Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA2011-10-26Hôm Thứ Ba 25 Tháng 10, Tiểu ban Chính sách Tiền tệ Quốc tế và Thương mại của Hạ viện Hoa Kỳ có buổi điều trần để tìm hiểu về hậu quả của vụ khủng hoảng tài chính Âu châu với nền kinh tế Mỹ. Hiển nhiên là nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang thẩm định hiệu ứng Âu châu đối với kinh tế trong bối cảnh khá bấp bênh hiện nay. Tuy nhiên, diễn biến dồn dập mấy ngày qua từ Âu châu khiến thế giới thêm hoang mang ngờ vực về những gì đã xảy ra. Hoang mang về vấn đề và ngờ vực về giải pháp. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về hồ sơ phức tạp này qua cuộc trao đổi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do. Số phận đồng EuroVũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, trong một chuỗi thượng đỉnh dồn dập để giải quyết vụ khủng hoảng Âu châu, tuần qua Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã có lời phát biểu rất lạ. Rằng "Để đồng Euro bị tiêu diệt là để Âu châu bị tiêu diệt. Ai tiêu diệt đồng Euro và Âu châu sẽ lãnh trách nhiệm làm tái sinh xung đột và chia rẽ trong đại lục của chúng ta". Vụ khủng hoảng kéo dài từ nhiều năm nay là những gì mà nguyên thủ của một cường quốc Âu châu phải có lời cảnh báo nghiêm trọng như vậy? Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng đây là một đề tài khó nhất trong năm! Hiểu ra được sự thể rắc rối của hồ sơ này là một điều khó, lại càng khó hơn khi phải trình bày một cách đơn giản cho thính giả của chúng ta. Tôi xin cố thâu tóm hồ sơ qua từng mảng riêng nhưng phải nói trước rằng tất cả đều dính chùm với nhau, thậm chí là có quan hệ hữu cơ vì nằm trong cơ cấu, nên lời cảnh báo bi quan của Tổng thống Pháp không là một sự dọa nạt mà đi vào cốt lõi của vấn đề, đó là sự tồn tại của một cộng đồng các quốc gia đã từng thống trị thế giới trong 500 năm. Vũ Hoàng: Ông cho rằng vấn đề nó nghiêm trọng như vậy sao? Nguyễn Xuân Nghĩa: Nó là kết quả của nhiều hiểu lầm tích lũy từ đã lâu. Vũ Hoàng: Ông mới chỉ trình bày khái quát ba bốn hồ sơ dồn làm một thì người ta đã thấy nhức đầu! Bây giờ, ta sẽ mở ra từng mảng để tìm hiểu thêm. Trước nhất là các ngân hàng. Thí dụ như tháng trước, và Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF - vốn là cựu Tổng trưởng Tài chính của Pháp – đã cảnh báo rằng các ngân hàng cần tái cấp vốn thì mới có khả năng đương đầu với các khó khăn hiện nay. Lập tức bà bị dư luận và nhiều chính quyền Âu châu đả kích là quá bi quan, có tinh thần "vơ đũa cả nắm", v.v... Sự thể nó như thế nào? Nguyễn Xuân Nghĩa: Các ngân hàng Âu châu bị khủng hoảng từ đã lâu, thậm chí từ tiền kiếp - mà không muốn nhìn ra. Năm 2009, Ngân hàng Trung ương Âu châu cho các ngân hàng được vay 450 tỷ Euro, tức là hơn 540 tỷ Mỹ kim, trong một năm để vượt qua sóng gió, Một năm sau, là năm ngoái, tình trạng không cải thiện và ngày nay càng thêm nguy ngập mà người ta cứ chối! Lý do của những khó khăn này kể ra thì rất nhiều.
