Đến
giờ này, sau 7 năm, "đại công trình" nuôi tôm được xem là hiện đại nhất
đất biển, đã hoàn tất nhưng Sở NNPTNT buộc phải làm tờ trình xin tỉnh
chuyển đổi công năng, đồng nghĩa với việc phải chôn vùi hàng chục tỉ
đồng ngân sách...
Phải xin… xoá sổ
Tìm hiểu
của PV, dự án nuôi tôm với diện tích lên tới 326ha này, đến nay đã cơ
bản hoàn thành. Đây là dự án nuôi tôm công nghiệp đầu tiên, hiện đại
nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT), được đầu tư với tổng vốn hơn 64
tỉ đồng từ ngân sách và được kỳ vọng sẽ là tiền đề để hoạt động nuôi
trồng thủy sản của tỉnh này phát triển, từng bước đáp ứng một phần
nguyên liệu chế biến xuất khẩu hàng chục nhà máy chế biến thủy sản đang
“đói” nguyên liệu trầm trọng.
Tuy nhiên, sau 7 năm lề mề đến khi
dự án vừa cơ bản hoàn thiện (năm 2009), lại cũng là lúc Sở NNPTNT có
văn bản đề xuất với UBND tỉnh BRVT rằng, trong trường hợp tổ chức đấu
giá không thành công, nên chuyển thành khu du lịch hoặc cụm đô thị ven
biển hoặc KCN.
Trong định hướng phát triển thủy sản từ nay đến
năm 2015, Sở NNPTNT BRVT phấn đấu đưa vào sử dụng 11 dự án nuôi và sản
xuất giống thủy sản nhưng cũng không đề cập dự án nuôi tôm công nghiệp
Lộc An. Như vậy, đồng nghĩa với việc, nếu chuyển công năng dự án theo
đề nghị của sở, sẽ phải xoá sổ hạ tầng dùng cho nuôi tôm, gây dựng hạ
tầng cho dự án có mục đích khác. Tức là hàng chục tỉ đồng ngân sách sẽ
phải chôn vùi.
Nếu tiếp tục nuôi tôm, theo một cán bộ Sở
NNPTNT, sẽ không có hiệu quả như mong muốn, lại nguy cơ gây ô nhiễm môi
trường và còn thiếu nước nuôi.
Hiện tại, “đại công trình” nuôi
tôm 326ha là một bãi đất hoang đầy cỏ dại với hệ thống kênh cống dẫn
nước bêtông thẳng tắp nhưng... không giọt nước.
“Nướng” tiền tỉ, ai chịu trách nhiệm?
Theo
điều tra của Lao Động, cuối năm 2000, UBND tỉnh BRVT là cơ quan quyết
định đầu tư xây dựng dự án nuôi tôm công nghiệp Lộc An. Đơn vị lập dự
án kiêm chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án thuỷ sản (thuộc Sở Thuỷ sản
BRVT, nay đã sáp nhập vào Sở NNPTNT) để nuôi tôm sú 2 vụ/năm với thiết
kế gồm 3 khu liên hoàn tổng cộng 228 ao nuôi và 57 ao xử lý.
Khi
quyết định đầu tư... người ta đã kỳ vọng một tương lai sáng lạn của dự
án như: Khi các ao nuôi trong dự án được phủ kín, doanh thu trên 1ha
mặt nước sẽ đạt mức bình quân 750 triệu đồng... Thậm chí, lãnh đạo một
Cty thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 2 (thuộc Bộ Thủy sản lúc
bấy giờ) còn “cho” một nhận xét rằng dự án sẽ mở ra một luồng sinh khí
cho nuôi tôm công nghiệp ở vùng cao triều nhiễm mặn Đông Nam Bộ...
Năm
2003, dự án mới được thi công và dự kiến hoàn thành vào cuối năm. Nhưng
mới sau 3 năm thi công, đến tháng 7.2006, theo báo cáo của Sở Thủy sản
BRVT, mới té ra, có nhiều bất hợp lý trong khâu thiết kế. Theo đó, thay
vì phải khoan 25 hố sâu 25m (trong phê duyệt), Bộ Thuỷ sản lại khống
chế, chỉ cho phép 16 hố nên phía tư vấn thiết kế thăm dò địa chất không
kỹ càng dẫn đến thiết kế không hợp lý. Thế là hàng loạt các hạng mục
phải hạ cao trình ao nuôi từ 1,4m xuống còn 1m, đáy ao xử lý nước từ
3,2m hạ xuống còn 1m, đáy kênh từ 4,5m hạ xuống còn 2,3m và mặt bờ kênh
từ 5,5m hạ xuống còn 3,2m...
Trao đổi với PV hôm qua,
(14.12.2009), một cán bộ tỉnh BRVT (xin không nêu tên) nhận định, ngoài
thiết kế không hợp lý phải điều chỉnh tốn tiền của (từ 32 tỉ vốn ban
đầu lên 64 tỉ đồng) thì nguồn cung cấp nước nuôi tôm cũng thiếu. Đồng
nghĩa với vị trí của dự án cũng có vấn đề?
Tại kỳ họp HĐND tỉnh
BRVT vừa kết thúc, đại biểu rất bức xúc về dự án nuôi tôm bỏ hoang và
yêu cầu UBND tỉnh phải có hướng xử lý. Tìm hiểu của PV, UBND tỉnh BRVT
hiện cũng đang “đau đầu” và có yêu cầu các sở, ngành liên quan có nhận
xét đánh giá góp ý để UBND tỉnh có quyết định... hợp lý! Tuy nhiên,
chưa thấy ai đả động đến trách nhiệm của việc quyết định đầu tư để hơn
64 tỉ đồng ngân sách nguy cơ bị chôn vùi.
Ngô Nguyên
No comments:
Post a Comment