- "Tương lai của công tác bảo tồn loài ở Việt Nam dường như rất ảm đạm. Loài tê giác Java có lẽ đã bị tuyệt chủng, loài voi đang bị tuyệt chủng và không ai biết được có bao nhiêu cá thể những loài có tầm quan trọng sinh thái cao như sao la và hổ còn sống sót".
Đây là nhận định của bà Sarah Brook, Điều phối viên bảo tồn loài của WWF Chương trình Việt Nam về vấn đề bảo tồn voi và các loài động vật hoang dã khác ở Việt Nam.
Miền Bắc Việt Nam đã không còn voi
Vừa qua voi Bản Đôn Păk Cú chết trong khuôn viên của Công ty TNHH du lịch sinh thái Bản Đôn (Buôn Đôn, Đắk Lắk) vì những vết đâm chém chằng chịt. Bà bình luận gì về sự việc này?
Tại Việt Nam, trong vòng từ 12 -18 tháng qua, hơn 10 cá thể voi được phát hiện bị giết hại tại tỉnh Đồng Nai và Đắk Lắk. Công tác bảo vệ loài voi ở Việt Nam sẽ khó có hy vọng nếu như chúng tiếp tục bị ngược đãi và săn bắn để làm đồ trang trí.
|
10h sáng 6/1/2011, voi Păk Cú đã chết với hàng trăm vết thương trên cơ thể. |
WWF có số liệu thống kê ở Việt Nam có bao nhiêu loài voi? Số lượng voi suy giảm bao nhiêu?
Chỉ có duy nhất một loài voi ở Việt Nam: loài voi châu Á (Elephas maximus), phân bố dọc Đông Nam Á, Ấn Độ, Nepal và Sri Lanka. Quần thể voi ở Việt Nam đã bị suy giảm nhiều do nạn săn bắn và mất môi trường sống. Hiện nay, chỉ còn những quần thể nhỏ và cô lập tại khu vực miền Trung và phía Nam (Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Nam). Ngoại trừ một số cá thể được đưa qua biên giới Lào vào tỉnh Sơn La, miền Bắc không còn cá thể nào. Loài voi châu Á tại Việt Nam sẽ đứng bên bờ tuyệt chủng trong vòng một vài năm tới nếu như tỉ lệ săn trộm tiếp tục tăng như hiện nay.
Hãy học Ấn Độ!
Thưa bà, việc bảo tồn voi hiện nay đang được thực hiện ở các nước khác như thế nào? Nước nào bảo tồn voi tốt nhất?
Ấn Độ có thể là một ví dụ điển hình. Là một trong 2 quốc gia đông dân nhất trên thế giới, nhưng Ấn Độ vẫn bảo tồn được mật độ đa dạng sinh học giàu có của mình. Ấn Độ có quần thể voi và tê giác Ấn Độ lớn nhất trên thế giới, với hơn 1.000 cá thể tê giác trong một vườn quốc gia với diện tích nhỏ hơn nhiều so với Vườn Quốc gia Cát Tiên (nơi phát hiện một xác cá thể tê giác, mà có thể là cá thể cuối cùng, đầu năm ngoái).
Ấn Độ cũng đã tạo được một môi trường sống tuyệt vời cho hổ, ước tính có khoảng hơn 1.000 cá thể, trong khi đó Việt Nam chỉ còn khoảng chưa đến 30 cá thể. Điều quan trọng nhất để bảo tồn các loài động vật này là bảo vệ chúng trong các khu bảo tồn. Các nước khác đã đầu tư thêm cho công tác bảo vệ loài và môi trường sống của chúng và như vậy đồng nghĩa với việc quần thể động vật hoang dã khỏe mạnh hơn.
Không chỉ voi, nhiều vụ việc về loài động vật hoang dã bị bắt giết, trộm sừng như tê giác, hổ... đã diễn ra trong thời gian qua. Theo WWF, nguyên nhân nào khiến ở Việt Nam liên tiếp xảy ra những vụ việc như vậy?
Việt Nam là một trong những nơi chính tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã và các sản phẩm bắt nguồn từ động vật hoang dã để làm thuốc, lấy thịt, nuôi cảnh và đồ trang trí.
Tê giác Javan là ví dụ điển hình: đầu năm 2010, xác một cá thể tê giác và có thể là cá thể cuối cùng của một phân loài tê giác Java, bị phát hiện tại VQG Cát Tiên với vết đạn trong chân trước và sừng bị lấy mất, nhằm cung cấp cho đường dây buôn bán ĐTVHD bất hợp pháp, và trong trường hợp này là phục vụ cho nhu cầu làm thuốc.
Việt Nam đã ban hành một số điều luật qui định chặt chẽ việc bảo vệ động vật hoang dã, tuy nhiên, việc thực thi pháp luật chưa được mạnh mẽ: các khu bảo tồn không được bảo vệ hợp lý và nạn buôn bán động vật hoang dã phức tạp với lợi nhuận rất cao. Với việc thực thi pháp luật không mạnh mẽ, thì việc buôn bán ĐTVHD khó có thể giải quyết được.
Tương lai của công tác bảo tồn loài ở Việt Nam dường như rất ảm đạm. Loài tê giác Java có lẽ đã bị tuyệt chủng, loài voi đang bị tuyệt chủng và không ai biết được có bao nhiêu cá thể những loài có tầm quan trọng sinh thái cao như sao la và hổ còn sống sót. Nhiều loài khác cũng đang trên bờ bị tuyệt chủng với những quần thể nhỏ lẻ và yếu ớt.
TS Pháp
No comments:
Post a Comment