SGTT.VN - "Để xảy ra điều như thế là không hay" – nếu tường thuật của phóng viên VietnamNet là đúng thì ông phó chủ tịch Nghệ An khi nói về trách nhiệm vụ sập mỏ đá Lèn Cờ quả thực có tài hoá phép: 18 mạng người mất đi mà nghe nhẹ tựa lông hồng.
Vụ sập mỏ đá Lèn Cờ ở Yên Thành, Nghệ An hôm 1.4 khiến 18 người chết thảm và sáu người bị thương. Ảnh: Nguyên Văn |
Trả lời phỏng vấn VietNamNet (9.4.2011) về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ ở Yên Thành, Nghệ An hôm 1.4 khiến 18 người chết thảm và sáu người bị thương, ông Huỳnh Thanh Điền, phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nói: "Hiện nay, UBND tỉnh đang giao cho cơ quan điều tra xác định nguyên nhân, khi đó mới tìm ra trách nhiệm cụ thể. Để xảy ra một điều như thế là không hay. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm để tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo quản lý công tác này tốt hơn, cần chấn chỉnh lại để tránh xảy ra sự việc đáng tiếc như vừa rồi. Đó là sự việc cần rút ra những kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý."
"Để xảy ra một điều như thế là không hay" – nếu tường thuật của phóng viên VietnamNet là đúng thì ông phó chủ tịch quả thực có tài hoá phép: 18 mạng người mất đi mà nghe nhẹ tựa lông hồng, không hay.
Ông phó chủ tịch tỉnh lại nói: "Đối với tỉnh thì lâu nay cũng đã tăng cường công tác chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. Giao nhiệm vụ cho các ngành, các cấp để mà kiểm tra các hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là đối với đá xây dựng. Trong tháng 3.2011, đồng chí chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc tại huyện Yên Thành cũng nêu lên vấn đề kiểm tra khai thác khoáng sản tại đây. Sau đó thì đồng chí Chi phó chủ tịch (ông Nguyễn Đình Chi, phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An) cũng có công văn chỉ đạo giao cho huyện Yên Thành về vấn đề khai thác khoáng sản. Việc xảy ra sự việc tại mỏ đá là một điều đáng tiếc".
Lại cũng chỉ là đáng tiếc! Nhưng người ta còn có thể đặt câu hỏi, nếu có "tăng cường công tác chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc", vì sao không phát hiện chủ mỏ đá tổ chức khai thác không đúng quy trình, vi phạm quy tắc an toàn lao động, như kết luận sau khi tai nạn đã xảy ra? Hẳn là tất cả những chỉ đạo, giao nhiệm vụ, kiểm tra, đôn đốc – nếu có – chỉ là hình thức. Đó là chưa nói đến những khả năng khác khiến mọi sự kiểm tra, đôn đốc… có cũng như không. Chỉ đến khi tai nạn thảm khốc xảy ra, những mạng người đã bị cướp đi một cách oan uổng, người ta mới nói đến việc rà soát lại quy trình, đến siết chặt kiểm soát, đóng cửa mỏ, và bắt giam chủ mỏ.
Người thân các nạn nhân vụ sập mỏ đá Lèn Cờ vật vã đau đớn trước sự mất mát to lớn này. Ảnh: Nguyên Văn |
Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở quy trình, ở kẻ chịu trách nhiệm trực tiếp là chủ mỏ. Bởi tai nạn này không phải là đơn lẻ. Trước vụ sập mỏ đá Lèn Cờ, từ cuối năm 2007 đến 2011, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã liên tiếp xảy ra những vụ sập hầm mỏ thương tâm: 15.12.2007, sập núi đá tại công trình thuỷ điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương) làm 18 công nhân bị đá đè chết khi đang làm việc; 12.1.2008, sập mỏ đá Lèn Nậy, tại thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, làm chết ba người và bảy người bị thương; 28.8.2008, sập hầm khai thác quặng thiếc tại xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, làm ba người chết tại chỗ. Cho nên, vấn đề chính nằm ở bộ máy và con người bảo đảm cho những quy trình ấy, từ cấp phép đến giám sát việc khai thác, luôn luôn được tuân thủ. Nếu không nhìn thẳng vào đây thì e sẽ còn những vụ Lèn Cờ khác.
Nếu còn một vấn đề, cũng có thể nói là một nguyên nhân nữa của những vụ tai nạn thương tâm như ở Lèn Cờ thì đó là nhận thức nhẹ như không về mạng người của những vị mà trách nhiệm được giao không hề nhỏ. Trong khi cách đấy mấy trăm cây số người ta đang bấn lên về bệnh tật của mấy chú rùa thì ở đây mạng người sao mà nhẹ!
Quỳnh Yên
No comments:
Post a Comment