Giá vàng tăng chóng mặt không chỉ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, đến một số ngành kinh tế vĩ mô mà nó tác động tức thì tới hầu bao của tất cả mọi gia đình, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân.
Những ngày này, các mặt hàng tiêu dùng ngoài chợ cũng tăng theo, ai thắc mắc hầu như cũng nhận được câu trả lời từ những người bán hàng "vàng tăng thế mà...".
Vàng "đâm" thủng túi bà nội trợChị Doan, nhà ở Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội thực sự choáng với giá cả khi ra chợ cóc trên đường Vương Thừa Vũ. Mua được mớ rau muống, vài bìa đậu, hành, cà chua, mấy quả chanh đã mất hơn 30 ngàn.
Tưởng người bán tính nhầm, hỏi lại mới ngớ ra. Mớ rau muống hôm trước chỉ 3.000 đồng nay tăng lên 6.000 đồng. Cà chua tăng từ 15 lên 20.000/cân. Bắp cải 10.000đ/cân (trước 6-7.000 đồng). Su hào tăng 3-5.000 đồng /củ. Thậm chí những thứ lặt vặt như củ hành, củ khoai, miếng gừng, gói tăm... cũng tăng. Người bán giải thích gọn lỏn: "Vàng tăng, gì cũng phải tăng theo".
|
Giá cả leo thang, khiến bữa cơm sinh viên càng đạm bạc. Ảnh minh họa |
Ra hàng thịt lợn, chị Doan mới thực sự hoang mang vì sự tăng đến chóng mặt. Thịt lợn tăng so với hai hôm trước tới 20.000 đ/cân. Cá thu, cá nước ngọt, thịt bò... đều nhất loạt tăng. Vẫn một lời giải thích: "Lên theo vàng". Chị Doan tâm sự: "Mấy hôm nay đi chợ cứ như bị mất cắp tiền".
Một thực tế là hầu hết các mặt hàng thực phẩm bày bán trong siêu thị thời điểm này đều rẻ hơn ngoài chợ 15-20% nhưng do tâm lý tiện đâu mua đấy và quan niệm siêu thị dành cho người giàu nên vô hình chung các bà nội trợ tự mở nắp túi cho người ta móc tiền.
Còn tiểu thương kinh doanh thực phẩm, rau của quả tại các chợ thì lợi dụng vàng tăng giá cũng tự ý tăng theo. Người mua xót tiền nhưng vẫn phải chép miệng chấp nhận.
Sinh viên nhịn ăn sáng
Hoàng Liều, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, một người tự nấu ăn cho biết, cô sẽ rủ thêm người phòng trọ bên cạnh cùng nấu ăn cho tiết kiệm. Cắt bớt những gia vị không cần thiết.
Đầu tháng có tiền nhà gửi cô sẽ mua những đồ có thể dự trữ như mỳ tôm, dầu ăn trong các siêu thị trong tháng khuyến mại này, ít nhiều cũng tiết kiệm được. Còn Nam thì cho biết: Đã từ hai tháng nay, mỗi tuần cậu phải đi gia sư vào ngày thứ 7 và chủ nhật. Mỗi tháng Nam cũng có thêm hơn 1 triệu đồng để chi tiêu.
Nguyễn Mạnh Nam sinh viên Đại học Thương mại tâm sự: "Mình học kế toán mà chẳng mấy khi dùng đến. Bây giờ vàng lên, giá cả tăng theo, tự nhiên cái gì chi tiêu mình cũng phải đắn đo, ghi chép tỉ mỷ các khoản chi tiêu để xem có cắt giảm được gì không. Mà trước mắt là mang về trình thầy u để tháng sau xin thêm trợ cấp".
Nam bắt đầu thể hiện tài kế toán của mình khi kể sự bất cập giữa thu và chi tháng này. Học phí tăng, nó là một khoản đóng cố định xin một lần một kỳ đóng từ đầu kỳ học thì tạm thời bỏ qua không tính vào chi tiêu của tháng.
Một tháng, bố mẹ cho Nam 1,4 triệu đồng (mức khá cao của con em nông thôn). Tiền nhà mất 500.000 đồng, phòng Nam đang ở 3 người, tháng tới lên 1,8 triệu. Mỗi người mất 600.000 đồng tiền nhà. Tiền nước, 40.000 đồng, tiền xe buýt 50.000 đồng.
Nam bảo: Chủ nhà không cho nấu ăn, ngày trước một suất cơm 15.000 đồng, con trai như Nam ăn tạm no. Bây giờ phải 20.000 đồng mới không đói. Như thế tiền ăn mỗi tháng, cứng đã là từ 900.000 đồng đến hơn 1 triệu. Từ đầu tháng 11, Nam đã phải cắt bữa sáng. Như vậy một tháng Nam bị thâm hụt tới 300.000 đồng so với trước đó.
Tình cảnh khó khăn như Nam không phải hiếm. Sinh viên đi học con em nông thôn chiếm phần đông. Ngay chính ở nhà, bố mẹ họ cũng phải từng ngày lo giá phân bón tăng, thức ăn chăn nuôi tăng, tiền ăn cưới, chi tiêu trong gia đình.
Nhiều nhà còn không có thu nhập cố định hàng tháng. Lo cho con mỗi tháng hơn triệu như gia đình Nam đã là một sự cố gắng. Trước khi chờ sự hỗ trợ từ gia đình, nhiều bạn sinh viên phải tự tìm cách xoay xở để kiếm thêm thu nhập trang trải việc chi tiêu với hy vọng mong manh tháng sau giá cả sẽ giảm!?
(Theo ĐS&PL)
No comments:
Post a Comment