Thuận Tâm
Đã hơn một tuần trôi qua, kể từ ngày Tọa đàm khoa học về Biển Đông và Hải đảo Việt Nam được tổ chức tại Trung tâm Phao-lô Nguyễn Văn Bình (43 – Nguyễn Thông, P.7, Q.3. TP.HCM), tôi vẫn không quên được hình ảnh Tiến sĩ Nguyễn Nhã đã nghẹn ngào, rơi lệ… khi thuyết trình về Biển Đông.
Mỗi lần Tiến sĩ Nguyễn Nhã uất nghẹn, là mỗi lần cả khán phòng cũng lặng yên. Giọt nước mắt và những lời tâm huyết của người đã dành cả đời nghiên cứu Hoàng Sa – Trường Sa, bảo vệ luận án Tiến sĩ về Hoàng Sa – Trường Sa lúc 63 tuổi đã làm lay động lòng người. Những tràng pháo tay vang lên mỗi khi Tiến sĩ nhắc tới sự đồng thuận, nhắc tới những nỗ lực chung để bảo vệ chủ quyền dường như xua tan đi sự e dè còn đâu đó trong lòng mỗi người, trong nhiều ánh mắt lạc lõng giữa buổi tọa đàm…
Tiến sĩ tâm sự rằng: Trung Quốc hiện nay đầu tư rất nhiều, gởi nhiều người ra nước ngoài chỉ để nghiên cứu về vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa, quỹ của họ dành cho công việc này lên đến cả tỉ đô-la… Rồi Tiến sĩ lại uất nghẹn khi so sánh với công tác nghiên cứu, bảo tồn những chứng cứ về chủ quyền của Việt Nam tại vùng biển vàng biển bạc của Tổ Quốc thân yêu… Như lời Tiến sĩ nói, ông chỉ là một trí thức nghèo, ít người trẻ theo nghề của ông, bởi ai cũng phải lo cho cuộc sống, lo cho những sinh hoạt đời thường. Ông thực sự lo lắng cho lớp kế cận, làm sao để giữ gìn và phát huy tác dụng của những tư liệu về biển Đông, về Hoàng Sa – Trường Sa, nhằm giữ gìn chủ quyền và đòi lại những phần đất mẹ đang không thuộc về mình. Ít ai hiểu rằng: để tập trung cả đời cho việc nghiên cứu Biển Đông, Hoàng Sa – Trường Sa, Tiến sĩ đã sống nhờ trợ cấp của người bạn đời, của các con hiện đang ít nhiều thành đạt… Tấm lòng của cả gia đình Tiến sĩ dành cho chủ quyền biển đảo thật đáng trân trọng…
- Nguyễn Nhã nhiều lúc nghẹn giọng
Tiến sĩ bảo rằng: Trung Quốc người ta có cả một chiến lược thông tin về Hoàng Sa – Trường Sa (theo cách gọi của họ là Nam Sa – Tây Sa)… trong khi đó, tại Việt Nam, những thông tin về dữ kiện, tư liệu, chứng cứ… khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam thực sự chưa được phổ biến rộng rãi, ấy là chưa kể đến những thông tin về tình hình hiện tại trên Biển Đông và các quần đảo đang tranh chấp mà Việt Nam hoàn toàn có chủ quyền… Tiến sĩ mong muốn, những thông tin này được phổ biến rộng rãi cho toàn dân, nhất là giới trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. Nói tới đây, Tiến sĩ lại uất nghẹn! Sự uất nghẹn căng lên đến nỗi, một thành viên trong Ban tổ chức Tọa đàm đã phải lên ghé tai nhắc nhở Tiến sĩ rằng: đây chỉ là một buổi tọa đàm khoa học!!!
