Con số ODA được nhà tài trợ song phương lớn nhất cam kết dành cho Việt Nam tại Hội nghị CG tăng mạnh so với năm ngoái. Đại sứ Nhật Yasuaki Tanizaki cho biết con số giải ngân thực tế có thể lớn hơn. |
Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) sáng 6/12. Ảnh: Nhật Minh |
Trước đó, theo đại diện của Nhật, do tác động của thảm họa động đất - sóng thần, các chương trình ODA mà Nhật dành cho Việt Nam đã bị đình hoãn với giá trị gần 800 triệu USD. Tuy nhiên, hồi tháng 10 vừa qua, Chính phủ mới của nước này đã thông qua kế hoạch cho vay mới đối với Việt Nam với giá trị trên một tỷ USD.
Với số tiền nói trên, Nhật Bản nhiều khả năng sẽ tiếp tục là nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất của Việt Nam trong năm nay và tiến gần tới con số kỷ lục 2 tỷ USD mà nước này cam kết năm 2009. Tổng số ODA cho tài khóa của tất cả các nhà tài trợ sẽ được công bố trong chiều nay (6/12) khi Hội nghị của Nhóm tư vấn kết thúc.
Là sự kiện có tầm ảnh ảnh hưởng lớn tới các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ, Hội nghị CG năm nay tiếp tục được chờ đợi bởi đây sẽ là sự kiện phản ánh rõ nhất quan điểm của các nhà tài trợ cho Việt Nam, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn và hầu hết các nước đều phải dồn sức để củng cố kinh tế nội địa. Thêm vào đó, việc Việt Nam đã bước qua một năm với tư cách là nền kinh tế có thu nhập trung bình cũng được nhìn nhận như một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng tới khả năng tiếp tục nhận được viện trợ phát triển.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, mấu chốt của câu chuyện thu hút ODA ở Việt Nam vẫn nằm ở tốc độ cũng như hiệu quả triển khai các dự án sử dụng nguồn vốn này. Tại buổi họp báo diễn ra đầu tháng 12 vừa qua, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) Victoria Kwakwa cho biết trong năm 2011, đã có gần 40 dự án sử dụng vốn của tổ chức này tại Việt Nam hoàn tất và đều được đánh giá từ trung bình đến tốt. WB hiện là nhà tài trợ ODA đa phương lớn nhất cho Việt Nam.
"Tôi không thấy có cơ sở nào để cho rằng Việt Nam sử dụng thiếu hiệu quả nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, rõ ràng là các bạn có thể làm tốt hơn, cả về tốc độ giải ngân lẫn hiệu quả dự án", bà Kwakwa nhận xét.
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, mặc dù gặp phải nhiều trở ngại do tác động của kinh tế thế giới cũng như thảm họa động đất - sóng thần tại Nhật (nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam), nhưng sau 11 tháng, giải ngân ODA vẫn đạt xấp xỉ 3 tỷ USD. Theo dự báo của Bộ, mức giải ngân trong cả năm 2011 có thể đạt khoảng 3,65 tỷ USD, tăng khoảng 3% so với năm 2010. Tuy vậy con số này mới chiếm chưa đầy một nửa số tiền 7,9 tỷ USD được các nhà tài trợ cam kết tại Hội nghị CG năm ngoái.
Nhật Minh
No comments:
Post a Comment