TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Sunday, February 6, 2011

Tăng trưởng không có nghĩa hy sinh hạnh phúc của dân


Một xã hội ổn định là phải có niềm tin giữa người với người, ứng xử với nhau tương kính. Đó chính là vốn xã hội, để có tăng trưởng bền vững. Chính từ những trải nghiệm thực tế đã đúc kết một thông điệp thấm thía: tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá không hẳn mang lại hạnh phúc cho người dân.

> Kỳ 1; Kỳ 2

Nhà báo Thu Hà: Thưa các vị khách mời, quốc gia có nền công nghiệp lâu đời và nổi tiếng bảo thủ như Anh mới đây đã công bố soạn thảo kế hoạch đo "chỉ số hạnh phúc" của dân chúng để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách. Một số quốc gia khác như Pháp, Canada cũng đang xem xét thực hiện biện pháp tương tự. Các quyết sách được xem xét theo hướng "các tài nguyên đang sử dụng cần phải để dành cho thế hệ tương lai. Ý kiến của các vị về việc này như thế nào?

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích: Muốn có tăng trưởng bền vững là phải biết đặt câu hỏi: Cách chúng ta làm như thế này liệu thế hệ sau có khá hơn thế hệ trước không?

Ông Trần Sĩ Chương: Tôi rất ấn tượng với tâm tư của GS. Trần Văn Thọ khi bàn về tăng trưởng bền vững. Ông ấy nói đơn giản thế này: "cứ nói chuyện GDP tăng trưởng thế này thế kia, nhưng theo tôi, phát triển có chất lượng là đếm xem còn bao nhiêu cô gái nước mình phải đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc vì cần tiền. Năm sau số lượng này có giảm đi hay không? Nếu con số này tiếp tục giảm thì đó là tăng trưởng bền vững".

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích: Tôi đã nói rồi, các chính sách quốc gia phải làm sao tạo điều kiện, tạo phương tiện để người dân có thể sống hạnh phúc.

Một trong những điều khiến cho người dân cảm thấy hạnh phúc mà mỗi chính phủ có thể làm được ngay, đó là dân chúng bực mình cái gì thì cho họ nói ra. Nếu làm được điều đó thì xem như  đã giải quyết được cái căn bản để tạo phương tiện cho người dân có cơ hội hưởng hạnh phúc rồi.

Toàn cảnh cuộc tọa đàm. Ảnh: Linh Phạm

Ông Trần Sĩ Chương: Sự vận hành kinh tế tối ưu đó là làm sao phân bổ nguồn lực một cách tối ưu, hài hòa.

Chính trị = kinh tế + xã hội. Cho nên điều nên làm là làm sao để xã hội vận hành một cách hài hòa, trơn tru. Làm được như vậy, không chỉ giúp kinh tế tăng trưởng mà toàn xã hội cũng sung mãn hơn.

TS. Alan Phan: Đặng Tiểu Bình, khi thực hiện chính sách cải cách kinh tế, ông ấy nói sẽ có những người giàu trước và có những người giàu sau, đó là quy luật buộc phải chấp nhận. Thực tế là khi Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa, họ thực sự không có nhiều lựa chọn. Tài nguyên ít, nhân lực kém cỏi, vốn liếng thiếu hụt, cơ chế chậm tiến...Quản lý quốc gia cũng không khác quản lý một gia đình là mấy. Chỉ có 100.000 đồng mà đòi vợ phải mua tôm hùm, liệu có khả thi được không?

Ông Trần Sĩ Chương: Cái giỏi là ở chỗ, chỉ có chừng đó tiền, nhưng làm sao vẫn duy trì được bữa ăn ngon, đủ chất.

TS. Alan Phan: Điều đó còn phụ thuộc bà nội trợ không chỉ giỏi chi tiêu mà còn phải biết chế biến món ăn cho ngon nữa, dù chỉ có rau dưa. Trong hòan cảnh eo hẹp khó khăn như hiện nay, không biết các kinh tế gia của chánh phủ có giỏi nấu ăn không?

Nhà báo Thu Hà: Vậy theo quí vị, định hướng kinh tế quốc gia cần được thiết kế như thế nào để có thể đạt đến mức ổn định và bền vững làm cơ sở để người dân có thể hạnh phúc?

TS. Alan Phan: Tôi đồng ý với ý kiến của Luật sư Nguyễn Ngọc Bích, nên bắt đầu bằng cách để người dân nói. Hãy cứ để người dân đưa ra giải pháp, còn anh có làm hay không đó lại là chuyện khác; làm rồi có đụng chạm đến ai hay không, lại là chuyện khác nữa.

