Chủ tịch Trương Tấn Sang nói với doanh nhân tại Singapore rằng Việt Nam đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển sang tập trung phát triển xã hội.
Cuộc đối thoại do Chủ tịch Trương Tấn Sang và Bộ trưởng Công thương Singapore đồng thực hiện với sự tham gia của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Tổng giám đốc Cục Doanh nghiệp nước ngoài Singapore Teo Eng Cheong. Hơn 200 doanh nhân từ các doanh nghiệp Singapore, doanh nghiệp nước ngoài tại Singapore và doanh nghiệp VN tham dự buổi đối thoại.
Tựu trung lại trong cuộc đối thoại kéo dài 25 phút và những buổi gặp gỡ riêng giữa Chủ tịch Trương Tấn Sang với các tập đoàn hàng đầu của Singapore - như Sembcorp chuyên phát triển các khu công nghiệp, Capitaland chuyên bất động sản, Tập đoàn viễn thông Singapore Technologies Telemedia, hai ngân hàng OCBC và UOB - mối quan tâm lớn nhất của doanh nghiệp Singapore là tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và các thách thức kinh tế vĩ mô mà VN đang đối mặt.
Chủ tịch Trương Tấn Sang thăm hai giàn khoan do Tập đoàn Keppel Fels đóng cho Petro Việt Nam trong Khu công nghiệp Tuas - Ảnh: Thục Minh
|
Trả lời vấn đề mà Tổng giám đốc Teo Eng Cheong đặt ra về vai trò của quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế VN và khả năng tham gia của doanh nghiệp Singapore trong tiến trình này, Chủ tịch Trương Tấn Sang nói VN coi trọng mọi thành phần kinh tế, trong đó có đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Ông cho biết hiện doanh nghiệp nhà nước chỉ còn chiếm 30% tổng giá trị nền kinh tế và VN đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế. "Trong quá trình tái cấu trúc khu vực kinh tế nhà nước, chúng tôi chỉ giữ lại những phần then chốt nhất của nền kinh tế. Và một bộ phận trong phần doanh nghiệp then chốt đó sẽ không còn 100% sở hữu nhà nước nữa. Chúng tôi chỉ giữ lại phần cổ phần quan trọng, phần còn lại sẽ được cổ phần hóa". "Điều đó có nghĩa là thay đổi cấu trúc chung của nền kinh tế, đồng thời thay đổi cả cấu trúc quản lý bên trong của doanh nghiệp VN", ông nói thêm.
Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng cho biết VN sẽ lựa chọn những doanh nghiệp có tiềm năng lớn của Singapore, gọi là đối tác chiến lược, để hợp tác với các doanh nghiệp lớn của VN trong quá trình cổ phần hóa. "Và trong số các bạn có mặt ở đây hôm nay, tôi nhìn thấy có rất nhiều gương mặt tên tuổi, có thể xếp vào hàng đối tác chiến lược của VN. Tôi sẽ rất quan tâm đến các bạn trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế VN", ông nói thêm.
|
''Từ chỗ trong thời gian qua kinh tế VN tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, trong giai đoạn 10 năm tới chúng tôi sẽ tập trung phát triển an sinh xã hội. Đây là một công cuộc to lớn'' - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang |
|
Phát triển xã hội
Bàn về các thách thức kinh tế vĩ mô như lạm phát cao, lãi suất ngân hàng cao, mất giá đồng nội tệ... mà đại diện Tập đoàn Keppel nêu ra, Chủ tịch thừa nhận VN đang đối mặt và quyết liệt giải quyết các vấn đề trên. Ông giải thích một phần nguyên nhân dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng cao trong thời gian qua là do kinh tế VN trong nhiều năm chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng, và còn ở giai đoạn chuyển từ gia công sang sản xuất, nhập siêu rất cao.
Về giải pháp, ông nhấn mạnh: "Trong chiến lược 10 năm (2011-2020), chúng tôi đang thực hiện một bước quan trọng là tái cấu trúc lại nền kinh tế. Từ chỗ trong thời gian qua kinh tế VN tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, trong giai đoạn 10 năm tới chúng tôi sẽ tập trung phát triển an sinh xã hội. Đây là một công cuộc to lớn". Và, "Theo đó, chúng tôi đặt mục tiêu hàng đầu trong những năm đầu, bắt đầu từ năm 2011, là nền kinh tế vĩ mô VN phải thật sự ổn định, doanh nghiệp phát triển bền vững", ông nói. Bằng cách đó, "Trong mấy tháng qua, các bạn đã thấy chỉ số CPI đã giảm dần. Và chắc chắn rằng năm 2012, sự cải thiện đó sẽ tăng lên rõ rệt", ông khẳng định.
Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng cho biết VN sẽ đẩy mạnh các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất ra các sản phẩm trung gian. Và như thế, ngành công nghiệp cơ khí, để thay thế máy móc nhập khẩu, sẽ là một ưu tiên hàng đầu. Tiếp theo là công nghiệp điện tử, hiện chỉ ở mức độ gia công. Ông khẳng định, Nhà nước đã ban hành chính sách ưu tiên và khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ngành này nhằm đuổi kịp các nước trong khu vực.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã tiếp cựu Thủ tướng Goh Chok Tong. Cựu Thủ tướng Goh Chok Tong cho rằng, một trong những yếu tố để có các dự án đầu tư thành công như Khu công nghiệp VN - Singapore (VSIP) tại VN là do chính sách đúng đắn của Nhà nước VN trong việc củng cố, xây dựng lòng tin của các nhà đầu tư.
Mong kiều bào là chiếc cầu vững chắc nối tình hữu nghị Việt Nam - Singapore Chiều 27.9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp gỡ, trò chuyện với bà con kiều bào đang làm việc, kinh doanh, sinh sống và học tập tại Singapore. Chủ tịch nước mong muốn kiều bào ở Singapore là "chiếc cầu vững chắc nối liền tình cảm giữa hai nước VN - Singapore". Theo Đại sứ VN tại Singapore Trần Hải Hậu, hiện cộng đồng người Việt tại Singapore có khoảng hơn 12.000 người, trong đó có khoảng 9.000 du học sinh, còn lại là lao động - chủ yếu lao động chất xám. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, muốn đất nước mình không thua kém ai, rất cần sự đồng lòng, chung sức của bà con kiều bào. Chủ tịch nước đồng thời đặt niềm tin vào thế hệ lãnh đạo tương lai của đất nước qua các bạn trẻ đang du học tại Singapore - đất nước mà ông nhìn nhận là "có nền giáo dục rất tuyệt vời", và khuyến khích các ý tưởng "xé rào" của các bạn trẻ để đem lại sự đột phá trong phát triển đất nước thời gian tới - như thời bao cấp, chính bản thân ông và các đồng sự đã từng làm như vậy. "Ai xé rào để tìm ra được những ý tưởng mới, cách làm mới để phát triển đất nước đều rất đáng trân trọng. Không được chụp mũ, không được thành kiến với những ý tưởng xé rào như vậy", Chủ tịch nước lưu ý. Bảo Cầm |
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
No comments:
Post a Comment