Hàng trăm người tập trung trong một khán phòng nhỏ hẹp tại 43 Nguyễn Thông ngày hôm đó cũng nghẹn ngào với Tiến sĩ, trong số đó có rất nhiều bạn trẻ, mà có lẽ ở ngoài xã hội, họ đang kiêm nhiệm nhiều chức vụ và nhiệm vụ khác nhau, kể cả nhiệm vụ không ai biết được! Nhiều người trong số họ đã rơi lệ…
Ngay giờ phút đó, tôi chợt bồi hồi cho những giọt lệ của giới trẻ Việt Nam đã rơi… Họ có thể tập trung ở công viên, ở hè phố để tưởng niệm, than khóc cho sự ra đi của Michael Jackson. Những giọt nước mắt của họ đã rơi cho một người vĩ đại của thế giới, nhưng không chung cội nguồn. Có thể nói, tình cảm đó xuất phát từ một tình cảm nhân loại đại đồng. Không ai trách được họ, nhưng giá như cũng những giọt nước mắt ấy được tuôn ra để thương cảm cho tình cảnh của những ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc ngang nhiên bắt giữ!? Giá như giới trẻ cũng bồi hồi xúc động và được thắp nến đặt hoa tưởng niệm những con tàu hiền lành của ngư dân Việt Nam bị “tàu lạ” đâm phải!?
Những bộ phim Hàn Quốc trình chiếu trên các đài truyền hình tại Việt Nam cũng đã làm rơi lệ bao người. Họ xúc động, thương cảm cho số phận của các nhân vật trong phim, họ rơi lệ cho những éo le của những cuộc tình ngang trái mà chỉ có tiểu thuyết gia mới tưởng tượng ra nổi… Tôi cứ ước gì, những giọt nước mắt ấy tuôn rơi vì lý do một phần đất mẹ đang bị chia cắt, chủ quyền biển đảo đang bị xâm phạm và đe dọa. Nhưng, chắc chỉ một số ít người biết chuyện, hiểu chuyện mới có những giọt nước mắt ấy cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ! Không thể trách họ, bởi ngoài những thông tin thường ngày, những lo lắng về cơm áo gạo tiền, gia đình… họ không còn những thông tin nào khác! Không thể trách giới trẻ, bởi ngoài những thông tin về thể thao, một chút thông tin về thời sự, nghệ thuật, các cuộc thi người mẫu, chuyện ngôi sao, ca sĩ, và cả những tin tức về một xu hướng cổ võ lối sống hưởng thụ… họ chẳng thể dễ dàng tìm kiếm những thông tin khác, ở những luồng khác!
Đâu đó, vẫn còn những lời trách móc, những kêu ca của những nhà nghiên cứu, của những trí thức nặng lòng với Biển Đông, với Hoàng Sa – Trường Sa về việc phổ biến thông tin, chứng cứ… Đâu đó, vẫn còn những giọt nước mắt thầm rơi cho những nỗ lực đã vượt qua mọi khó khăn để mang thông tin tới đại chúng… Nhưng, làm sao để có nhiều hơn nữa những giọt nước mắt đồng thuận? Làm sao để mong ước của Tiến sĩ Nguyễn Nhã là thông tin về tình hình biển Đông, về Hoàng Sa – Trường Sa đến được với quảng đại quần chúng, hình như vẫn đòi hỏi những sự hy sinh và lòng quả cảm.
Chỉ có lòng quả cảm, biết vượt qua sợ hãi, dám đương đầu với những khó khăn… mới mong có được những giọt nước mắt đồng thuận! Ngay lúc này đây, tôi rơi lệ khi nghĩ đến sự uất nghẹn của Tiến sĩ Nguyễn Nhã, và tôi mong, nước mắt Nguyễn Nhã sẽ thấm đến từng tấm lòng, từng tâm hồn vẫn còn canh cánh cho chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau
Từ số báo này, Tuổi Trẻ đăng tải hồi ức của những người từng canh giữ biển trời Hoàng Sa 35 năm trước. Thời gian dài trôi qua, nhưng những gì tận mắt họ chứng kiến, những gì họ trực tiếp tham gia không thể phai mờ trong tâm trí.
Bây giờ nhắc lại sự kiện 35 năm trước, những nhân chứng ngày nào cứ nhiều lần rưng rưng khóe mắt. Tim họ nghẹn lại khi Hoàng Sa vẫn còn trong tay nước ngoài.
Kỳ 1:
Hoàng Sa trong ký ức một đảo trưởng
Ông Nguyễn Văn Đức |
1. Mái đầu ông Nguyễn Văn Đức đã điểm muối tiêu của tuổi ngoài 60. Hỏi ngày nào đáng nhớ trong cuộc đời của mình, ông trả lời không chút đắn đo: “Đó là ngày 14-10-1969, tôi nhận được tờ sự vụ lệnh biên chế về trung đội Hoàng Sa ra đảo làm nhiệm vụ dưới chức danh đảo trưởng”.