TS. Nguyễn Tường Bách: Các chính phủ nên tìm hiểu trong xã hội hiện nay, đâu là mầm mống bất mãn, đó là điều quan trọng nhất. Các nhà chính trị có thể nhìn đủ thứ chuyện, thí dụ GDP, nhưng nhà chính trị sáng suốt thì phải hiểu rõ đâu là sự bất mãn xã hội. Về nguyên nhân của bất mãn thì nạn độc tài, tham nhũng và khoảng cách giàu nghèo, như ở Tunisia, là những cái cớ khiến dân chúng bất mãn.

Ngoài ra, còn là vấn đề thiện và ác. Ngày nay, người ta rất sợ nếu cái ác lan tràn.

Như vậy, để xã hội giảm thiểu bất mãn, chính sách quốc gia phải làm sao đối trị được 3 vấn đề: tham nhũng, phân biệt giàu nghèo, bất thiện lan tràn.

Tôi đồng ý với anh Trần Sĩ Chương, nhà nước phải mạnh dạn thiết lập những bộ phận có nhiệm vụ báo động. Giống như người phi công, khi có chuyện trục trặc thì đèn đỏ phải bật lên để báo động cho mình. Cái này chỉ có Nhà nước mới làm được, chỉ có Nhà nước mới xác lập được bộ phận cảnh báo đó.

Ông Trần Sĩ Chương: Điều đó phụ thuộc vào mức độ quan tâm của người lãnh đạo. Người có tâm thì khi thấy người khác đau họ sẽ trăn trở, thắc mắc tại sao anh đau hoài vậy. Họ sẽ không chỉ cho uống thuốc giảm đau đơn giản, mà sẽ tìm mọi cách truy tìm bằng được căn bệnh đó để chữa trị.

Theo tôi, vấn đề ở đây là phải xác định mình là ai, xác định yếu tố quan tâm để có trách nhiệm. Phải xác định mình là ai, ở vị trí nào thì chính phủ mới đề ra được chính sách phù hợp. Đó là cái tâm, phải làm bằng cái tâm mới ra trách nhiệm.

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích: Vấn đề là ở chỗ, những việc tôi làm là vì anh hay vì tôi. Thực lòng tôi làm vì tôi, nhưng lại nói là làm vì anh thì là nói dối. Hay người ta nói, anh Bích ơi, anh phấn đấu lên đi, nhưng khi tôi phấn đấu lên rồi thì sau đó anh lại tìm cách đá tôi thì sao. Chuyện gì sẽ xảy ra. Vấn đề là nằm ở chỗ đó.

Ông Trần Sĩ Chương: Hồi còn ở Mỹ, có dạo trời mưa nhiều khiến đường bị hư hỏng, dù chỉ tróc lở một ít thôi. Nhưng ngay ngay hôm sau, vị quan chức chịu trách nhiệm phải lên tiếng xin lỗi trên đài truyền hình địa phương và bắt tay khắc phục lại. Nếu ông ta không làm như vậy, kỳ sau ra ứng cử, đối thủ họ mang chuyện đó ra bêu riếu thì ông ta không được đắc cử nữa.

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích: Nó phụ thuộc việc anh ta đã lên vị trí ấy bằng cách nào. Tâm lý thường tình là người nói dối không bao giờ tin được người khác nói thật.

Ông Trần Sĩ Chương: Một trong những điều vừa cơ bản lại vừa quan trọng của phát triển bền vững là vốn xã hội.

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích: Đó là niềm tin.  Niềm tin là yếu tố căn bản để tạo ra tăng trưởng bền vững.

"Phải làm sao cho xã hội có sự tự trọng, tương kính với nhau thì mới mong phát triển bền vững được". Ảnh: tin247

Ông Trần Sĩ Chương: Người Nhật sau chiến tranh, cả xã hội kiệt quệ. Nhưng tại sao người Nhật có sức bật mạnh đến như vậy. Đó là nhờ họ có có tinh thần võ sĩ đạo. Đó là tinh thần không chịu nhục. Nước Nhật không có tài nguyên, nhưng đất nước này đã phát triển thuộc hàng nhất nhì thế giới nhờ lòng tự trọng, nhờ sự tương kính. Đó là giá trị cao nhất của người Nhật.

Tôi từng chứng kiến, khi kết thúc buổi họp, đi từ phòng làm việc ra thang máy, họ đã chào nhau tới 7 lần. Cứ ra sân bay chứng kiến cảnh người Nhật đưa tiễn nhau sẽ thấy, người quen đi khuất sau cổng rồi mà người đưa tiễn vẫn cúi chào. Phát triển bền vững chính là cái đó. Chúng ta nói rất nhiều và đưa ra không ít sáng kiến, tuy nhiên theo tôi, phải làm sao cho xã hội có sự tự trọng, tương kính với nhau thì mới mong phát triển bền vững được.

Nhà báo Thu Hà: Vậy phải làm sao để người Việt Nam chúng ta có một xã hội tương kính như thế?

TS. Nguyễn Tường Bách: Tôi có một bài viết, trong đó có ý, "hiện nay đất nước chúng ta thiếu sự tương kính trong xã hội, mà có thừa sự vô cảm và coi thường lẫn nhau. Tôi trông đợi nhiều vào nhà nước, vào giáo dục". Bao lâu rồi, nhưng xem ra vẫn chưa có cải thiện đáng kể.

Có anh bạn kể, cứ ra đường lớn thì thấy, người ta chạy xe hung hăng, không ai nhường ai, tranh giành dữ lắm... Nhưng cứ vào trong các ngõ hẻm, người ta lại biết nhường nhịn nhau. Từ đó anh suy ra, phải chăng tâm lý của con người bình thường vẫn còn rất "thiện". Tôi rất muốn tin nhưng không chắc, nếu nếu chỉ dựa vào việc lái xe trên đường có nói lên được được tâm lý con người hay không. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các vấn đề như tham nhũng, hà hiếp mà báo chí thường đưa tin thì đúng là có nhiều điều đáng lo ngại. Phải làm sao để số người người sẵn sàng làm cái ác ngày càng ít đi, thì xã hội sẽ có niềm tin, sẽ có tương kính.

TS. Alan Phan: Vốn xã hội phải dựa trên cơ sở đạo đức văn hóa, và văn minh hài hòa. Đó mới là vấn đề quan trọng chứ không phải tài nguyên nhiều hay ít, hay năm nay GDP sẽ tăng trưởng bao nhiêu, hay kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục hay tiếp tục suy thoái.

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích: Cuộc sống sẽ tạo ra sự thay đổi. Không thể ù lì mãi được.

TS. Nguyễn Tường Bách: Những thông tin mà chúng tôi có được đã xác nhận những gì anh Bích vừa nói đó, hình như đã có sự chuyển hướng trong giới lãnh đạo của chúng ta đối với nền văn hóa của đất nước. Tôi đã gặp rất nhiều người trẻ, dưới 35 tuổi, từ Bắc chí Nam, và thấy họ hướng tới những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Từ những chuyện ở trên, những chuyển biến ở trên, cộng với niềm tin của riêng tôi về sự điều chỉnh tự nhiên của "vũ trụ", tôi tin rằng không có gì phải tuyệt vọng.

Ông Trần Sĩ Chương: Thì mình đang nói chuyện hạnh phúc và lạc quan mà. Tôi cũng tìm đến một điểm lạc quan.

Là một chuyên viên kinh tế, nhiều năm sống ở nước ngoài, hơn mười năm nay trở về nước sống và làm ăn, tôi xin được chia sẻ thế này: "Giấy rách phải giữ lấy lề". Điều làm cho tôi lạc quan đó là dấu hiệu người dân ta đã bàn nhiều về cái lề, vì không có lề nó lộn xộn quá.

Tuy nhiên chuyện cái lề xích vào 5 phân, 3 phân hay gì đó thì vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng điều quan trọng là ý thức phải có cái lề là dấu hiệu để tôi có thể lạc quan.

Đúng như anh Nguyễn Tường Bách nói, đó là đã nhìn thấy những cái mầm chồi, những mầm chồi này chính là những giá trị quan trọng của tương lai, của đất nước, của xã hội hiện nay. Cho dù vẫn còn mơ hồ, nhưng đó là giá trị cốt lõi nhất để có thể lạc quan.

Nhà báo Thu Hà: Vâng. Tôi cũng có niềm tin như vậy.

Cảm ơn các vị khách mời đã tham dự buổi tọa đàm hết sức thân tình. Năm Tân Mão mang theo vận hội mới đến với mỗi con người trên mảnh đất Việt Nam thương yêu. Hành trang cho sự cất cánh của dân tộc là chính niềm tin và sự tôn kính của người với người, từ người dân bình thường đến những nhà lãnh đạo đất nước.

Xin kính chúc các vị khách mời và quí vị độc giả niềm vui, thành công và hạnh phúc.

  • Tuần Việt Nam

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty