Hàng trăm luật sư tại Malaysia đã tiến hành biểu tình phản đối các điều luật cấm xuống đường biểu tình.
Chính phủ hứa sẽ bỏ quy định đòi hỏi người dân phải xin giấy phép của cảnh sát để tổ chức biểu tình.
Nhưng chính phủ Malaysia muốn thay thế quy định này bằng lệnh cấm xuống đường biểu tình và cấm người dưới 21 tuổi được đi biểu tình.
Các luật sư nói các đề nghị mới này còn có tính chất đàn áp hơn so với các luật cũ, và họ đang kêu gọi chính phủ từ bỏ các kế hoạch đó.
Thủ tướng Najib Razak, người được chờ đợi sẽ tổ chức bầu cử vào đầu sang năm, đã tìm cách tăng thêm sự ủng hộ của người dân bằng cách dừng các luật về an ninh mạng của nước này.
Nhưng Luật Tụ tập hòa bình của chính phủ do ông điều hành đã gây ra bất bình cho các nhà chỉ trích và các nhóm nhân quyền.
'Tiếng nói của người dân'
Khoảng 500 luật sư đã đổ về Quốc hội hôm thứ Ba, vài giờ trước khi luật này được đem ra thảo luận.
Họ hô vang khẩu hiệu "tự do tụ tập" và "tự do cho người dân", trước khi cảnh sát chặn phần lớn các luật sư này không cho vào.
Họ nói chính phủ đang tìm cách thông qua dự luật này mà không có quá trình tham vấn hẳn hoi.
"Chúng tôi hy vọng là chính phủ sẽ lắng nghe tiếng nói của người dân," Chủ tịch Hội đồng luật sư, Lim Chee Wee, được hãng tin AP trích thuật.
Tuần trước, chính phủ tuyên bố bãi bỏ ba điều luật tuyên bố khẩn cấp cho phép giam giữ không qua xét xử.
Nhiều điều luật có từ những năm 1960 và 70 khi Malaysia còn trong tình trạng đầy căng thẳng giữa những người Malaysia Hồi giáo và người Hoa thiểu số, mà đã có lúc bùng nổ thành những cuộc bạo loạn đẫm máu.
Hàng ngàn người bị giam giữ thể theo các điều luật tuyên bố khẩn cấp này, theo một bản phúc trình về giam giữ tùy tiện do Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đưa ra năm ngoái.
Các nhà vận động cho biết nhiều trong số người bị bắt giam này là những người phạm tội lặt vặt và đã bị từ chối quá trình xét xử hợp lệ.
Ông Najib cũng hứa hồi tháng Chín sẽ bãi bỏ một luật khác, Luật an ninh nội bộ, vốn có nguồn gốc từ luật chống cộng sản từ thời là thuộc địa của Anh và thường được dùng trong nhiều thập niên để giam giữ và đe dọa các nhà chỉ trích chính phủ.
No comments:
Post a Comment