Buột miệng hỏi ông về những lo lắng trước lúc lên đường làm nhiệm vụ, ông phản ứng: “Tại sao phải lo lắng? Đó là đất của cha ông mình để lại, là máu mủ thân yêu của Tổ quốc nên chúng tôi ra đi như lẽ bình thường, hiển nhiên. Chẳng có chút gì phải lo sợ khi chúng tôi đi trong tâm thế của một người Việt ra canh giữ đảo biển của người Việt! Khi đó quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Sài Gòn, thuộc về người Việt, đó là sự thật lịch sử không thể chối cãi”.
Một ngày cuối tháng 10-1969, ông Đức cùng trung đội Hoàng Sa gồm 34 người và bốn nhân viên khí tượng rời cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) lên đường làm nhiệm vụ. Sau hơn 24 giờ lênh đênh trên biển, Hoàng Sa thân yêu hiện dần lên trước mắt ông.
Ông Đức nhớ lại: “Lúc đầu biển khá êm, nhưng khi rời đất liền được khoảng hơn 100km thì sóng lớn dần. Từ xa Hoàng Sa hiện lên giữa nền xanh của đại dương. Bao bọc quanh Hoàng Sa là những rạn san hô rộng lớn, vì thế chúng tôi không thể cặp tàu vào được mà phải dùng canô để chuyển quân và quân trang vào đảo. Trên đảo có một tòa nhà lớn được xây dựng từ thời Pháp thuộc, cao khoảng 8m, tường dày 2m dành cho đảo trưởng.
Trong phòng làm việc của đảo trưởng có một bức tường ghi tên tất cả những người lính đã ra đây giữ đảo. Và tên của chúng tôi đã được ghi lên đó, đó là niềm vinh dự lớn lao của một người con đất Việt. Xung quanh đảo là những rừng cây, tuy không to lớn nhưng cũng đủ để che chắn nắng gió cho lính đảo. Hình ảnh lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất tuyệt đẹp của Tổ quốc nơi xa đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ y nguyên. Xúc động lắm”.
2. Ông Nguyễn Văn Đức kể: “Nhiệm vụ của chúng tôi là đo đạc, báo cáo về sở chỉ huy ở đất liền những tin tức ở Hoàng Sa mỗi ngày. Anh em khí tượng làm nhiệm vụ quan trắc và báo cáo tình hình thời tiết để phục vụ cho tàu bè lưu thông trong vùng. Trang bị vũ trang lúc ấy không nhiều, chỉ có hai khẩu đại liên 50mm nhưng anh em vẫn kiểm soát được toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Tàu bè quốc tế ngang qua đều tôn trọng chủ quyền của chúng ta, và chúng ta cũng sẵn sàng hỗ trợ tàu bè khi gặp bão tố. Những lúc rảnh rỗi chúng tôi thường dùng canô đi qua các đảo lân cận để chơi vì cảnh quan ở đây rất hữu tình. Đảo Cát, đảo Chim, đảo Elbe, đảo Duncan, đảo Drumond... chúng tôi đều đã đặt chân đến”.
Tờ sự vụ lệnh quyết định điều chuẩn úy Nguyễn Văn Đức làm đảo trưởng Hoàng Sa tháng 10-1969 trong đợt thay quân thứ 38 của quân đội chính quyền Sài Gòn tại Hoàng Sa - Ảnh: Thế Anh |
Trầm ngâm nhớ lại những ngày tháng gắn bó với mảnh đất xa xôi của Tổ quốc, cựu chuẩn úy Nguyễn Văn Đức kể tiếp: “Khi thủy triều xuống, cả rạn san hô hiện lên tuyệt đẹp như một rừng hoa biển. Mỗi khi nhớ đất liền, anh em lại lấy vài cành san hô bỏ vô chậu, bắt vài con cá nhỏ ngồi ngắm nghía bên tách cà phê đen. Có sống ở đảo mới thấy nhớ đất liền, yêu quê cha đất tổ. Thời tiết ở đây khá ôn hòa nhưng gió mạnh lắm, nhiều khi anh em bị gió đẩy ngã sóng soài. Tuy vất vả, thiếu thốn nhưng anh em thấy vui và hãnh diện khi được trấn giữ biển đảo quê nhà”.
