"Tôi ủng hộ quy định CSGT không mang quá 100.000 đồng, nhưng để chống tiêu cực đòi hỏi sự vào cuộc của chính người tham gia giao thông. Nhiều khi họ ngại đi nộp tiền phạt nên gạ gẫm, mồi chài anh em", đại tá Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT trao đổi với VnExpress. |
Đại tá Nguyễn Văn Tuyên cho rằng một số địa phương áp dụng biện pháp hạn chế tiền khi đi làm nhiệm vụ là việc làm tốt. Ảnh: Hà Anh. |
- Ngành đã có tổng kết đánh giá thế nào về mặt được và chưa được của quy định trên?
- Tôi xin nhắc lại, đây không phải là chủ trương chung của ngành mà chỉ là biện pháp đưa ra ở một số địa phương. Đến nay chưa có tổng kết nào cụ thể nhưng tôi được biết đã có cán bộ vi phạm quy định nên buộc phải rời khỏi ngành.
Mô hình chống tiêu cực này đến nay hầu như các tỉnh thành đều đã biết. Tuy nhiên, tôi cho rằng mỗi địa phương có bài áp dụng riêng bởi mức độ hiệu quả không phải nơi nào cũng giống nhau. Các địa phương hoàn toàn có quyền tự do.
- Giá cả hiện nay ở một số thành phố lớn khá đắt đỏ. Theo ông cần thay đổi quy định 100.000 đồng khi đi làm nhiệm vụ như thế nào?
- Tôi tin chắc trước khi đưa ra quy định này người đứng đầu các địa phương đã phải tính toán cẩn thận. Khi nào quy định lạc hậu, không đủ mức trang trải cuộc sống bình thường của anh em họ có thể tự động nâng lên.
"Để chống tiêu cực không chỉ có một mình lực lượng cảnh sát". Ảnh minh họa: Hà Anh. |
- Từ nhiều năm nay người dân luôn kêu ca về tiêu cực của CSGT nhưng tình trạng tiêu cực không có dấu hiệu giảm. Ông giải thích thế nào?
- Chúng tôi có khá nhiều giải pháp chống tiêu cực nhưng điều quan trọng trước hết người tham giao thông phải nghiêm chỉnh. Không có đưa hối lộ sao có nhận hối lộ. Về phía cảnh sát giao thông tôi nghĩ việc vòi vĩnh là rất hãn hữu.
Theo tôi, để chống tiêu cực không chỉ có một mình lực lượng cảnh sát giao thông mà đòi hỏi sự vào cuộc của chính người tham gia giao thông. Nhiều khi họ ngại đi nộp tiền phạt nên đã gạ gẫm, mồi chài anh em để chia tiền phạt. Trong lúc điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều anh em kém rèn luyện đã không đủ bản lĩnh để từ chối những cám dỗ rất đời thường.
- Theo ông làm thế nào để giải quyết triệt để tận gốc việc tiêu cực nảy sinh trong ngành?
- Thời điểm hiện tại, hoàn cảnh chung của toàn xã hội đang rất khó khăn, không loại trừ lực lượng công an. Mức sống của công an so với các ngành khác là cao song nhìn về tổng thể không được như vậy. Tôi đã đi nhiều nước và được biết, công chức nói chung và lực lượng ngành công an nói riêng ở đây không có hiện tượng tiêu cực khi làm nhiệm vụ bởi thu nhập của họ đủ để trang trải cho cuộc sống. Nếu có hiện tượng tiêu cực, họ sẽ bị đuổi ra khỏi ngành và lúc đó cuộc sống vô cùng vất vả.
Tới đây, ngành đã tính đến bài toán làm sao cải thiện từng bước đời sống cho anh em bằng các nguồn khác ngoài lương. Ví như hưởng phần trăm tiền phạt vi phạm luật của người tham gia giao thông, thưởng gấp đôi số tiền người vi phạm đưa hối lộ... Đây được xem là những giải pháp để chống những tiêu cực.
Hà Anh thực hiện
No comments:
Post a Comment