"Cải tổ ngành ngân hàng phải thận trọng, như diệt sâu rầy mà vẫn phải giữ được cánh đồng lúa xanh tốt và có mùa bội thu", lối ví von của đại biểu Nguyễn Bá Thanh đã gây sốc tại phiên thảo luận Quốc hội cuối tuần qua. |
Tái cơ cấu ngân hàng là một trong ba trọng tâm của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế. Ảnh: Hoàng Hà |
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cảnh báo tái cơ cấu ngân hàng giống như đụng tới đồ pha lê, nếu không biết nâng niu coi chừng vỡ và gây hệ lụy xấu với nền kinh tế. Chia sẻ quan điểm này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng tái cơ cấu ngân hàng là nhiệm vụ khó nhất trong 3 yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế (bên cạnh việc tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước).
"Và cái khó nhất trong tái cơ cấu ngân hàng hiện nay do chính chúng ta tạo ra. Các ngân hàng ra đời là do chủ trương của chúng ta. Việc họ tăng vốn từ vài chục, vài trăm tỷ đồng lên hàng nghìn tỷ đồng cũng xuất phát từ sự duy ý chí của cả hệ thống", Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trao đổi vớiVnExpress.
Với tập quán kinh tế Việt Nam và trong điều kiện hệ thống pháp luật về phá sản chưa hoàn thiện, việc khai tử một doanh nghiệp đã khó, giải thể một ngân hàng còn khó hơn thế nhiều lần. Theo quy định, một ngân hàng ra đời phải được Thủ tướng đồng ý về chủ trương và Ngân hàng Nhà nước cấp phép sau quá trình thẩm định gắt gao. Và quá trình khai tử nó sẽ phải thận trong không kém bởi còn liên quan tới quyền lợi của cổ đông, người gửi tiền và đặc biệt là sự an toàn của cả hệ thống.
"Chính vì quan điểm chỉ đạo của chúng ta là không để người dân thiệt thòi, nên tái cơ cấu ngân hàng Việt Nam không thể như Mỹ, dễ dàng cho phá sản những ông yếu kém, đe dọa an toàn hệ thống", ông Kiên nói thêm.
Phó giám đốc Học viện Ngân hàng Tô Kim Ngọc cho rằng bây giờ chưa phải lúc sáp nhập hay cho phá sản một ngân hàng nào đó. Bởi theo bà, hệ thống pháp luật hiện nay về giải thể, sáp nhập cũng như các công cụ để mua bán, sáp nhập chưa đầy đủ.
"Câu chuyện sáp nhập hay giải thể cũng chỉ nên đặt ra với những ngân hàng quá yếu không thể tồn tại. Và nếu phải sáp nhập hay giải thể, cũng chưa thể tiến hành ngay bây giờ, trước khi có những bước chuẩn bị cần thiết", bà Ngọc nói.
Theo bà Ngọc, điều quan trọng nhất lúc này là phải hoàn chỉnh hệ thống pháp lý chặt chẽ từ đầu đến cuối, thậm chí phải lo cả khâu hậu sáp nhập, giải thể. Bên cạnh đó, cần có tiêu chí phân định rõ ràng thế nào là ngân hàng nhỏ, thế nào là ngân hàng yếu, ngân hàng nào cần tái cơ cấu ở mức độ nào. Hệ thống đo lường, đánh giá sức khỏe của các ngân hàng một cách độc lập cũng cần được thiết lập, ngoài công bố tự giác của các ngân hàng cũng như đánh giá của Ngân hàng Nhà nước.
Hơn một tháng qua, có ngân hàng thiếu thanh khoản tới mức phải chấp nhận chào vay lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tới 30% một năm. Nhiều ý kiến phỏng đoán kịch bản này có một phần bàn tay đạo diễn của Ngân hàng Nhà nước, không dễ dãi bơm vốn cho các ngân hàng yếu, để họ tự bộc lộ hết những khó khăn nội tại và dần cô lập, tìm phương án giải quyết không gây sốc cho hệ thống cũng như nền kinh tế.
Nhiều năm nghiên cứu và theo dõi sự phát triển của hệ thống ngân hàng, bà Ngọc cho rằng nếu đây đúng là cách thức khởi động tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước thì giải pháp này dù rất cổ điển nhưng phù hợp với hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam.
"Có nhiều cách để xử lý ngân hàng yếu, như đổi chủ sở hữu, Nhà nước mua nợ xấu của ngân hàng hoặc bơm vốn hỗ trợ. Song cách Ngân hàng Nhà nước đang làm là bước đi khá thận trọng và hợp lý", bà nói thêm.
Bà Ngọc cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể tính tới phương án phân khúc thị trường cho các loại ngân hàng khác nhau, để họ thâm nhập vào thị trường tương thích với phân khúc, tiềm năng và mức độ chấp nhận rủi ro của chính mình.
Chia sẻ quan điểm này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng nên khuyến khích sáp nhập tự nguyện và khu vực hóa các ngân hàng nhỏ, phân công họ chỉ được làm việc ở một số khu vực nhất định, để hạn chế phạm vi ảnh hưởng.
Ngày 2/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sẽ trình bày dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi. Đây là một trong những khuôn khổ pháp lý quan trọng chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình tái cơ cấu ngân hàng thời gian tới, một nhiệm vụ mà Thống đốc Bình phải thực hiện gắt gao hơn sau khi nhận bàn giao từ người tiền nhiệm Nguyễn Văn Giàu.
"Sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua có đóng góp quan trọng của ngành ngân hàng, nhưng bất ổn của nền kinh tế nếu xảy ra trong tương lai cũng sẽ bắt đầu từ chính các ngân hàng yếu kém", đại biểu Nguyễn Bá Thanh thẳng thắn đặt vấn đề tại hội trường Quốc hội cuối tuần qua, trước sự chăm chú lắng nghe của Thống đốc Nguyễn Văn Bình.
Song Linh
No comments:
Post a Comment