợi tức được ghi nhận và quyền khai
thác của các quốc gia hay công ty nước ngoài được đảm bảo theo công
ước quốc tế, thì tất yếu sẽ làm giảm các tranh chấp song phương, vì
khả năng bảo vệ chủ quyền được tăng lên.
Một khía cạnh nữa là nên phối hợp khai thác và bảo vệ tài nguyên không
loại trừ như đường hàng hải chiến lược qua Biển Đông, với hơn 1/3 giá
trị thương mại toàn cầu đi qua đó. Tiềm năng phát triển kinh tế và vị
thế địa lý chiến lược của Việt Nam có thể tạo ra sự bổ trợ lẫn nhau,
cho phép Việt Nam tham dự ngày càng nhiều hơn vào việc khai thác nguồn
tài nguyên khổng lồ và ngày một tăng này. Việt Nam có thể cho thuê
không cảng và hải cảng chiến lược, mà nó cho phép tăng tính an toàn và
hiệu quả, hay giảm chi phí và rủi ro trong vận chuyển trên không và
trên biển. Điều đó làm tăng sự đóng góp của Việt Nam vào giá trị
thương mại của nguồn tài nguyên không loại trừ – đường vận chuyển quốc
tế dọc theo Biển Đông. Ở đây có sự ghép nối giữa lợi ích thương mại và
bảo đảm an ninh đa phương, mà các bên liên quan đều hưởng lợi. Vì vậy,
giá trị của sự phối hợp là rất lớn. Từ các điểm nút chiến lược ven
biển, sự bùng nổ về giao dịch, vận chuyển quốc tế sẽ cho phép các dòng
vốn, công nghệ, và các phương thức tổ chức hiệu quả lan truyền vào
Việt Nam. Các nguồn lực này sẽ tạo nên sự tăng trưởng dựa trên hiệu
quả hay vốn tri thức, kéo theo sự hoà nhập mạnh của Việt Nam vào chuỗi
thương mại toàn cầu. Nói rõ hơn, việc khai thác lợi thế về thông
thương và tăng cường giao dịch quốc tế chính là làm tăng giá trị kinh
tế của chủ quyền và sức mạnh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
(*) Xem từ số báo 73 ngày 1.7.2011
TS Lê Hồng Nhật
No comments:
Post a Comment