LÃO MÓC
Trong cuốn tự truyện viết bằng tiếng Pháp "Un Excommunié, Hanoi 1954-1991: Procès d'un intellectual" (Kẻ bị mất phép thông công, Hà Nội: 1954-1991: Bản án cho một trí thức), do Quê Mẹ xuất bản năm 1992 tại Paris theo bản dịch của Nguyễn Quốc Vĩ, luật sư Nguyễn Mạnh Tường viết:
"Sự lừa dối mà cộng sản đã tung ra phong trào Trăm Hoa Đua Nở, không phải để giải phóng họ ra khỏi những xiềng xích mà để lật mặt nạ của những kẻ ngây thơ tin rằng đã đến lúc có tự do ngôn luận đáp ứng những ước vọng dân chủ của mình. Không thể nào có chuyện một đảng cộng sản độc quyền chính trị lại có thể tự mình thích nghi được với tự do dân chủ".
Theo giáo sư Đinh Từ Thức thì luật sư Nguyễn Mạnh Tường "đã biết rõ những sai lầm nghiêm trọng của Đảng CS trong Cải Cách Ruộng Đất, và đặc biệt quan tâm về trách nhiệm của kẻ cầm quyền "chơi đùa trên sinh mạng" người dân, nhưng luật sư Nguyễn Mạnh Tường vẫn cổ võ cho chủ trương thôn tính miền Nam, mà ông gọi là "Chính nghĩa thống nhất đất nước".
Và giáo sư Đinh Từ Thức đã có nhận định tiếp như sau:
"… Có thể nói, vì quá thiết tha đến sự nghiệp của cách mạng, ông (NMT) đã tiếp tay cho những việc làm phương hại đến tiền đồ dân tộc. Vì thiết tha đến sự nghiệp của cách mạng ông đã hy sinh tài sản và nhân lực tận tình giúp đỡ chính quyền cách mạng. Nhưng khi băng đảng cầm quyền nhân danh cách mạng để mưu định những việc làm có hại cho tiền đồ dân tộc, như chiếm miền Nam bằng võ lực, mà ông vẫn tận tình giúp họ, không màng tới phúc lợi của toàn thể dân tộc, là góp phần vào việc làm có hại. Ông có thể nghĩ rằng giúp đỡ cách mạng là cách phục vụ dân tộc. Tuy nhiên, Cách mạng chỉ dùng ông để phục vụ Đảng, như đạt thắng lợi cho chủ trương của Đảng tại Bruxelles (Vận động dư luận quốc tế để đánh chiếm miền Nam với chiêu bài"Thống nhất đất nước - chú thích của LM). Nhưng Cách mạng không muốn ông chỉ trích và sửa sai Đảng, để phục vụ dân tộc qua điều trần về Cải Cách Ruộng Đất. Đó là lý do Đảng
vinh danh ông sau Bruxelles, và chỉ 5 tháng sau, hạ bệ ông sau điều trần ở Hà Nội".
(Trích "Nguyễn Mạnh Tường, Bị cáo" - Đinh Từ Thức - Tạp chí Thế Giới Ngày Nay, số 207).
*
Năm 1989, tức 44 năm sau khi ông trí thức là luật sư Nguyễn Mạnh Tường về nước giúp đảng CSVN cũng có một ông trí thức khác là ông giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một Việt kiều ở Bỉ, cũng về giúp nước theo lời kêu gọi của Đảng CSVN. Ký giả Mặc Lâm của đài phát thanh Á Châu Tự Do (RFA) có phỏng vấn giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một "Việt kiều yêu nước thứ thiệt" về "mối tương quan giữa trí thức và nhà nước (CSVN)". Sở dĩ tôi dùng mấy chữ "Việt kiều yêu nước thứ thiệt" trước tên giáo sư Nguyễn Đăng Hưng (NĐH) vì ông giáo sư này về nước với mục đích đem tài năng để giúp ích đất nước dưới sự cai trị của đảng CSVN rất sớm sủa: từ năm 1989, tức là cách đây 22 năm. Và ông ta đã viết bài "Bút ký của một nhà khoa học Việt kiều" đăng trên tờ báo thiên Cộng "Đoàn Kết" ở Paris vào tháng 1 năm 1989.
Theo ký giả Mặc Lâm thì "Giáo sư Tiến sĩ Khoa học NĐH trong hơn 40 năm qua đã giảng dạy và nghiên cứu tại đại học Liège (Vương quốcBỉ) về Toán và Cơ Học, trở thành một trong những nhà cơ học xuất sắc nhất của Châu Âu và thế giới. Ông đã nhận đuợc danh hiệu Giáo sư ưu tú và Huân chương cao quý của Vương quốc Bỉ dành cho các nhà
khoa học cùng với nhiều giải thưởng quốc tế khác. Ông đã vận động và trực tiếp tham gia dự án EU Bỉ hỗ trợ đào tạo đại học và cơ học tại một số trường Đại học trong nước. Hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ của VN được đào tạo thành công qua dự án đó".Điều này cho thấy ông giáo sư NĐH rất có công với đảng CSVN.
