TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Tuesday, May 4, 2010

Ngược dòng Vu Gia cạn kiệt

Lao Động số 94 Ngày 28/04/2010 Cập nhật: 8:24 AM, 28/04/2010
Tàu cuốc ngăn sông, đãi vàng trên sông Cái - thượng lưu Vu Gia - đoạn qua huyện Nam Giang, Quảng Nam. Ảnh: T.Hải.
(LĐ) - Hơn 10.000 hécta đất nông nghiệp ở hạ lưu sông Vu Gia (thuộc các huyện bắc Quảng Nam và TP.Đà Nẵng) đang khô hạn nguy kịch, gần 1,7 triệu dân cũng đang lo lắng vì dòng Vu Gia ngày càng cạn kiệt.

Song điều lo ngại hơn là thảm hoạ môi trường sẽ xảy ra khi đến năm 2011, thuỷ điện Đắk Mi 4 chặn kiệt dòng thượng nguồn Vu Gia. Bởi thế, Chính quyền và ngành NNPTNT Đà Nẵng - đại diện "người" miền xuôi - kiên quyết đi kiện đến cùng để đòi thuỷ điện Đắk Mi 4 trả nước cho dòng Vu Gia.

Khô, khát...

Tôi ngược dòng sông Hàn, lên Ái Nghĩa - một chi lưu của Vu Gia ở hạ du, mà không thể tin rằng là nơi Đà Nẵng lấy nước để cung cấp cho gần 1 triệu dân sinh hoạt, sản xuất. Sông chỉ như con lạch nhỏ, nặng trĩu bùn đất, đặc quánh vì ô nhiễm từ những "đại công trình" đào vàng, bạt núi lấy than, khai khoáng... từ thượng nguồn trôi về. Càng ngược dòng, sự khô hạn khốc liệt càng lộ rõ.

Nói về vấn nạn này, Phó GĐ Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Tiến cho biết: "Chịu đòn" đầu tiên là những người nông dân ở các huyện bắc Quảng Nam như Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, một phần Hội An và TP.Đà Nẵng. Hơn 10.000 hécta đất nông nghiệp vùng hạ lưu sông khô giòn, lúa đang thì con gái bị thiếu nước, lép kẹp. Nguy cơ mất mùa trên diện rộng là nhãn tiền. Mọi nỗ lực đắp đập ngăn mặn, dẫn nước tưới tiêu, tăng công suất trạm bơm đều trở nên vô nghĩa khi nước từ thượng nguồn không về nữa".

Theo ông Tiến, lưu vực Vu Gia - Thu Bồn của Quảng Nam rộng trên 10.000km2, chiếm 90% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện ngoài 8 thuỷ điện bậc thang lớn (7 cái trên sông Vu Gia), Quảng Nam còn có gần 100 thuỷ điện vừa và nhỏ khác đã được quy hoạch. Điều đáng nói là những đánh giá tác động môi trường, những tính toán rằng thuỷ điện tham gia cắt lũ và chống hạn trước đây của Bộ Công Thương hoàn toàn trái với thực tế.

Ví dụ, Nhà máy thuỷ điện A Vương hiện xả nước, phát điện với lưu lượng 40-65m3/giây, nhiều gấp 2,5-3 lần so với lưu lượng nước về từ thượng nguồn. Như vậy, về mặt lý thuyết, xem ra nhà máy thuỷ điện này đã góp phần chống hạn cho hạ du. Nhưng thực tế không phải vậy. A Vương phát điện theo điều độ của hệ thống điện quốc gia (A0), nhiều lúc xả nước ban đêm, hoặc chỉ 6 giờ/ngày, nước chưa đủ thấm lòng sông, chưa về tới hạ lưu thì đã tắt lịm, ngành nông nghiệp bó tay.

Đó là chưa kể, thiết kế nhà máy không có cống (van xả trầm tích) ở đập chính, đến tháng 7 khi nhà máy đóng cửa, bảo dưỡng, hạ lưu xem như kiệt dòng. Còn Phó GĐ Nhà máy nước Đà Nẵng thì than vãn: "Để cấp nước sạch sinh hoạt cho TP xấp xỉ triệu dân, mỗi năm nhà máy này cấp 60 triệu mét khối, trung bình mỗi ngày phải có 50.000m3. Chúng tôi lấy nước hoàn toàn từ một nhánh sông Vu Gia. Các năm trước, bơm từ Nhà máy Cầu Đỏ là đủ, nay nhà máy phải dẫn nước từ đập An Trạch mới có nước ngọt. Việc dẫn nước xa trên 10km, tốn chi phí gấp đôi không lo ngại bằng dòng sông có nguy cơ cạn kiệt dần trông thấy từng mùa".

Ngược dòng...

Những cụm từ "biến đổi khí hậu", "thời tiết diễn biến cực đoan"... ngày càng bị lạm dụng nhiều tại các diễn đàn, hội nghị. Nhưng sự thật, đấy chỉ là cái cớ để người ta đổ lỗi, lấp liếm cho những hành vi huỷ hoại môi trường của mình - kỹ sư Huỳnh Vạn Thắng - Phó GĐ Sở NNPTNT TP.Đà Nẵng - đã nói như vậy.
 
"Những số liệu tính toán về cân bằng nước rất rõ rằng: Mỗi năm, chỉ tính vào mùa kiệt (tháng 6 - tháng 9), dòng Đắk Mi chảy về xuôi trên 1 tỉ mét khối nước. Trong khi đó, tổng thể tích nước hữu ích tại các hồ thuỷ điện Sông Bung (2, 4, 4A, 6), A Vương, Sông Kôn... (những chi lưu khác của dòng Vu Gia) chỉ xấp xỉ 600 triệu mét khối. Như vậy, khi Đắk Mi cắt tiệt dòng, phát điện mà không trả nước lại dòng cũ, những hồ thuỷ điện kia có xả hết công suất thì hạ lưu Vu Gia vẫn mất đi 400 triệu mét khối nước/năm. Vì vậy, TP.Đà Nẵng kiên quyết kiện đến cùng.
 
Theo ông Thắng, trước đây khi mới phát sinh tranh chấp lưu vực sông Vu Gia, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì làm trọng tài. Tuy nhiên, những nỗ lực của Đà Nẵng đã không hiệu quả bởi Bộ Công Thương tỏ ra "bênh vực" dự án thuỷ điện Đắk Mi 4. Chưa kể, chính bộ này là tác giả của những quy hoạch, tính toán cân bằng nước, biên soạn quy trình vận hành hồ... nên chắc chắn họ không thể tự phủ nhận mình.
 
Việc "đi kiện" đòi trả lại nước cho hạ lưu sông Vu Gia của Đà Nẵng giống như thuyền nan đơn độc ngược lũ. Hiện, Chính phủ đã thay đổi "trọng tài" là Bộ TNMT. Tuy nhiên, nếu bộ này tiếp tục bênh vực Nhà máy thuỷ điện Đắkl Mi 4, thì TP.Đà Nẵng sẽ tiếp tục kiện đến Thủ tướng với quyết tâm là kiện đến cùng - ông Thắng khẳng định.

Mới đây, tại một cuộc họp, giải quyết tranh chấp sông Vu Gia của Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ TNMT - ông Nguyễn Thái Lai đã từng khẳng định: "Nơi nào có thuỷ điện, nơi đấy bị cạn kiệt nước, ảnh hưởng nghiêm trọng hạ du".
 
Song cũng chính ông Lai lại đề xuất: "Cần phải có giải pháp khác, hài hoà các lợi ích kinh tế nhà nước và các vấn đề xã hội. Trước đây, khi thiếu điện trầm trọng, Nhà nước phát động, các nhà đầu tư ào ạt xây thuỷ điện, địa phương nào cũng hưởng ứng, nhưng những tính toán, quy hoạch lại không kỹ dẫn đến hậu quả như hôm nay. Tuy vậy, không thể bỏ dự án, đập phá nhà máy để trả nước về hạ du. Những tuyên bố trái ngược này của "trọng tài" và TP.Đà Nẵng chắc chắn sẽ dẫn vụ kiện tranh chấp lưu vực sông Vu Gia sẽ kéo dài, diễn biến phức tạp hơn.