Thứ nhất, do sự ra đời của đồng Euro vào năm 1999 và khả năng đi vay rất rẻ nhờ xương sống của đồng bạc này là kinh tế Đức, các ngân hàng ào ạt bơm tín dụng và thổi lên trái bóng địa ốc còn lớn hơn trái bóng gia cư tại Mỹ. Đó là hoàn cảnh của các tỉnh miền Nam và cả nước Anh lẫn xứ Ireland. Thứ hai, một số quốc gia đã lạc quan đem tiền từ nơi có lãi suất rẻ đầu tư vào nơi có lãi suất cao hơn, đó là nghiệp vụ "carry trade" mà ta có thể tạm gọi là "nối cầu cho cao hơn". Nhờ vậy mà tiền Euro và đồng Phật lăng Thụy Sĩ tràn vào các nước Đông Âu và Trung Âu mới được giải phóng khỏi chế độ Xô viết và đang trong cơn sốt tái thiết. Thứ ba, hiện tượng "hồ hởi với Đông Âu" khiến nhiều ngân hàng của các nước có kích thước trung bình, thậm chí là kém như Hy Lạp, cũng trút tiền vào cá dự án ở miền Đông và bị đọng vốn ở đó. Thứ tư, đây mới là lúc con bệnh Âu châu bị làn gió độc từ vụ khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ thổi qua vào năm 2008. Trong khi cả thế giới và Âu châu đều đổ lỗi cho cái tội bất cẩn của các tập đoàn đầu tư tài chính Mỹ, hệ thống ngân hàng Âu châu đã có chứng tật tương tự ngay bên trong nội tạng, vì vậy mà khó vượt thoát. Sau cùng, cũng phải nói đến yếu tố khách quan là nạn lão hóa dân số, tức là tỷ trọng người già ngày một cao, với hậu quả kinh tế là yêu cầu về nhà ở không còn gia tăng mạnh như trước. Sinh hoạt kinh tế vì vậy cũng đình đọng hơn xưa. Hệ thống ngân hàngVũ Hoàng: Ông nêu ra một loạt năm loại vấn đề của hệ thống ngân hàng Âu châu với nhiều lý do sâu xa hơn là hiệu ứng nhất thời của khủng hoảng tài chính từ bên Mỹ tràn qua. Có phải vì thế mà ngày nay Âu châu mới lãnh hậu quả trầm trọng? Nguyễn Xuân Nghĩa: Trầm trọng hơn thế còn có một đặc tính khác với hệ thống ngân hàng Mỹ. Xuất phát từ các quốc gia chia cách về địa dư, thậm chí đối nghịch về quyền lợi, ngân hàng Âu châu trở thành công cụ tư bản của từng quốc gia. Một thí dụ mà nhiều người Việt còn nhớ là Banque de l'Indochine được lập ra để kinh doanh tại Đông Dương rồi Á châu và đã từng có thẩm quyền phát hành giấy bạc trong thuộc địa! Khi Liên hiệp Âu châu được thành lập và nay có 27 nước hội viên, trên nguyên tắc thì luồng tư bản phải giao dịch tự do qua mọi biên giới. Thực tế thì nước nào cũng kín đáo bảo vệ quyền lợi riêng trong lĩnh vực ngân hàng, chưa nói đến loại ngân hàng địa phương do các chính quyền địa phương lập ra. Ta có thể gọi loại ngân hàng này là "captive banks", là "công cụ có định hướng". Hãy tưởng tượng đến loại ngân hàng do các tập đoàn kinh tế nhà nước mở tại Việt Nam thì ta suy ra quy cách làm ăn mờ ảo nhưng lại có vẻ phải đạo vì do thẩm quyền ở trên đưa xuống. Vũ Hoàng: Nói vậy thì các cơ chế của Âu châu thống nhất, kể cả Ngân hàng Trung ương Âu châu, cũng không có khả năng phối hợp và điều tiết hệ thống ngân hàng có quá nhiều dị biệt như vậy hay sao? Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta đi qua mảng thứ hai của hồ sơ rắc rối này. Bộ máy thư lại của Liên Âu tại thủ đô Bruxelles có đầy quy định tỉ mỉ về từng việc mua bán hợp pháp hay phi pháp mà vẫn không có thực quyền: khối quốc gia này thống nhất về kinh tế mà không có thống nhất về chính trị. Khi cần bảo vệ quyền lợi riêng thì quốc gia nào cũng có quyền phủ quyết nên rất dễ gây ra ách tắc. Ngân hàng Trung ương Âu châu cũng thế, có thể bơm tiền cho các ngân hàng vay để mua công khố phiếu cho chính quyền từng nước tài trợ các mục công chi của mình, nhưng lại không có thẩm quyền cần thiết để ép các ngân hàng vì mọi quy định phải có sự đồng ý của tất cả. Và trên cùng, chẳng ai có thẩm quyền can dự vào chế độ ngân sách hay thuế khóa của các nước. Vũ Hoàng: Nếu vậy thì ta gặp hậu quả là khi lập ra đồng Euro, từng quốc gia có thể trục lợi trong luồng trao đổi và vay mượn được thanh toán bằng một đồng tiền chung. Nhưng khi gặp khó khăn, như trường hợp Hy Lạp hay các nước miền Nam ngày nay, thì các nước khác bị vạ lây mà không có khả năng cưỡng chế. Có phải là vì lý do đó mà nay đồng Euro bị khủng hoảng? Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy mà còn đáng kinh hãi hơn vậy. Vụ khủng hoảng tài chính Âu châu là một hình tháp có ba diện là khủng hoảng của đồng Euro, khủng hoảng công trái là gánh nợ của quốc gia, và khủng hoảng ngân hàng. Cái lõi bên trong và căn bản nhất chính là vụ khủng hoảng chính trị vì mâu thuẫn quyền lợi giữa các nước. Tôi xin lấy một thí dụ dễ nhớ. Khi Hy Lạp khai gian kế toán quốc gia để gia nhập khối Euro thì chính quyền xứ này phải chịu trách nhiệm. Họ chi nhiều hơn thu mà cứ đi vay để tài trợ các chương trình phúc lợi của một nhà nước vú em bao cấp. Nhưng, khi các ngân hàng thẩm định sai rủi ro mà cho xứ này vay tiền thì họ cũng có một phần trách nhiệm. Bây giờ, ai lãnh trách nhiệm ấy và chịu mất một phần trong núi nợ này, gọi là "bị gọt tóc", coi như phải chịu lỗ hay bù lỗ. Khi ấy có hai vấn đề đặt ra là lỗ bao nhiêu và ai sẽ lãnh? Mà làm sao có thể lãnh nợ khi đã mấp mé vỡ nợ vì khủng hoảng về công trái? Cuộc tranh luận gây chóng mặt này có phần kỹ thuật là thẩm xét mức lỗ lã mất mát của các ngân hàng, và phần chính trị là quốc gia nào sẽ bỏ tiền ra bù lỗ, tại sao?