Ông nói có hai di tích ở đảo Hoàng Sa ông không thể nào quên. Đó là cái miếu nhỏ ở góc đảo mà anh em lính đảo vẫn thường ra đó để tìm chút an bình giữa sóng gió. Ông kể: “Mỗi khi sóng to gió lớn hay thấy lòng bất an, anh em chúng tôi thường tìm đến ngôi miếu. Lạ lắm, chỉ cần ngửi thấy mùi nhang khói là cảm giác ở xa đất liền như được gần lại. Hơn nữa, mùi nhang khói như gợi lên những tiềm thức về quê cha đất tổ, nhớ về nguồn cội. Đó là những điều cần thiết để những người con đất Việt như chúng tôi yên lòng nơi đầu sóng ngọn gió giữ gìn biển đảo của cha ông để lại. Cạnh đó là một nghĩa trang có hơn 30 ngôi mộ là hài cốt của những chiến sĩ người Việt ngã xuống vì bệnh tật nơi đảo xa, là nắm xương của những người con Việt đã nằm xuống sau những lần đụng độ với âm mưu xâm lược của ngoại bang.
Ở đó còn có cả hài cốt của những ngư dân từ miền Trung, miền Bắc gặp nạn trên đường mưu sinh. Và cũng có cả những nắm xương của lính nước ngoài bị chúng ta hạ gục khi âm mưu đánh chiếm đảo. Có một điều là chúng tôi không phân biệt địch ta khi họ đã ngã xuống, mỗi ngày rằm hay cuối tháng chúng tôi đều thắp nhang lên những nấm mồ hoang. Có lẽ đó là một nét đặc biệt của người Việt mình, là một hành xử đầy tính nhân văn, “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn” mà mỗi người Việt chúng ta còn lưu giữ được từ dòng máu Lạc Hồng!”.
3. Ngày 19-1-1974, ngày quân Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa - một phần máu xương của Tổ quốc VN, là ngày ông Đức cảm thấy đau đớn nhất trong cuộc đời mình. Ông xúc động kể lại: “Khi hay tin Hoàng Sa bị quân Trung Quốc tước đoạt bằng vũ lực, tôi đau đớn đến mức nước mắt không thể chảy được, lòng dạ như ai xát muối. Tôi biết ngoài kia những đứa con của đất Việt sẽ phải đổ máu vì quê hương. Tôi đau vì một mảnh đất tuyệt đẹp và giàu có của nước nhà đã bị ngoại bang vô cớ cướp đoạt. Đó là nỗi đau của một người con đất Việt!”.
Là một người từng học và hiểu biết về luật quốc tế, ngay trong ngày Hoàng Sa bị chiếm đó ông đã âm thầm lục tìm lại những tài liệu liên quan, gói ghém cẩn thận nhằm làm bằng chứng chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa. Đó là tờ sự vụ lệnh đã nhàu nát và úa vàng vì thời gian.
35 năm sau, ông Đức quyết định liên hệ với chính quyền và báo Tuổi Trẻ để cung cấp những bằng chứng quý báu đó. Có lẽ những ai quen biết ông đều không mấy khó hiểu về hành động yêu nước của ông khi biết trong ngày 30-4-1975, ông đã từng xuống tàu để rời Việt Nam, nhưng trong một tích tắc của thời khắc lịch sử ông đã nhảy lại lên bờ, bởi ông biết không nơi đâu bằng quê hương.
Ông Đức lần giở lại tờ sự vụ lệnh năm nào rồi nói: “Chừng nào Hoàng Sa vẫn còn trong tay ngoại bang thì niềm vui vẫn chưa thể gọi là trọn vẹn được. Tôi sợ rằng lớp trẻ sẽ quên mất Hoàng Sa, sẽ quên mất một phần máu thịt của Tổ quốc, sẽ quên mất rằng có rất nhiều người con của đất Việt đã ngã xuống vì Hoàng Sa trong ngày đáng nhớ 19-1-1974”. Có lẽ đó không chỉ là điều trăn trở của riêng ông.
No comments:
Post a Comment