Tại hội thảo phát triển đô thị do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức từ 19 đến 21.10 tại TP.HCM, vấn đề ô nhiễm nước, sử dụng lãng phí tài nguyên nước được giới chức TP và các chuyên gia mổ xẻ.
Chất và lượng giảm
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Minh Trí cho biết hiện mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 1,7-2 triệu m3 nước. Dự báo năm 2015 là 2,7 triệu m3 nước/ngày và năm 2025 khoảng 3,55 triệu m3/ngày.
Để đáp ứng nhu cầu trên, hiện có hai nguồn cung cấp nước chủ yếu là nguồn nước mặt (chiếm 60%) và nước ngầm (40%). Nguồn nước mặt được khai thác chủ yếu từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Nhưng do TP.HCM nằm ở hạ lưu hai con sông này nên nguồn nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sông Sài Gòn đang ô nhiễm nghiêm trọng - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Theo ông Trí, việc quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn nước TP.HCM gặp thách thức như ô nhiễm và biến đổi khí hậu đã làm giảm số lượng và chất lượng của nguồn cấp nước. Hiện lưu vực sông Sài Gòn, Đồng Nai đang là nơi tiếp nhận gần 3 triệu m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp (hầu hết chưa xử lý) và hàng trăm tấn thải rắn mỗi ngày.
Đối với nước ngầm, chất lượng nước tại các tầng chính đang có xu hướng xấu đi. Đặc biệt là lượng nước ngầm gần các khu công nghiệp, khu dân cư và các tầng chứa nước gần mặt đất. Ngoài ra, mực nước của một số tầng chứa nước hạ thấp nhanh, đang có nguy cơ cạn kiệt tầng chứa nước. Việc khai thác và sử dụng nguồn nước ở TP.HCM còn rất lãng phí.
Hệ thống cấp nước của TP.HCM được xây dựng cách đây hơn 100 năm và Nhà máy nước Thủ Đức được xây dựng từ năm 1963, cho nên công nghệ xử lý đã lạc hậu.
|
Tính từ 2008 đến nay, dự án giảm thất thoát nước do WB tài trợ góp phần giảm thất thoát 8,6 triệu m3, với đơn giá 7.425 đồng/m3 đã giúp TP.HCM tiết kiệm được 64 tỉ đồng; giúp hơn 200.000 người tiếp cận với nguồn nước sạch. Nhà thầu của dự án là Công ty cấp nước Manila Water (Philippines) cam kết sẽ chuyển giao công nghệ và hỗ trợ về kỹ thuật để phía Việt Nam phát triển, mở rộng những dự án tương tự. |
|
Sẽ xóa bao cấp giá điện, nước
Đại diện WB cho hay nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của TP.HCM cũng giống như Thượng Hải (Trung Quốc) cách đây 20 năm. Thời điểm đó, WB cũng đã có dự án nhằm giúp Thượng Hải bảo vệ nguồn nước. Do đó có một số kinh nghiệm của Thượng Hải có thể áp dụng cho TP.HCM. Đó là TP.HCM phải có quy hoạch dài hạn, quản lý nguồn nước một cách tổng thể, trong đó phải quản lý chặt chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Phó chủ tịch Lê Minh Trí cho biết trong thời gian tới TP sẽ tập trung triển khai dự án cấp thoát nước, giảm thất thoát nước; liên kết với các tỉnh trong lưu vực sông Đồng Nai để bảo vệ nguồn nước; khuyến khích xã hội hóa và đầu tư trong phát triển nguồn nước sạch.
Theo ông Trí, việc bao cấp giá nước (cả giá điện) là để giảm khó khăn cho người dân, còn điện, nước dành cho sản xuất vẫn theo giá thị trường. Về lâu dài sẽ có lộ trình xóa bỏ sự bao cấp này vì như thế là không công bằng.
Ông Marcus Howard, chuyên gia đến từ Úc, cho biết cung cấp nước là dịch vụ công. Tuy nhiên, các công ty cấp nước cần phải quan tâm đến ý kiến từ phía khách hàng để chất lượng nước ngày càng tốt hơn.
Trung Hiếu
No comments:
Post a Comment