Sông cạn, văn hoá... "mòn"

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng - Trưởng khoa Thuỷ lợi, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, một trong những chuyên gia đầu ngành thuỷ lợi của VN hiện nay - thì tỏ ra bất mãn: "Tôi cho rằng, điều cốt lõi nhất là phải có một đạo luật thật nghiêm về bảo vệ rừng đầu nguồn. Mất rừng, môi trường bị huỷ hoại, cả nước sẽ lâm nguy chứ không chỉ riêng Quảng Nam.

Còn với thực trạng xây dựng thuỷ điện dày đặc như hiện nay, hạ du chỉ còn nước tính toán chuyển đổi cây trồng, chuyển đổi ngành nghề cho nông dân, chứ mọi tính toán, kiện tụng hiện nay là khó có được hiệu quả như mong muốn. Xưa nay không ai làm nông mà giàu cả, phải tính hiệu quả kinh tế lớn mà các nhà máy thuỷ điện đem lại, dù là chỉ trước mắt".
 
Phát biểu này của GS Hùng đã bị Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - ông Phan Đức Tính bác bỏ: "Đúng là làm nông xưa nay không ai giàu, song không thể cùng một lúc có thể chuyển đổi ngành nghề cho hàng vạn nông dân vùng hạ du, chuyển đổi hơn 10.000 hécta đất nông nghiệp. Chỉ với vài ba trăm hộ tái định cư lòng hồ, các dự án thuỷ điện cũng không lo xong cho dân, nay bảo cả vạn nông dân bỏ ruộng, hậu quả xã hội khó lường hết. Sông cạn, không chỉ đất nông nghiệp khô, mất khả năng sản xuất mà vùng sinh thái hạ du sẽ bị nguy kịch. Sự thay đổi quá chóng vánh ở các làng quê, các ngành nghề ở nông thôn sẽ làm xáo trộn mạnh cuộc sống và bộ mặt nông thôn.
 
Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần thuỷ điện A Vương - ông Nguyễn Văn Lê thì quan niệm rằng, những hậu quả về khô hạn và lũ dữ ngày càng nặng nề hơn có nhiều lý do tổng hợp chứ không chỉ riêng các dự án thuỷ điện gây ra. Trực quan nhất là việc phá rừng đầu nguồn, phát triển các khu đô thị mới dày đặc ở hạ lưu, ngăn sông, lấp biển, nâng quốc lộ tránh lũ... Vì vậy, để mổ xẻ vấn đề xã hội rộng lớn này cần thời gian, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, bộ ngành trung ương...

Thực tế  đúng như ông Lê nói, bởi vấn nạn sông cạn, rừng mất, cửa biển bị sa bồi, hàng vạn người dân vùng hạ du khốn đốn... trở thành vấn đề xã hội lớn, ngoài tầm của một địa phương. Chỉ có điều là người dân lao động nghèo ở nông thôn đang phải đối mặt với hậu quả này.

Tôi ngược đến thượng nguồn Vu Gia, rẽ qua sông Bung, về sông Cái rồi Đắk Mi... chứng kiến cảnh tàu cuốc lật ngược sông để đào vàng, khai thác cát. Người ta vơ vét tài nguyên ít ỏi còn sót lại, chạy đua bởi không lâu nữa, sông sẽ chết hoặc biến thành hồ nước thuỷ điện... mà ngao ngán khi nghĩ về hạ du. Sẽ chẳng còn đâu những biền dâu bãi bắp, những làng nghề nên thơ, những vùng đất với đầy trầm tích văn hóa như hạ lưu Thu Bồn, Vu Gia vốn có.

Thanh Hải

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty