- Từ việc người dân tự do nuôi đỉa, phá rừng, khai thác khoáng sản đến những tiêu cực trong xã hội... cho thấy những lỗ hổng trong công tác quản lý. KH&ĐS đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng xung quanh vấn đề này.Mọi cái cứ để trên loGần đây câu chuyện về con đỉa một lần nữa lại cho thấy vai trò của nhà quản lý ở ta đang có vấn đề?Thực ra có rất nhiều hiện tượng mà ta không thấy vai trò của nhà quản lý. Chuyện về con đỉa càng thấy rõ điều đó vì tính nguy hiểm của nó cao. Còn nhiều cái, ví dụ việc khai thác quặng nhiều và bừa bãi, tàn phá rừng đầu nguồn, khai thác cạn kiệt tài nguyên... cũng không thấy vai trò của quản lý.
Theo ông, vì sao không thấy vai trò của quản lý?Người quản lý phải chịu tác động và làm việc theo sức ép của hai luồng. Luồng thứ nhất là sự chỉ đạo của cấp trên. Còn luồng thứ hai nảy sinh từ thực tiễn, nguyện vọng và sức ép của người dân. Lẽ ra một hệ thống quản lý tốt phải làm tròn hai nhiệm vụ ấy. Làm theo chỉ đạo là tất nhiên rồi, ngoài ra đã là quản lý tức là chủ trên địa bàn ấy thì anh phải có trách nhiệm để quản lý cho tốt, thoả mãn được ý nguyện của dân. Nhưng ở ta, cái gì nằm trong chỉ đạo thì làm rất tốt. Thí dụ chỉ đạo đợt này tổ chức bầu cử các cấp, làm sạch đường phố... là công việc triển khai răm rắp, nhưng nếu nảy ra vấn đề gì đấy, không hoặc chưa có trong chỉ đạo của trên thì công việc ít khi được làm tốt.
Như vậy là cứng nhắc và máy móc?Đúng là cứng và thiếu linh hoạt. Nếu linh hoạt thì thấy hiện tượng con đỉa như vậy người ta sẽ ầm ĩ lên, buộc nhà quản lý các cấp phải quan tâm. Nhưng không thế, có thấy họ cũng bảo chưa có chỉ đạo, nói ra có khi dân lại ghét (vì dân đang nuôi để thu lợi một cách kỳ quái) hoặc trên lại bảo chống đối. Họ rất sợ "nhỡ trên...". Mọi cái cứ để trên lo, trên chỉ đạo!
|
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh |
Chỉ đạo mà không có tầm, lôi thôi lắmChuyện con đỉa, nhiều người phê phán nông dân vì tham lợi mà bất chấp nguy hiểm?Vấn đề là họ không thấy có gì nguy hiểm. Nhìn tổng thể mới thấy nguy hiểm, còn từ góc độ người dân chưa chắc đã thấy nó nguy hiểm. Con đỉa cũng như con giun, con rắn, cứ được tiền là người ta làm. Quần chúng thông thường nhìn vào lợi ích trước mắt. Ai mua cà phê với giá cao gấp đôi thì họ bán ngay, thậm chí nếu mua rễ cà phê với giá gấp mười họ cũng sẽ đào lên để bán. Người dân thì nghĩ thế. Nhưng đã là quản lý không được nghĩ thế, phải nhìn thấy vấn đề. Vì vậy, người quản lý bao giờ cũng phải có tầm, vượt trên các cá thể. Thứ hai là phải có cái tâm, phải nhìn vấn đề mang tính bền vững, lâu dài, nhân bản, chính nghĩa. Tổng thể là phải do quản lý, chứ không thể đổ lỗi cho người dân.
Kể cả có biết là do quản lý thì cũng chưa có cơ chế để xử lý?Ở ta thường chỉ xử kỹ ở tuyến có chỉ đạo. Tức là khi có chỉ đạo rồi mà anh làm không tốt thì thường xử rất nghiêm. Thí dụ bầu cử, hiệp thương làm không tốt, đi bầu không đủ % thì xử. Hay như vụ đỉa này, nếu giờ có Chỉ thị từ trên xuống, các nơi tuyệt đối cấm không để xảy ra thì người ta làm nghiêm ngay. Hệ thống của mình rất hiệu quả khi có chỉ đạo.
Chỉ đạo làm sao mà hết được, những cái xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày thì vô vàn?Hệ thống của mình dùng chỉ đạo từ Nhà nước là chính chứ chưa dùng mô típ xã hội dân sự, xã hội điều hòa. Tức là Nhà nước chỉ nên giữ pháp luật, doanh nghiệp cứ tha hồ buôn bán. còn xã hội dân sự là để soi vào, để cân bằng, để thể hiện nguyện vọng người dân và để giám sát. Triết lý của xã hội dân sự là đạo đức, triết lý của doanh nghiệp là lợi nhuận, còn triết lý của nhà nước là pháp luật. Nhà nước phải dùng pháp lý là chính chứ không cần chỉ đạo chi tiết, phải dùng luật, ví dụ luật môi trường, luật dân sự... còn lại thì để cho xã hội dân sự tự điều chỉnh. Nhìn thấy đồng ruộng hỏng, thấy doanh nghiệp làm bậy thì dân (các tổ chức xã hội của dân) cần lên tiếng. Ở mình chưa phát huy được cái này, quản lý muốn ôm để chỉ đạo tối đa, chỉ đạo cả doanh nghiệp, cả dân sự. Trong khi đó lại có vấn đề về "tâm và tầm". Chỉ đạo mà không có tầm thì lôi thôi lắm, doanh nghiệp sẽ lợi dụng, dân mà im lặng không dám nói hoặc không muốn nói nữa thì hỏng.
Không bình thường lại được coi là bình thườngNguyên nhân nào dẫn tới tình trạng đó, thưa ông?Trước tiên là do hoàn cảnh Việt Nam có nhiều năm phải tập trung sức để chống ngoại xâm thành ra mình ép tất cả thành một hệ thống đồng lòng, đến nay thì đã thành gần như bản chất. Một nguyên nhân nữa là do quan niệm của ta cho rằng, nếu theo kiểu khác thì sẽ không ổn định. Chúng ta đang theo mô hình lấy mục tiêu ổn định là chính. Bức tranh toàn cảnh là như thế, vì vậy đừng sốt ruột, mọi cái phải từ từ. Mọi cái rồi phải đến chỗ tốt hơn, chỉ có điều là lâu thôi.
Như thế là cũng không nên quá bi quan?Không bi quan, nhưng cũng đáng buồn là lâu như thế rồi mà vẫn không tiến lên được mức bình thường như các nước có xã hội lành mạnh (Malaysia chẳng hạn). Kinh tế bùng nổ, làm ăn rất ghê, tiền nhiều, xây nhà cao... nhưng xã hội vẫn không bình thường: Mua bằng cấp, mua quan bán chức, lan tràn nạn phong bì... và chưa biết lúc nào thì chấm dứt được. Đáng lo ngại là những cái đó lại đang được xã hội chấp nhận, thích nghi, lại được coi là bình thường!.
Bởi vì đã sống trong xã hội như thế buộc người ta phải thích nghi?Như thế là còn sức sống, dù theo kiểu không bình thường. Dù trục trặc thế này, đường cứ tắc nghẽn, rồi tiêu cực, rồi vô cảm... đấy là những trục trặc của một xã hội mà đạo đức đang có vấn đề, bị bật gốc, nhưng vẫn có sức sống. Đáng lẽ sức sống ấy phải được vun đắp, được thiết kế để tạo nên một xã hội đẹp đẽ, lành mạnh. Thí dụ trong giáo dục, tiền đầu tư nhiều (không thua kém các nước trong khu vực), dân ham học, đáng lẽ phải có một nền giáo dục lành mạnh, đằng này có điều hòa, có máy tính, có thư viện điện tử, có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ... nhưng nền giáo dục không lành mạnh. Như thế là rất đáng buồn.
Nhưng có người cho rằng chính người dân làm hỏng hỏng chính quyền...Nói như thế là chưa nhìn thấy bệnh. Không thể đòi hỏi người dân ra đường không đưa tiền cho cảnh sát khi bị phạt. Tại sao các nước khác người dân không đưa tiền? Cũng người dân Việt Nam này khi sang nước khác người ta cũng không dám đưa tiền cho cảnh sát? Ở ta, người dân vẫn phải coi những điều không bình thường đó là bình thường để tồn tại. Nếu anh duy trì cách quản lý này thì dân thích nghi ngay. Dân sẽ đóng góp làm bình thường hóa cái hệ thống không bình thường đó. Xin giấy phép, vào bệnh viện, thi cử, xin việc làm... đều đưa phong bì... và thậm chí nếu anh ngăn cản chuyện đưa phong bì, có khi lại bị phản ứng ngay. Muốn chữa nhất thiết phải chữa quản lý chứ không thể chữa ông cảnh sát, ông giáo viên này.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
No comments:
Post a Comment