Thứ Năm, 17/12/2009, 07:13 (GMT+7)
TT - Hiện nay ở TP Đồng Hới (Quảng Bình), hầu như công
sở, trụ sở công ty, xí nghiệp, hàng quán nào cũng có cây xanh lớn được
đưa từ rừng về trồng làm cảnh. Nơi nhiều thì năm bảy cây, nơi ít thì
hai ba cây tùy độ rộng hẹp của khuôn viên.
Hàng cây lội được trồng trước mặt tiền quán cà phê đang xây dựng cạnh bể bơi Đồng Hới - Ảnh: L.G |
“Cây ở rừng bị bứng gốc đưa về làm đẹp cho các khuôn
viên công sở, nhà hàng, khách sạn, hay trồng chơi trong sân nhà dân ở
TP Đồng Hới và khắp nơi trong tỉnh cũng là một kiểu phá rừng” - anh
Phan Văn M., ở P.Nam Lý, TP Đồng Hới, người từng có thời gian săn lùng
cây cảnh từ rừng về bán, thừa nhận.
Theo anh M., loại cây bị săn lùng nhiều nhất trong
những năm qua là cây mưng, được coi là phát lộc về mùa xuân. Loại cây
này sống ven sông, suối, góp phần ngăn chặn tình trạng xói mòn bờ sông,
suối do nước lũ nhờ vào bộ rễ chùm dày bám sâu vào đất. Nhưng hiện nay
ở nhiều khu vực rừng của tỉnh Quảng Bình, cây mưng dường như đã bị tìm
“diệt” triệt để.
Chỉ cần đi một vòng các công sở, hàng quán và cả nhà
dân, bất cứ đâu trong tỉnh cũng thấy cây mưng hiện diện. Có những quán
cà phê ở Đồng Hới trồng đến hàng chục gốc mưng trông mà xót xa.
Một hai năm trở lại đây ở TP Đồng Hới người ta chuyển
sang tìm các loại cây rừng cổ thụ khác. Ngoài các loại “cổ điển” như
mưng, sanh, si, đa, đùng đình... vẫn được săn lùng đưa về phố trồng,
hiện nay người ta đang săn tìm ráo riết một loại cây làm cảnh mới là
cây lội. Cây lội rất lớn, thuộc hàng khó tìm. Ở một quán cà phê đang
được xây dựng sát khu vực bể bơi tổng hợp Đồng Hới (thuộc P.Đồng Phú)
có gần chục cây lội vừa được chủ nhà hàng mua về trồng ở mặt tiền quán.
Gốc cây lội lớn nhất phải hai người ôm mới xuể.
“Đây là loại cây dễ sống nên người ta ưa chuộng, nhiều
người đặt mua mãi mà không có. Trồng nó giữa phố nhìn rất hoành tráng,
hơn tất cả các loại cây dùng làm cảnh khác hiện nay” - một công nhân
xây dựng ở công trình nói trên cho biết.
Thông thường, để đưa được một cây lớn từ rừng về xuôi,
người ta phải đào quanh nó và phá đi một khoảng rừng rộng cả chục mét
vuông. Nhiều khi phải phá bỏ hàng chục cây khác xung quanh cây được
chọn mới bứng được cây theo ý muốn. Không riêng gì Quảng Bình, nhiều
người xót rừng thắc mắc tại sao đến nay kiểu phá rừng nói trên vẫn
không bị một cơ quan chức năng nào về bảo vệ rừng hỏi han” gì?
L.GIANG
No comments:
Post a Comment