Khánh An, phóng viên RFA
2010-05-04
Giới trẻ Việt Nam cần phải làm gì để người Việt dù ở đâu đều có thể góp sức để giúp đất nước phát triển, dân chủ, công bằng.
Mời quý vị và các bạn cùng tái ngộ với các bạn trẻ là Diệu ở Đức, Hoàng ở Pháp, Thìn và Thảo ở Hà Nội và Phương Anh đến từ Sài Gòn.
Việt Nam còn lạc hậu
Lần trước, bàn về những suy nghĩ của giới trẻ nhân ngày 30 tháng 4 chúng ta đang dừng lại ở ý kiến của chị Diệu: "Tại sao báo chí Việt Nam không có nói là thế giới này có bao nhiêu người đã lãnh giải Nobel, Việt Nam mình sao không có ai?"
Khánh An: Nhân chuyện Thìn nói đến là có mấy vị tướng, 2/6 đó, mình nghe bạn nói vậy, mình nghĩ nếu mà bạn thay vì tự hào là có mấy vị tướng trong Guinness của thế giới đó, thì bây giờ có bao nhiêu nhà khoa học đạt tiêu chuẩn của quốc tế, hay là gần hơn nữa có bao nhiêu bạn trẻ Việt Nam được những học bổng quốc tế so với các nước khác?
Thìn: Em nghĩ, cái đấy nói chung, ở Việt Nam cũng có nhiều chứ. Nói về lý thuyết thì Việt Nam có nhiều người được giải toán học và giải vật lý.
Khánh An: Hoàng bây giờ đang là nghiên cứu sinh, nói cách khác là một nhà khoa học, Hoàng nghĩ như thế nào?
Sau này hoặc là không đủ điều kiện hoặc là tổ chức không thuận lợi chăng, từ đó cho nên nền khoa học của Việt Nam bị chững lại.
Bạn Hoàng
Hoàng: Tất nhiên, sự phát triển khoa học là phát triển của toàn cầu. Không thể nào nói là người ta phát triển mà mình không phát triển, bởi vì bản thân khi người ta đã viết ra một cuốn sách thì chị đọc cuốn sách chị sẽ tiến đi với tốc độ gấp 10 lần cái người nghiên cứu, đúng không? Cho nên, không thể nào nói cái khoa học bây giờ so với khoa học trước kia là mình đã tiến rất nhiều, cái đó cũng đúng nhưng mà không phải chính xác đâu, chỉ có điều em muốn nói rằng tiềm lực khoa học của Việt Nam trước 75 lớn lắm, bằng chứng là gì, cái này chắc chắn em hoàn toàn tin tưởng vào các dữ kiện của em.
Đó là gì? Trước 75, nền khoa học của các nước Đông Nam Á và Việt Nam mình rất rực rỡ. Em không nói về chuyện Hòn Ngọc Viễn Đông, cái đó là chuyện tài sản em không nói, bây giờ em đang đang nói đến chuyện tri thức, có nghĩa là trước 75 Việt Nam có những trường đại học xịn, có những người giáo sư rất xịn, và có lẽ vì như thế chăng, cái bằng của Việt Nam đã được quốc tế thừa nhận. Họ tin tưởng vào chất lượng của giáo dục đại học Việt Nam và bằng chứng là gì? Việt Nam có những công trình nghiên cứu mà nó có giá trị cho đến bây giờ. Sau này hoặc là không đủ điều kiện hoặc là tổ chức không thuận lợi chăng, từ đó cho nên nền khoa học của Việt Nam bị chững lại, chứ bản thân tư chất người Việt Nam là một tư chất thông minh và nó được chứng minh là nó đã có một thời gian mà các nước không sánh kịp.
Tất nhiên, nếu mà nói như bạn Thìn thì mình rất giỏi về khoa học lý thuyết, đúng, cái đó chứng tỏ người Việt Nam thông minh đó, bởi vì dù sao chúng ta cũng vượt qua được một vài rào cản về mặt cơ sở vật chất. Em thấy là cái tư chất đấy là tài sản rất quý của dân tộc, nhưng em thấy tiếc là nó không có điều kiện như nó phải có để có thể phát triển hơn. Chứ còn bây giờ có nhiều người nói là Sài Gòn trước 75 là một sự phồn hoa giả tạo thì về mặt vật chất, em không đẻ ra lúc đó nên em không biết. Bây giờ bằng cách tra lại các tài liệu khoa học, em cho rằng nền khoa học của Sài Gòn trước 75 không thể nào là một nền khoa học giả tạo bởi vì giả tạo thì làm sao chị có bài báo, chị có công trình, đúng không? Bây giờ ví dụ như chị không có tiền để mua một cái ghế salon thì chị có thể mượn tiền của bạn để chị mua và chị gọi đó là một sự giàu sang giả tạo, đồng ý, nhưng bây giờ không ai đi nghĩ ra một công trình rồi cho chị đứng tên không không vậy hết trơn đó.