Vũ Hoàng: Xin hỏi ông thêm một chi tiết là ngân hàng của Âu châu không là những cái hộp biệt lập trong từng nước hay từng nhóm quốc gia có liên hệ về địa dư hay kinh tế mà là một tập thể kinh doanh có những quan hệ đầu tư chằng chịt với nhau. Có phải là vì vậy mà sự sụp đổ của ngân hàng này có khi lại gieo họa cho một ngân hàng khác, ở xứ khác? Nguyễn Xuân Nghĩa: Dư luận bên ngoài thấy khó hiểu vì nghe nói đến mấy trăm tỷ Euro cho mục tiêu này hoặc vài trăm tỷ cho quốc gia nọ, mà những con số ấy thay đổi thường xuyên vì sự chuyển dịch thực tế của tình hình, của thị trường. Và khác với Hoa Kỳ, là nơi mà doanh nghiệp chủ động tìm vốn trên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp Âu châu lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng nhiều hơn. Nếu ngân hàng sụp đổ thì nhiều doanh nghiệp khốn đốn và kinh tế Âu châu không chỉ bị suy trầm mà còn bị suy thoái, tức là nặng hơn, sâu hơn và rộng hơn. Lý do như ông vừa nêu ra là một mạng lưới chằng chịt những quan hệ về đầu tư và tín dụng. Nói đến một ma trận trong toán học thì hơi rắc rối, tôi xin lấy một ví dụ dễ hiểu: hãy tưởng tượng ra một mạng lưới có nhiều mạch điện, mỗi mạch đánh dấu bằng một màu, để xem là điện chạy - hay tiền chảy - từ đâu đến đâu, và nếu bị cháy thì những nơi nào sẽ nổ cầu chì trước, mà có cầu chì hay không? Và quan hệ ấy không chỉ thu hẹp giữa 17 nước của khối Euro hay 27 nước của Liên Âu mà lan toả ra toàn cầu. Khủng hoảng tới đâuVũ Hoàng: Nếu vẽ một đồ biểu về quan hệ bạc tiền từ nơi nào chảy qua nơi nào thì may ra người ta có thể thấy được hậu quả dây chuyền. Nhưng thưa ông, vì sao giới ngân hàng hay viên chức hữu trách của Âu châu lại không nhìn thấy mức độ nguy ngập của vấn đề vốn dĩ xảy ra từ mấy năm nay rồi? Nguyễn Xuân Nghĩa: Từ ba năm nay, năm nào Âu châu cũng rà soát tình hình các ngân hàng qua việc "trắc nghiệm ứng suất" hay "stress test". Đó là thử nghiệm khả năng ứng phó của từng ngân hàng với áp suất giả định của thị trường trong thời gian tới. Cụ thể là xem ngân hàng này có vốn là bao nhiêu, nhận ký thác bao nhiêu, ở đâu và cho những ai vay, ở nơi nào, v.v... Thế rồi nếu tình hình thay đổi thì khách nợ sẽ có thể hoản trả bao nhiêu, chủ nợ là ngân hàng có thể bị lỗ bao nhiêu và số vốn còn lại có đủ thanh toán không nếu các trương chủ ký thác đòi rút tiền? Lần trắc nghiệm cuối, công bố vào Tháng Bảy vừa qua, cho thấy sự lạc quan trong dự phóng và số ngân hàng gặp vấn đề thật ra còn nhiều hơn người ta đoán. Nghĩa là lỗ lã còn nặng hơn nhiều. Có thể là vì không muốn gây hốt hoảng, người ta tránh nói ra sự thật nhưng tôi còn bi quan hơn vậy vì ngờ là chính các ngân hàng cũng chưa nhận ra là họ bị khủng hoảng! Vì vậy họ mới phản đối Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ khi bà nói rằng các ngân hàng cần tái cấp vốn, tức là số vốn hiện nay không đủ đối phó với những biến động trước mặt. Nếu lấy tiêu chuẩn là số vốn của các ngân hàng phải đạt tỷ lệ tối thiểu là 9% của tài sản gặp rủi ro thì các ngân hàng phải đắp thêm vốn chừng 200 tỷ Euro. Thật ra, nhiều trung tâm nghiên cứu và tổ hợp đầu tư dự báo rằng Âu châu phải mất 2.000 tỷ Euro thì mới vượt cơn khủng hoảng. Gánh nặng ấy đang gây ra khủng hoảng chính trị vì tìm đâu ra tiền và xứ nào sẽ gánh, mà gánh bao nhiêu, để bảo vệ ngân hàng của mình hay công trái của ai? Vũ Hoàng: Câu chuyện này sẽ còn ám ảnh thế giới trong thời gian tới, nhưng xuyên qua đó, chúng tôi cũng lại thấy một bài toán tương tự cho các ngân hàng ở Việt Nam. Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn và đề nghị là trong một kỳ tới, chúng ta sẽ nói về ngân hàng Việt Nam. Theo dòng thời sự: |
TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG |
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn
Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure
Search This Blog
Thursday, October 27, 2011
Khủng hoảng Tài chính Âu châu
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment