Vài tuần nay, giá nhiều loại thực phẩm như thịt, cá tiếp tục tăng mạnh khiến nhiều bà nội trợ xót xa. Ngay cả những người "tiêu hoang" trước đây cũng bắt đầu phải thắt chặt chi tiêu, như mua hàng tại chợ đầu mối, giảm ăn thịt cá, tăng đậu rau, mang cơm hộp... |
Nhiều bà nội trợ đành tạm biệt các món cá to, ngon để chọn những loại nhỏ, rẻ hơn cho phù hợp túi tiền. Ảnh: Minh Thùy. |
Thu nhập khá cao, tính lại thoáng, nên từ trước tới nay chị Dung (Nghĩa Đô, Hà Nội) thường không bao giờ hỏi giá hay mặc cả khi đi chợ, mà thích gì nhặt nấy rồi trả tiền luôn. Thế nhưng, mấy tuần lại đây, khi mua thực phẩm, thấy số tiền bỏ ra nhiều hơn mà mua được lượng và "chất" không bằng trước, chị thấy xót xa và lên kế hoạch thắt chặt chi tiêu. "Giờ mua gì cũng phải khảo giá trước, tránh xa các món 'ghiền' mà trước đây tuần nào cũng ăn là cua bể, cá hồi vì quá... hao ví", chị Dung kể.
Cũng khoảng tháng nay, sáng sáng, cả hai vợ chồng chị đều xách cơm hộp tới cơ quan ăn trưa. "Ở cơ quan mình mọi người đều làm vậy nên mình thì không sao. Còn ông xã ban đầu cũng hơi ngại nhưng sau phần vì không chịu nổi 'nhiệt' ăn quán (suất ít nhất cũng 30 nghìn), lại có nhiều nam đồng nghiệp cùng mang cơm nên giờ thành thói quen rồi", chị Dung kể.
Không chỉ thế, để hạn chế "bệnh" mua sắm của mình, chị Dung còn đặt chỉ tiêu mỗi tháng chỉ chi một triệu đồng cho khoản shopping. "Tính ra tiền mua bán linh tinh tốn gấp mấy lần chi tiêu ăn uống. Hồi trước mình hứng là mua, có khi một tháng mấy đôi giày, vài cái váy của mẹ, của con, rồi đồ cho chồng... Giờ thì phải hạn chế, chỉ mua trong đúng khoản quy định, dù có thích món đồ nào lắm cũng đành nhịn", chị nói.
Bên cạnh hạn chế chi tiêu, nhu cầu mua sắm, nhiều người còn nghĩ cách tận dụng hết các đồ cũ trong nhà cho đỡ tốn tiền mua mới.
"Nhà mình, áo may ô cũ của bố, váy liền cũ của mẹ cắt ra may quần cho con. Chậu cũ bị nứt cho con chơi đồ hàng, làm ô tô giả rồi mang đi trồng rau. Thùng sơn dùng hết để khô, bóc sạch sơn rồi làm cái đựng đồ khô. Thùng giấy, túi nilong cất lại đựng rác dần. Quần áo cũ còn tốt thì thanh lý, hỏng rồi thì đem cắt hết cúc cất đi rồi làm giẻ lau", một thành viên webtretho chia sẻ trong diễn đàn bàn về các mẹo tiết kiệm thời bão giá.
Cũng trong mục này, một thành viên khác cho biết, để hạn chế tiền xăng, vợ chồng chị cất chiếc xe tay ga của vợ đi, chỉ dùng chiếc Dream của chồng và đi làm cùng nhau vì tiện đường. Cuối tuần, đại gia đình cũng hạn chế bày vẽ ăn uống linh đình mà chỉ chọn các món theo tiêu chí "Ngon - bổ - rẻ". Vừa tuần trước, để được dùng điện với giá thấp, anh chị đã xin bố mẹ cho tách hộ khẩu.
Theo lời thành viên này, nhà chị cũng không bao giờ đem đổ thức ăn thừa đi. "Cơm ăn không hết cất vào tủ lạnh rồi rang với trứng, rau. Tôm, thịt thừa băm nhỏ, thêm ít cà rốt, trứng, bột năng là có súp ăn hoặc nấu với mì...", chị kể.
Bên cạnh cắt giảm chi tiêu, trước tình hình trượt giá hiện nay, nhiều gia đình có thu nhập khá còn cố gắng tìm cách sinh lời cho số tiền dư.
Chị Thanh (khu đô thị Mỹ Đình, Sông Đà, Hà Nội) cho biết, dù cả hai vợ chồng chị đều có mức lương khá cao, nhưng hiện tại cũng không dám tiêu hoang hay đầu tư may rủi mà cố gắng tích lũy để phòng bị cho tương lai.
"Khi có lương trả qua tài khoản, mình rút hết về, để riêng các khoản cần tiêu cho tháng tiếp theo vào các phong bì (tiền học của con, tiền ăn cho cả nhà, tiền sữa và quần áo...), rồi mua hai chỉ vàng, còn lại cho vào quỹ chung phòng khi có việc cần gấp. Nếu có thêm các khoản 'mềm' của hai vợ chồng sẽ dành mua USD. Hai khoản vàng và đôla để riêng, không đụng tới. Ngoài ra, hằng ngày, khi đi chợ về có tiền lẻ thì nhét vào lợn sứ, lâu lâu đập ra cũng được khoản kha khá", chị Thanh kể.
Minh Thùy
No comments:
Post a Comment