Tiềm lực bị hạn chế
Khánh An: Nói một cách khác, đó là trong đất nước mình hiện nay, tiềm lực và khả năng rất lớn, nhưng một cách nào đó, nó đang bị ở trong một cái khung chăng? Và nó không được phép để mà nở rộ, để mà phát triển?
Diệu: Đúng rồi đó.
Thìn: Em xin nói. Chị bảo rằng nó ở trong một khung thì đúng, nhưng chị bảo là nó không được phép để phát triển thì là em nghĩ là không đúng, bởi vì nó được phép nhưng nó không đủ điều kiện để phát triển...
Hoàng: Đúng. Đúng. Câu của Thìn vừa nói là hoàn toàn chính xác. Nó không có đủ điều kiện để phát triển.
Khánh An: Vậy những điều kiện đó là gì?
Thìn: Đó là kỹ thuật và công nghệ để mình thực hiện đấy. Ở Việt Nam, các thầy giáo dạy em thì thầy giáo cũng nói "chung quy cũng chỉ tại vua Hùng, đẻ ra một lũ thằng khùng thằng ngu, thằng khôn thì nó vượt biên, để lại trong nước một lũ thằng ngu thằng khùng", nên là những người người ta khôn thì người ta vượt biên hết rồi, ở trong nước thì không đủ điều kiện để cho người ta phát triển đâu chị ạ.
Phương Anh: Em không đồng ý cái này tại vì bản thân ông ngoại em là tiến sĩ ở trong nước và nếu mà nói về gia cảnh của em thì có thể nói là hiện giờ ông em nuôi cả gia đình vẫn còn được.
Nó ở trong một khung thì đúng, nó không được phép để phát triển thì là em nghĩ là không đúng, bởi vì nó được phép nhưng nó không đủ điều kiện để phát triển...
Bạn Thìn
Thìn: Không. Nhưng anh xin phép Phương Anh, thực ra tỷ lệ giáo sư ở Việt Nam rất là nhiều, giáo sư ở Việt Nam cực kỳ nhiều luôn, giáo sư tiến sĩ cực kỳ nhiều, nhưng mà để được thế giới công nhận là giáo sư thì không có đáng bao nhiêu đâu ạ.
Phương Anh: Em đang xét như vậy là ông em vẫn ở trong nước từ trước 75 đến sau 75 vẫn ở trong nước.
Diệu: À, OK, tức là ông em là giáo sư tiến sĩ trước 75, còn anh Thìn có thể đang nói là sau 75.
Phương Anh: Ờ, em không chắc. Mà chắc là như vậy vì ông em đã tám mấy rồi, nhưng mà kiến thức của ông em cho tới bây giờ vẫn đủ để mà nuôi em ăn học và có thể là gánh vác cả gia đình luôn.
Hoàng: Em xin nói thêm một tí. Em nghĩ là nếu muốn nói về điều kiện để phát triển khoa học thì người ta thường hay đổ thừa là tại vì điều kiện vật chất còn ít. Cái đó đúng, cái đó là một diều kiện căn bản, nhưng mà phát triển khoa học cần một sự ổn định. Em có thể nói ra 3 điều kiện mà em cho là quan trọng để có thể làm khoa học được. Thứ nhất, anh phải có sự giao lưu, vì khoa học nó thể hiện là làm việc nhóm. Giáo lưu ở đây là giao lưu trong nước và giao lưu quốc tế.
Tôi phải biết được người ta đang làm gì để tôi không lặp lại nữa và tôi có thể làm tiếp. Điều kiện thứ hai là người làm khoa học phải được một sự tự do trong tư tưởng, bởi vì chính cái tự do đó nó thể hiện bản sắc của anh. Trong khoa học, chính cái tự do đó nó cho phép anh vượt ra những cái quan sát thông thường để thấy được những cái xa hơn, vì có một thời chị biết là Việt Nam mình có một vở kịch rất vui là vở kịch "Tôi và chúng ta". Họ nói là bây giờ phải dẹp cái "tôi" đi mà hướng tới cái "chúng ta", mà thực ra khoa học là cái "tôi" chứ không phải cái "chúng ta". Rồi cái thứ ba nữa, cái quan trọng và rất đời, là người làm khoa học không được phép quá lo vướng về cơm áo gạo tiền hàng ngày nữa.
