Một phụ nữ đứng trước mặt một người đàn bà rồi nói với giọng rụt rè: “Dạ, em mới được ngần này, số còn lại, khoảng 19 giờ em đưa cho chị”. Người đàn bà trừng mắt quát: “Mày nợ vốn là 50 triệu đồng. Riêng tiền lãi tháng này là 15 triệu đồng, 19 giờ phải có...”
> Tín dụng đen trong bệnh viện
Hầu hết những người mà chúng tôi gặp tại các bệnh viện đều rơi vào cảnh bần cùng vì lỡ phải vay nặng lãi. Họ ngày đêm lao động nhưng vẫn không đủ để trả lãi cho chủ nợ, đã có nhiều người nghĩ đến cái chết để thoát thân vì không có tiền trả.
Một người cho vay nặng lãi (trái) đang đòi tiền lãi của một người nuôi bệnh trong Bệnh viện Ung Bướu
(Ảnh chụp trước cổng Bệnh viện Ung Bướu chiều 8-12). Ảnh: TH.ĐỒNG
Phải bán thân vì vay 5 triệu đồng
Ở một góc nhỏ bên cầu thang bộ của Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, suốt nhiều năm nay, một phụ nữ và một đứa con nhỏ lấy hành lang bệnh viện làm nhà, sống bằng nghề nuôi bệnh để kiếm tiền trả lãi vay.
Chị là Nguyễn Thị H., quê Đồng Tháp. Hai năm trước, mẹ chị H. bị bệnh, lên bệnh viện này chữa trị nhưng không đủ tiền, chị H. đành phải tìm đến bà Nhi, một đối tượng chuyên cho vay ở khu vực này, để vay 5 triệu đồng với lãi suất 10%/ngày.
Sau khi mẹ xuất viện về quê, chị H. phải ở lại bệnh viện làm nghề nuôi bệnh nhưng vẫn không trả hết nợ. Từ 5 triệu đồng vay ban đầu, đến nay cả vốn lẫn lãi đã lên đến 30 triệu đồng.
Một lần, đến hạn nhưng không có tiền trả lãi, sợ bà Nhi gọi đàn em đến hành hung, cùng đường, chị H. nhắm mắt... làm liều. Lần một, lần hai... rồi mang thai ngoài ý muốn và một bé gái ra đời.
Lực lượng đòi nợ thuê
Sau nhiều ngày quan sát, chúng tôi phát hiện nhiều người chạy xe ôm trước cổng Bệnh viện Ung Bướu là người đi đòi nợ thay cho những tên cho bệnh nhân vay nặng lãi.
Những người này thường xuyên vào bệnh viện thu tiền, la mắng, dùng mọi thủ đoạn cần thiết để ép những người vay phải trả lãi và vốn. Sơn và Hùng (Hùng đen) là hai đàn em của bà Phượng, một nhân vật cho vay nặng lãi có tiếng ở bệnh viện này.
Sáu Lai và Tư Thạnh - hai tên tàn nhẫn khét tiếng, là đàn em của Hà “đại ca”. Ngoài ra, còn có nhiều người khác sống quanh quẩn bệnh viện, khi cần sẽ được các chủ nợ gọi đến.
Để kiếm đủ 30 triệu đồng trả nợ, hy vọng thoát khỏi “vòi bạch tuộc”, chị đã “qua đêm” với nhiều người khác nhau và giờ đây, chị đang mang thêm một cái thai 3 tháng.
“Đã vay là không trả được chú ơi, dù ít hay nhiều cũng vậy. Thời gian đầu, họ cho mình thiếu, sau đó cộng vào vốn. Đến khi vốn và lãi tăng cao, họ không cho thiếu nữa, ngày nào phải trả lãi ngày đó!”- chị H. chua chát.
Tại sảnh B, Khoa Nội Bệnh viện Ung Bướu, một phụ nữ bế đứa con nhỏ đến trước mặt một người đàn bà miệng đang rít thuốc lá liên tục, lấy ra một ít tiền rồi nói với giọng rụt rè: “Dạ, em mới được ngần này, số còn lại, khoảng 19 giờ em đưa cho chị”.
Người đàn bà vứt điếu thuốc xuống nền nhà, trừng mắt quát: “Mày nợ vốn là 50 triệu đồng. Riêng tiền lãi tháng này là 15 triệu, 19 giờ phải có...”.
“Tiền lãi lên 9 triệu đồng/tháng đã đủ chết rồi nói gì đến vốn. Cứ thế này, chắc cả đời tôi cũng không trả hết”. Vừa lấy thùng rác, chị Nguyệt (tên nhân vật đã được thay đổi) cũng là con nợ, hiện đang làm hộ lý tại Bệnh viện Ung Bướu, nhìn tôi nói.
Cũng như bao người khác, vì hoàn cảnh quá khó khăn, chị Nguyệt phải vay với lãi suất cao. Với đồng lương ít ỏi của nhân viên hộ lý, chị Nguyệt cứ trượt dài không trả được.
“Chỉ có những người rơi vào cảnh bần cùng, đối mặt với cái chết mới tìm đến họ vay thôi, chứ ai dại gì bởi đã vay là không dứt ra được”- chị Lài, một bệnh nhân tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nói như mếu với một bệnh nhân cùng phòng có ý vay nóng.
Bán nhà trả nợ
“Chắc phải vay 2 triệu đồng để lấy thuốc, ít ngày sau em trả lại”- tôi gợi ý với chị Minh - một bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy - để nhờ giới thiệu đến người mà chị từng vay tiền, chị Minh liền can ngăn: “Dù khánh kiệt đến mấy cũng đừng vay em ơi! Trước đây, tôi vay có 10 triệu đồng, lãi suất 10%/ngày, sau 3 năm, cả lãi lẫn vốn lên gần cả trăm triệu đồng, bí quá tôi phải bán cả nhà và đất mới trả hết”.
Từ trên lầu của Bệnh viện Ung Bướu, một người đàn ông đi xuống, rụt rè đưa tiền cho một thanh niên đầu trọc, đứng chờ sẵn. Sau khi thu tiền, người thanh niên đưa cho người vừa đưa tiền một mảnh giấy nhỏ, trong đó có ghi số nợ mà ông phải trả.
Lân la trò chuyện, tôi được biết người đàn ông tên là Cắc. Ông Cắc cho biết vào đây trị bệnh đã gần 2 năm. Ông có vay của một người tên là Giang 6 triệu đồng cách nay hơn một năm. Mới đây, ông Cắc phải bán căn nhà trị giá 300 triệu đồng mới trả hết nợ, lãi vay và tiền thuốc.
Dưới một cầu thang bộ của Bệnh viện Ung Bướu, Hà “đại ca”, một người khét tiếng về cho vay nặng lãi, đang đứng chờ. Một ông cụ đi lòng vòng mấy lượt, cuối cùng, ông cũng mạnh dạn đi đến chỗ Hà để xin khất nợ vì chưa có tiền trả lãi. Cũng có người xin được trả góp phần vốn, xin được miễn tiền lãi nhưng Hà dứt khoát: “Muốn không trả lãi thì phải trả vốn ngay”.
No comments:
Post a Comment