Cây cầu gỗ bắc qua suối Rạt nối 2 xã Tiến Hưng (TX.Đồng Xoài) và xã Tân Hưng (H.Đồng Phú, Bình Phước) gây bức xúc cho người dân qua lại về cách thu phí.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cây cầu này được ông Đàm Đình Hằng (ngụ xã Tiến Hưng, TX.Đồng Xoài) bỏ tiền xây dựng từ năm 1986 nhưng chỉ thu tiền xe ô tô (chủ yếu là chở gỗ) qua lại. Đến năm 2005, ông Hằng tu bổ lại, lúc này mặt cầu chỉ còn rộng 1,2m (dài 30m), trọng tải cho phép khoảng 80 kg. Sau đó, ông Hằng tiến hành thu phí theo diện tích đất vườn của hộ dân trong vùng (100.000 đồng/ha). Bắt đầu từ năm 2011, ông cho nhân viên thu trực tiếp 2.000 đồng/lượt qua cầu dẫn đến sự không đồng tình của người dân.
Anh T.Đ.T (ngụ xã Tân Hưng, H.Đồng Phú) qua cây cầu này mỗi ngày bức xúc: "Trước khi tu bổ lại, ông Hằng hứa chỉ thu phí trong 1 năm nhưng nay đã 7 năm rồi, thu lời cả tỉ đồng nhưng vẫn chẹt cổ chúng tôi ra thu tiếp. Gia đình tôi phải nộp cho ông Hằng khoảng hơn 500.000 đồng/tháng. Điều đáng nói là ông tự đặt mức phí mà không thông qua chính quyền nên dẫn đến nhiều trường hợp cãi vã, xô xát".
Trong khi đó, ông Hằng cho biết: "Lý do thu phí kéo dài là do qua thời gian phải nâng cấp và sửa chữa". Theo quan sát của chúng tôi, cây cầu này hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, cột trụ cầu xiêu vẹo, bị mục; các ván gỗ lát mặt cầu cũ, mục nên không còn đảm bảo an toàn, người và xe máy khi lưu thông qua cầu buộc phải dắt bộ. Thế nhưng, anh Nguyễn Văn Trường (người thu phí cầu thuê cho ông Hằng) cho biết: "Mỗi ngày có hơn 1.000 lượt khách qua cầu, mỗi lần qua thu 2.000 đồng/người".
Ông Nguyễn Văn Tỵ, Phó chủ tịch UBND xã Tiến Hưng (TX.Đồng Xoài), cho hay: "Cây cầu này do ông Hằng bỏ tiền xây dựng nên tự thu phí để thu hồi vốn đầu tư. Cầu thuộc địa phận 2 xã (Tiến Hưng và Tân Hưng) nên "nhập nhằng" việc quản lý. Vì thế gần 7 năm nay, ông Hằng được toàn quyền thu phí mà không phải mất "một đồng" đóng thuế cho xã ".
Nhật Văn
No comments:
Post a Comment