Bây giờ chị hình dung ra, chị làm sao có thể ngồi nghĩ những cái xa hơn mà chị không biết là chị sẽ thành công hay không thành công trong khi con chị đói, vợ chị lam lũ như vậy chị có dám nghĩ những cái xa xỉ như vậy không? Không thể nào nói như Thìn hơi quá đáng là mấy người không vượt biên được là mấy thằng ngu thì không đúng bởi vì Hoàng rất ngưỡng mộ những người thầy đã hướng dẫn cho mình, nhưng các thầy đều nói là giống như một viên ngọc, nó chỉ sáng nếu nó được mài dũa.
Khánh An: Ở điều thứ hai Hoàng nói, đó là sự tự do…
Diệu: …trong tư tưởng.
Thiếu tự do trong tư tưởng
Khánh An: Ừ, trong tư tưởng, thì các bạn ở trong nước các bạn hiểu như thế nào về ý "sự tự do trong tư tưởng"? Theo các bạn, hiện nay các nhà khoa học có được tự do trong tư tưởng hay không?
Thìn: Ý anh Hoàng nói hình như là pháp luật của Việt Nam còn nghiêm khắc, đúng không ạ? Nó không cho mình nghiên cứu nhiều thứ bên ngoài, giống như bây giờ chị nghiên cứu ra một vũ khí hay một chất nổ gì đó là chị không được nghiên cứu, đúng không ạ? Bởi vì cái đấy là không hợp pháp.
Hoàng: Không. Hoàng hoàn toàn không có ý nói về chuyện luật pháp. Hoàng chỉ nói là cái người nghiên cứu phải là người được, thứ nhất là được làm cái mà mình đam mê, bởi vì bản thân nghiên cứu là em đang vươn tới việc nói một sự thật, mà muốn nói một sự thật là em phải có được sự tự do cơ. Ví dụ, đã có một thời gian ở Việt Nam mình tất cả mọi người đều phải nói là "trăng nước Nga tròn hơn trăng nước Mỹ", đó là một việc rất là phản khoa học. Hoàng dẫn chứng một câu chuyện hơi buồn cười một tí nhưng cho thấy là mình đã không có tự dó rồi. Tôi không được nói ra điều mà tôi nghĩ.
Thìn: Ý kiến đó, Phương Anh nghĩ thế nào, Phương Anh ?
Phương Anh: Đối với em thì em không hiểu em nghĩ đúng hay sai nhưng xét trên giảng đường đại học thì vẫn còn một số giảng viên, nếu sinh viên nêu lên ý kiến của mình thì họ sẽ bác bỏ đi, cũng như sinh viên không được nêu ý tưởng của mình lên.
Diệu: Mình bổ sung chỗ này một chút. Cái đó cũng là một cái mà mình thấy những bạn mà, không biết mình có chủ quan quá không, nhưng những người 9X hoặc 8X có thể bị thiệt thòi hơn, tức là cái chất lượng của đội ngũ giáo viên và giảng viên đó. Hồi mình còn nhỏ, vì mình sinh năm 75, cho nên tới năm 80-81, mình đi học Lớp Một thì những giáo viên dạy cho mình viết những con chữ abc đầu tiên là những giáo viên được đào tạo trước 75. Cho nên, mình có thể viết câu cú đàng hoàng và những đứa bạn bè mình cũng vậy.
Trong khi bọn mình ra trường mà dạy lại mấy đứa nhỏ thì không biết dạy dỗ sao mà bây giờ nó viết văn, viết câu viết cú không có, không phải mình nói số đông ai cũng vậy, nhưng mà đa số là chất lượng của học trò về sau không có tốt. Rồi giảng viên cũng vậy đó. Những giảng viên mới và trẻ về sau chất lượng và nhiều thứ về nhân cách, tư cách mình không dám bàn, nhưng cái chất lượng, cái niềm đam mê, như Phương Anh vừa mới nói đó, mình có hỏi hay có giơ tay nói gì đó thì họ cũng chẳng để ý, thì nó làm cho cái đam mê của sinh viên cũng thiếu đi. Đi học là để biết cách làm ra một cái gì đó, biết cách nghiên cứu thì cái đó là mình thấy lúc nãy trong những cái điều kiện mình nói mà Việt Nam thiếu cái gì làm cho mình phát triển, thì cái đó là một cái mình thiếu: Phương pháp nghiên cứu và học tập.