Mới đây nhân vụ tổ chức Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam gọi tắt là VUSTA có 1 bản kiến nghị với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về hoạt động của hội này, ký giả Mặc Lâm bèn đặt câu hỏi cho GS/NĐH như sau:
-Thưa GS, trong bản kiến nghị đọc trước TBT Nguyễn Phú Trọng thì giáo sư Đặng Vũ Minh xác định rằng VUSTA là một tổ chức chính trị, xã hội và nó có chức năng tập họp, đoàn kết và phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng liệu sự lãnh đạo này có hạn chế sự đóng góp của trí thức hay không nhất là các trí thức từ nước ngoài về.
Ông giáo sư "Việt kiều yêu nước" này đã trả lời như sau:
-… Vấn đề ở đây là đã rất nhiều năm qua chúng ta thấy là Đảng chưa đủ hội tụ chung quanh mình những tinh hoa dân tộc. Chung quanh Đảng chưa có những người trí thức có tinh thần phản biện được trình độ có thể góp ý được, phản biện được, hay là ngăn chặn được những sai lầm. Tại sao trong thời thực dân mà lại đào tạo được những người như Hoàng Xuân Hãn, Võ Nguyên Giáp, thời gian về sau này đã không còn thấy những bộ mặt trí thức như vậy nữa. Nhìn như vậy thì ta mới thấy được rằng có một sự hạn hẹp, có một giới hạn, có một cái gì đó mà nó không được ổn lắm về vấn đề xuất hiện và hình thành đợt trí thức đủ bản lĩnh, đủ điều kiện để có thế đưa đất nước tiến lên nhất là về mặt văn hóa, về khoa học và về công nghệ.
Trong bài phỏng vấn ông GS/NĐH cũng cho rằng:
"Khi nhà cầm quyền không có chung quanh mình những bậc trí thức, những người tài ba, những bộ óc có nghĩ, những phát minh, thì là cái chính thể đó bị thiệt thòi hơn cả". Ông ta cũng trách móc Đảng và Nhà nước CSVN về chuyện "bức tử" tổ chức IDS của Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
Và ông GS/NĐH cũng thố lộ là muốn tổ chức giúp VN đào tạo 20 ngàn Tiến sĩ nhưng mà VN không có trường đào tạo Thạc sĩ (Master) cho nó ra hồn. Và ông ta thú thực với ký giả Mặc Lâm thì ông ta cũng đành "bó tay.com" - nói theo cách nói của giới internet ở trong nước.
*
"Tôi muốn rằng những người có bằng cấp hãy trở nên là những người trí thức là bởi những người trí thức phải là những người tư duy cho thời đại, tư duy cùng thời đại, đồng hành với thời đại và chịu trách nhiệm với thời đại. Thế thì anh có bằng cấp chưa đủ, anh phải là cái người chịu trách nhiệm cùng với thời đại, anh phải là cái người ra tay với thời đại thì anh mới thành trí thức. Nếu mà anh có bằng cấp rồi, anh đã giỏi rồi, tôi hy vọng anh sẽ trở thành nhà trí thức".
Với định nghĩa về người trí thức như trên của giáo sư Phạm Toàn thì phải nói ông giáo sư Nguyễn Đăng Hưng là người… trí thức!
Do đó, tôi rất ngạc nhiên về những điều mà ông ta đã trả lời phỏng vấn của ký giả Mặc Lâm về "mối tương quan giữa trí thức và Nhà nước (CSVN)". Tôi lại càng ngạc nhiên hơn vì sau khi về nước để đóng góp vào năm 1989, bị vỡ mộng, ông về Bỉ và nhận nơi này làm quê hương và được chính phủ Bỉ cử qua Congo để giúp phát triển xứ sở này. Và ông ta đã viết như sau:
"Phải sang cái xứ Phi Châu xa xôi này mới tìm thấy được một khung cảnh VN hài hoà, đa nguyên, đa dạng, mới có trách nhiệm đúng với khả năng, mới được trọng dụng và biết quý trọng lẫn nhau". (Trích "Bút ký một Việt kiều").
Vì không có theo dõi nên không biết vì sao ông giáo sư NĐH lại về lại VN để "đóng góp" tiếp vào sự phát triển đất nước VN xã hội chủ nghĩa. Và lại thốt lời "tần cung oán" với Đảng và Nhà Nước VN xã nghĩa khi trả lời phỏng vấn ký giả Mặc Lâm?!
Tôi không nghĩ rằng ông giáo sư NĐH không biết gì về chủ nghĩa cộng sản và nhất là về CSVN vì những gì ông ta viết trong bài "Bút Ký" vào năm 1989.
Tôi cũng không tin là ông ta không biết gì về những người trí thức như Triết gia Trần Đức Thảo, luật sư Nguyễn Mạnh Tường những người đã nghe theo lời kêu gọi của ông Hồ Chí Minh đã về nước để góp phần đánh đuổi thực dân Pháp.
Các ông trí thức Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường đã lỡ dại lên tiếng sửa sai, góp ý mà đã bị truy bức nghèo khổ, mất vợ mất con, sống trong cảnh cùng cực cho đến chết. Chẳng lẽ một người trí thức như giáo sư Nguyễn Đăng Hưng không biết là ông trí thức Hoàng Xuân Hãn sống ở Pháp cho đến chết. Và chuyện Đại Tướng Võ Nguyên Giáp là người trí thức, theo ông GS/NĐH chắc cần phải xét lại.
Và, không lẽ ông GS/NĐH không biết những số phận nghiệt ngã đã dành cho những văn nghệ sĩ trong vụ án Nhân văn - Giai phẩm mà luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã nhận xét là "một cái bẫy để lật mặt nạ những trí thức ngây thơ tin vào sự cởi mở của đảng CSVN".
Chẳng lẽ một "người trí thức" như ông GS/NĐH không biết chỗ cư trú hàng ngày và cũng là mộ phần của "người trí thức" ngàn lần trí thức Nguyễn Hữu Đang là một ô trũng ở cạnh lũy tre làng. Công việc mưu sinh hàng ngày của người dựng lễ đài để ông Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập là đi nhặt những bao thuốc lá để đổi cóc, nhái với lũ trẻ trong làng để nấu bữa ăn? Và chẳng lẽ, không phải ông GS/NĐH là người đã viết về vụ xử án Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ những giòng chữ như sau:
"… Một người đứng tuổi đã từng theo dỏi vụ án Tạ Đình Đề vừa có nhận xét là ngày xưa dân chủ công lý khá hơn nhiều. Dân chúng được nghe trực tiếp diễn tiến bên trong và hành xử của công an khá lịch sự. Thế mới biết… VN mình đi thụt lùi, ngay cả sau gần 25 năm đổi mới! Đây là nỗi đau không thể tả được của những ai tha thiết với tiền đồ của dân tộc".
Một người trí thức con cưng của chế độ đối đầu với nhà cầm quyền độc tài còn bị đối xử như thế, thử hỏi…
*
Gần đây, chúng ta lại nghe nói đến những kiến nghị, những thỉnh nguyện thư của các nhân sĩ, trí thức ở trong nước gửi những người cầm quyền của đảng CSVN đề nghị sửa đổi Đảng để chống lại hiểm họa mất nước về tay Trung Cộng. Và, đặc biệt với 11 cuộc biểu tình biểu lộ lòng yêu nước trước chuyện chiếm đất, lấn biển của TC. Có dư luận cũng cho rằng đây là "cái bẫy" của đảng CSVN - như "cái bẫy" Trăm Hoa Đua Nở, Nhân văn, Giai phẩm vào thập niên 50. Và, ở hải ngoại dư luận đã lên tiếng về cái gọi là "Thư Ngỏ" do "ông trí thức hoà giải, hoà hợp có lai-sân" Lê Xuân Khoa và nhà khoa bảng Vũ Quốc Thúc. Đã có quá nhiều dư luận về cái "Thư Ngỏ"… "bịt mắt bắt dê" hoà giải, hoà hợp tréo cẳng ngổng này.
Hai tác giả Nguyễn Hưng Quốc & Chu Việt có nhận định về chuyện hòa giải hoà hợp như sau:
"Mục tiêu của hoà giải, như thế, chỉ nhằm "xây dựng cộng đồng người VN" ở hải ngoại. "Xây dựng theo chiều hướng nào? Theo chiều hướng "đoàn kết với chính quyền trong nước!" Nghĩa là, nói cách khác, để biến thành công cụ của chính quyền! Vậy mà cũng gọi là "hoà giải" sao?
Và, về những người trí thức trong nước, Ban biên tập báo một tờ báo ở trong nước có nhận xét như sau:
"… May mắn của các dân tộc Ả Rập so với chúng ta là họ có một lớp trí thức chính trị, nghĩa là những trí thức lấy đất nước làm lý tưởng đời mình, dồn thời giờ, ưu tư và cố gắng học hỏi và đấu tranh để đất nước được quản trị một cách đứng đắn. Chúng ta không có lớp trí thức đó, những trí thức quan tâm tới đất nước chỉ là một thiểu số nhỏ và ngay trong thiểu số hiếm hoi này là sự dấn thân cũng ít khi vượt được giới hạn của những kiến nghị". (Trích "Hai bài học từ mùa Xuân Ả Rập" - Ban biên tập Tổ Quốc).
*
Đau đớn thay, sau 60 năm cai trị của đảng CSVN, đất nước chúng ta chỉ sản sinh ra những người trí thức "ngây thơ (?)" hoặc "cố chấp" đã tiếp tay đảng CSVN làm hại cho tiền đồ của dân tộc.
"Đây quả là nỗi đau không thể tả được của những ai còn tha thiết với tiền đồ của dân tộc!"
LÃO MÓC
No comments:
Post a Comment