WASHINGTON (Google News) – Chiến hạm Mỹ USS Chung-Hoon có trang bị hỏa tiễn được gửi đi để thực hiện chuyến hải hành đơn độc vào vùng biển Ðông và biển Sulu. Chiến hạm hiện đang ở giữa Thái Bình Dương, vừa đi ngang qua đảo Midway hôm Chủ Nhật. Một trong những nhiệm vụ của chiến hạm này là xác định "quyền tự do hải hành." Chiến hạm USS Chung-Hoon (bên phải) trong một chuyến hải trình trên Thái Bình Dương tháng 7 năm 2010. Ði bên cạnh là chiếc USS Lassen, khi đó do Hải Quân Trung Tá Lê Bá Hùng làm hạm trưởng. (Hình: John J. Mike/U.S. Navy via Getty Images) Chiếc Chung-Hoon sẽ là một nhắc nhở rõ ràng về quyền tự do hải hành là điều được quốc tế công nhận, cũng như cho thấy sự chú tâm của Mỹ về một giải pháp ôn hòa cho cuộc tranh chấp trong vùng biển Ðông hiện nay. Chiến hạm USS Chung-Hoon sẽ đi qua các vùng biển mà Mỹ coi là hải phận quốc tế để xác định quyền tự do hải hành. Mỹ cũng muốn chứng tỏ rằng cộng đồng quốc tế không chấp nhận các tuyên bố của bất cứ quốc gia nào coi đây là hải phận riêng của mình. Chiếc USS Chung-Hoon (DDG-93), thuộc loại Arleigh-Burke, có trang bị dàn radar tối tân Aegis, được đặt theo tên của Phó Ðề Ðốc Gordon Pai'ea Chung-Hoon (1910-1979), từng được trao tặng Huân Chương Hải Quân (Navy Cross) và Huy Chương Bạc. Chiến hạm có trọng tải khoảng 9,200 tấn, với thủy thủ đoàn gồm 320 người, trang bị hỏa tiễn chống phi cơ và chống chiến hạm cũng như loại hỏa tiễn bình phi Tomahawk. Chiếc Chung-Hoon thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ và có bến nhà tại Hawaii. Trên biển Ðông, quần đảo Trường Sa là nơi có nhiều tranh chấp nhất. Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Ðài Loan và Malaysia đã thiết lập các cơ sở quân sự và hành chánh trên các đảo nơi này. Trung Quốc bị cáo buộc là nổ súng bắn vào tàu Việt Nam và Philippines ở Trường Sa. Phía Trung Quốc đưa ra các "chứng cớ lịch sử" để nói rằng họ có chủ quyền ở nơi đây từ bao đời. Các giới chức chính quyền Trung Quốc còn nói rằng cả những khu vực đang có tranh chấp với Philippines cũng là lãnh thổ của họ. Các nhà vẽ bản đồ và luật quốc tế thường đưa ra những lằn ranh giới rõ ràng. Tuy nhiên, trong vùng biển Ðông, những lằn ranh này lại thường chồng chéo lên nhau như của Việt Nam, Trung Quốc và Philippines. Việc thăm dò địa chất để tìm dầu hỏa và các tài nguyên thiên nhiên khác lại làm nguy cơ bộc phát chiến tranh giữa các quốc gia trong vùng này trở thành điều dễ xảy ra hơn. Các bãi đá ngầm và các hòn đảo nhỏ bé ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hiện là nơi các quốc gia liên hệ sử dụng tàu và các công sự phòng thủ để đánh dấu chủ quyền của mình. Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật Biển định rõ việc ấn định lãnh thổ ngoài biển và quanh các hòn đảo, cũng như xác định vùng "đặc quyền kinh tế" (EEZ). Tuy nhiên, công ước này không cho biết làm cách nào để giải quyết vấn đề EEZ bị chồng chéo lên nhau. Khu vực EEZ có thể kéo dài ra tới 200 miles (khoảng 320 km) từ bờ biển một quốc gia, và trong khu vực biển Ðông tương đối nhỏ hẹp, điều này thường dẫn đến việc chồng chéo lằn ranh giới. Khi đưa thêm vấn đề tranh chấp các hòn đảo đã có từ nhiều thế kỷ nay, biển Ðông lại càng là nơi dễ nổi sóng. Nguồn: V. Giang (Người Việt) |
No comments:
Post a Comment