Em cũng mong đất nước Việt Nam mình sẽ có cuộc sống thật là hạnh phúc, thật là ấm no và phát triển để không phải thua kém các nước bạn nữa.
Bạn Thìn
Hoàng: Nếu mà không có đủ tự do thì nó hướng người ta đến chỗ nói dối, nói dối và làm dối, dần dần mất luôn phản xạ là dám nói hoặc muốn nói những điều mình suy nghĩ nữa. Giả sử có một sinh viên học về khoa học chính trị, họ muốn làm một luận văn ra trường là "nghiên cứu những tính ưu việt của chủ nghĩa tư bản", họ có dám làm luận văn đó và liệu họ có bị đánh rớt hay không?
Diệu: Kêu Thìn làm đi!
Hoàng: Thìn học về công nghệ thông tin thì em không nói, nhưng mà ý em muốn nói là rõ ràng tại sao luận văn như thế nó quá ít.
Khánh An: Vâng. Các bạn có nghĩ rằng các bạn sẽ làm một điều gì cho đất nước không?
Hoàng: Em chỉ mong rằng đất nước của mình ngày càng phát triển, người dân được sống hạnh phúc, bởi vì họ đã khổ quá rồi. Ngay cả việc bạn Thìn vừa nói là thế giới có 6 vị tướng tài mà mình đã có 2, một phần nói lên là người Việt Nam giỏi, một phần nói lên Việt Nam chiến tranh nhiều quá, chiến tranh lâu quá.
Khánh An: Và bạn nghĩ là bạn có thể làm được điều gì để điều ước đó trở thành sự thật?
Hoàng: Cá nhân em sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và làm những gì có thể trong tầm tay hoặc trong tầm với của mình.
Diệu: Vâng. Mình thích được giúp người khác, và đặc biệt là giúp những người trẻ, đặc biệt hơn nữa là giúp những người trẻ trong lãnh vực giáo dục. Mình mong muốn là mình tiếp thu được cái phương pháp, cái tinh túy của khoa học ở bên này là khoa học văn chương và ngôn ngữ học mình đang theo, để giúp cho những thế hệ sinh viên sau này mà mình thấy mình có trách nhiệm, vì những điều kiện thiếu thốn mà lúc nãy tụi mình nói chuyện với nhau thì có nhiều bạn không có điều kiện đó và cái đó không phải là cái tội của họ, cho nên mình được có điều kiện thì mình thấy mình có nhiệm vụ phải giúp họ để họ cũng có điều kiện tiếp thu được những điều mà mình được biết.
Khánh An: Còn các bạn đang ở Việt Nam?
Thìn: Đối với em, em chưa có ý nghĩ em sẽ lo được gì cho đất nước hay là làm cái gì hay không, nhưng em cũng mong đất nước Việt Nam mình sẽ có cuộc sống thật là hạnh phúc, thật là ấm no và phát triển để không phải thua kém các nước bạn nữa.
Thảo: Em cũng như các anh chị thì em mong cho đất nước mình ngày càng phát triển, dân được ấm no hạnh phúc, và với thế giới này em mong mỏi mọi sự đàm phán sẽ thành công trên bàn tròn để không xảy ra chiến tranh.
Khánh An: Cảm ơn các bạn rất nhiều đã tham gia vào chương trình ngày hôm nay. Và có lẽ là một mong ước chung của tất cả tụi mình là người dân được hạnh phúc, giống như Hoàng nói, vì người dân mình đã khổ nhiều rồi. Ngày 30 tháng 4 đã trải qua được 35 năm rồi, hy vọng rằng một ngày thật gần, Việt Nam mình sẽ tập hợp và có được sự thống nhất giữa người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở tất cả các nước khác. Như vậy thì mình mới có được sức mạnh tổng hợp...
Diệu: Nó mới thành một chuỗi ngọc.
Khánh An: Đúng rồi. Và những viên ngọc mới có cơ hội được mài giũa và tỏa sáng. Mong gặp lại các bạn trong một dịp gần nhất. Cảm ơn các bạn rất nhiều đã tham gia vào chương trình. Xin chào các bạn.
No comments:
Post a Comment